THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:24

Tết phố, Tết quê


 Nấu bánh chưng là một trong những công việc quan trọng của người dân quê vào dịp Tết.

 

Tết quê đậm giá trị truyền thống

Từ lâu trong văn hóa của người dân quê, Tết Nguyên đán "to" hơn tất cả những cái tết trong năm, vì vậy dù cuộc sống có khó khăn nhưng Tết đến họ đều cố gắng chuẩn bị thật chu đáo để hy vọng một năm mới gặp nhiều may mắn.

Khoảng từ 20 tháng Chạp, khi công việc đồng áng đã tạm ổn bà con mới lo việc chuẩn bị cho ngày Tết, nào thì đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, đình, chùa, các công trình văn hóa được sơn, sửa khang trang, sạch đẹp.

Ở mỗi làng quê, nơi thể hiện rõ nhất không khí Tết đó chính là chợ. Chợ quê ngày 29 Tết luôn nhộn nhịp, tấp nập. Chợ họp từ sáng sớm kéo dài đến tận chiều với đủ hàng hóa, trong đó không thể thiếu: Chuối, bưởi, lá dong, hoa quả.. chủ yếu là “cây nhà lá vườn” người dân mang ra chợ bán kiếm tiền sắm Tết.

Với người làng quê, Tết ông Công, ông Táo rất quan trọng nên dù bận việc đến đâu thì ngày 23 tháng Chạp nhà nào nhà nấy đều làm mâm cơm tiễn đưa ông Táo về trời, trong đó các mẹ thường làm một mâm xôi chè để cúng bếp. Có nhà còn có thêm chậu nước thả mấy con cá chép để đưa ông Táo về trời. Sau Tết ông Công, ông Táo, mỗi làng quê thường tục đi “chạp mả”, đó là con cháu ra mộ thắp nhang, mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết.

Bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Người thành phố quen với việc đặt, mua bánh ở các cửa hàng, nhưng với người dân quê thì nấu bánh chưng là một trong những công việc quan trọng nhất trong ngày Tết.

Cụ Lưu Thị Thi ở làng Vạng, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, phong tục quê, ngày 30 Tết, nhà nào cũng làm mâm cơm cúng mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Trong 3 ngày Tết, nhà nào cũng phải làm cỗ cúng gia tiên và cúng thổ công, ông táo… Mâm cỗ cúng  phải có bánh chưng, cá kho, giò, chả, dưa hành, nem và canh mọc, gà luộc. Đến ngày mồng 3 Tết lại làm lễ “tiễn đưa” ông bà.

Ngày đầu năm mới, mọi người ăn nói phải giữ gìn, sợ nói bậy thì giông cả năm. Nhà cửa phải được quét dọn sạch sẽ trước giao thừa. Sau 12 giờ không được cầm chổi quét. Vì quét nhà là quét của cải năm đó ra khỏi nhà. Chuyện “xông đất nhà người khác” cũng được người dân quê coi trọng. Họ quan niệm nhà mình làm ăn ra sao trong năm mới này là phụ thuộc vào “vía” của người xông đất. Ai đến xông nhà đầu tiên vào sáng mồng 1 được gọi là “người xông đất”.

Người ở quê thường kiêng ra khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 12 giờ đêm 30 Tết cho đến 12 giờ ngày mồng 1. Ngày mồng 1 sau khi cơm nước xong, quần áo tươm tất, anh em, họ hàng, người quen đến nhà nhau lạy gia tiên, chúc mừng nhau: Thăng quan, tiến tước, sinh năm đẻ bảy, vạn sự như ý, buôn bán phát tài… Cùng ngồi uống chén rượu sen, rượu cúc, hoặc chén chè tàu, chè sen,… cùng hạt dưa, miếng mứt. Nếu không phải là con trai trưởng, mà cha mẹ còn sống thì đem biếu quà bánh, nếu cha mẹ mất thì ngày mồng 2 Tết phải làm cỗ đem đến nhà con trưởng cúng cha mẹ. Từ ngày mồng 2 Tết trở đi, người thì chọn ngày xuất hành, người thì hái cành hoa về cài vào cửa, gọi là đi hái lộc. Người làm quan thì chọn ngày khai ấn, học trò thì chọn ngày khai bút, nhà buôn bán thì chọn ngày mở cửa hàng, nhà quê thì chọn ngày làm lễ động thổ. Trăm công nghìn việc lại bắt đầu từ đó.

 

Mâm cỗ Tết của người dân quê được chuẩn bị chu đáo.

 

Chơi Tết của người thành phố

Khác với quan niệm ăn Tết của người dân quê, cuộc sống hiện đại khiến người thành phố chuyển từ khái niệm ăn Tết sang chơi Tết. Và xu hướng đi du lịch đón Xuân, tham quan các di tích lịch sử văn hóa của đất nước hoặc đi du lịch nước ngoài của người thành phố ngày càng tăng cao. Họ cho rằng, ngày thường làm việc bận rộn, vất vả, ít có thời gian đi chơi nên tranh thủ những ngày nghỉ Tết để đi du lịch nước ngoài, có khoảng riêng dành cho nhau…

Chị Nguyễn Thị Xuân, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, mấy năm nay cứ vào dịp Tết là gia đình chị đi du lịch, năm nay gia đình chị sẽ đi du lịch nước ngoài. Theo chị Xuân, đi du lịch dịp Tết không chỉ khám phá, tham quan những địa danh văn hóa của đất nước hay ở nước ngoài, mà qua những chuyến đi du lịch, các thành viên trong gia đình hay bạn bè thêm hiểu nhau, gắn kết với nhau hơn nhờ những kỷ niệm mà mọi người cùng nhau chia sẻ, trải nghiệm.

Chia sẻ những quan niệm về ngày Tết, chị Trần Vân Anh ở khu đô thị Time City, Hà Nội cho rằng: “Mình thấy cách nghĩ về Tết bây giờ có nhiều nét khác xưa. Trước đây, ít ai có ý nghĩ hay điều kiện đi du lịch ngày Tết. Nhưng nay, mình thấy du lịch trong dịp này có nhiều cơ hội để tìm hiểu về phong tục, tập quán ở các vùng miền, nhất là các tỉnh vùng cao. Hơn nữa, cho con đến những vùng khó khăn để cháu hiểu và chia sẻ với trẻ em miền núi, hình ảnh đó sẽ giúp cho con biết vươn lên trong học tập, biết thương yêu những người lao động vất vả, biết tiết kiệm trong cuộc sống…”.

Cụ Đào Thị Vân, hơn 70 tuổi ở làng Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội không giấu được nỗi trăn trở khi chứng kiến những thay đổi trong suy nghĩ của giới trẻ ngày nay về Tết. “Ký ức Tết truyền thống thế hệ tôi trải qua đó là bếp lửa hồng, bánh chưng xanh, được xem mẹ nấu kẹo lạc hay làm mứt gừng, háo hức phụ bố mẹ trang hoàng nhà cửa. Giờ con, cháu mình chẳng mấy hào hứng với những việc đó. Tất cả đã có dịch vụ cung cấp không ai còn tự làm các món ăn cho ngày Tết nữa. Xưa Tết kéo dài đến mồng 4, nhưng bây giờ hết ngày mồng 1 là coi như hết Tết. Bọn trẻ đi du lịch, chỉ còn lại người già trông nhà”, cụ Vân tâm tư.

 

Ngày Tết các thành viên trong gia đình sum vầy.

 

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Long (Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội UNESCO Hà Nội), đời sống kinh tế được nâng cao đi kèm với những giá trị hưởng thụ về văn hoá tinh thần và vật chất, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên và có thể đáp ứng ngay khi cần chứ không phải đợi đến Tết như ngày xưa. Hơn nữa, ngày nay trong một năm có rất nhiều ngày lễ khác đang chi phối tầm quan trọng của ngày Tết cổ truyền. Vì vậy, dường như Tết bây giờ đối với người thành phố có phần “nhạt” hơn so với Tết xưa.

Tết Nguyên đán là một phong tục đẹp mà nhân dân ta còn duy trì tới ngày nay. Thế nhưng trong thời kỳ toàn cầu hoá như hiện nay cách ăn Tết của người thành phố phần nào đã thay đổi. Những đổi thay ấy đến từ cuộc sống đầy đủ, tiện nghi hơn, từ sự năng động, nhạy bén hơn nhưng cũng khiến nhịp sống thêm vội vã hơn.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh