Tết của những người canh giữ biên cương
- Dược liệu
- 07:46 - 19/02/2015
Ở nơi địa đầu Tổ quốc
Không nhộn nhịp như các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị của (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), hay cửa khẩu Lào Cai (Lào Cai)..., nhưng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) có một một vị trí rất trọng yếu trong việc thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Bắc.Bên cạnh đó, đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy có một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng biên nơi địa đầu của Tổ quốc.
Chúng tôi về Thanh Thủy, đi tuần cùng các chiến sỹ dọc đường biên giới, mới thấy hết được những gian lao, vất vả của các chiến sỹ, những người làm nhiệm vụ canh giữ biên cương.
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy, thượng tá Nguyễn Xuân Hoàng cho biết: “Công việc của lính biên phòng dường như không có khái niệm thứ bảy, chủ nhật, thậm chí là ngày lễ, Tết.
Giới thiệu cột mốc biên giới cho các chiến sĩ mới.
Cứ ngày nghỉ, lễ, Tết là anh em lại phải làm việc bằng 150 – 200% ngày thường. Điểm khác giữa ngày thường và ngày lễ, Tết là có thêm thức ăn, bánh chưng và cành đào. Việc anh em phải ăn Tết trên đường biên đi tuần là chuyện bình thường”.
Trung tá Nguyễn Việt Phú, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy cho biết thêm: “Đơn vị không chỉ làm nhiệm vụ giữ biên cương mà còn phối hợp với các ngành chức năng đấu tranh chống buôn lậu, ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Những năm gần đây ở xã Thanh Thủy và các xã lân cận, nạn vượt biên, buôn bán trẻ em, phụ nữ diễn ra rất phức tạp, nhất là dịp cuối năm. Như đợt giáp Tết Nguyên đán năm 2014, chúng tôi đã phát hiện, bắt giữ và khởi tố vụ án với hai đối tượng là Dương Quang Tỉnh, 45 tuổi, dân tộc H’Mông ở thôn Ngọc Hà, xã Ngọc Linh (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) và Dương Thị Gái, 24 tuổi, dân tộc H’Mông, ở thôn Làng Un, xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), cùng hành vi buôn bán người”.
Chúng tôi ngược con đường tuần tra về Trạm Biên phòng Minh Tân, nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang, với bạt ngàn nghiến, có những cây to tới 4 – 5 người ôm.
Tăng gia tại Đồn Biên phòng Phước Tân.
Nhưng trước lợi ích kinh tế, sự dụ dỗ của các đầu nậu bên Trung Quốc, một số đối tượng đã luồn lách vào rừng tàn phá nghiến. Không thể để tài sản quốc gia bị “chảy máu”, các chiến sỹ biên phòng Minh Tân lại ngày đêm cắt cử nhau lên rừng tuần tra.
Chỉ tay vào những cây nghiến cao vút, thượng úy Hoàng Tô Long, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Minh Tân vui vẻ cho hay: “Những năm 2007 – 2011 nạn phá rừng ở đây diễn ra phức tạp nhất, nếu chúng tôi không “căng” người ra bảo vệ, thì có lẽ các anh không có cơ hội ngắm những cây nghiến cổ thụ này”.
Ngoài sân Đồn Biên phòng Thanh Thủy vài cây đào đã bắt đầu chúm chím nụ. Đồn trưởng Nguyễn Xuân Hoàng bảo, trước kia khi mới lên chốt vào dịp Tết đến xuân về cũng hơi chạnh lòng, nhớ vợ, nhớ con, nhớ gia đình, quê hương, nhưng bây giờ hầu hết các anh em đều đã quen.
“Anh em không còn buồn vì không được về quê đón Tết cùng gia đình, mà nặng lòng khi dịp Tết nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, ma túy lại hoành hành... Chỉ thương cho những cô gái nhẹ dạ cả tin, hiểu biết hạn chế mà trở thành món “mồi” cho những kẻ buôn người.
Tôi chỉ mong mùa xuân này, không cô gái nào bị lừa bán sang bên kia biên giới, không ai vướng vào vòng lao lý, để đón một cái Tết trọn vẹn với gia đình” – thượng tá Hoàng tâm sự.
Chiến sỹ Đồn Biên phòng Thanh Thủy còn tăng gia cải thiện bữa ăn.
Để miền biên cương Tây Bắc luôn ấm áp
Giữa rực trời hoa cúc quỳ trên những con đường gập ghềnh đá vùng biên ải thuộc huyện Phong Thổ (Lai Châu), những chiến sĩ Đồn Biên phòng Ma Ly Pho đang từng ngày, từng giờ kiên cường bám trụ bảo vệ biên cương, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xóa nghèo.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt qua những dốc đèo quanh co, chúng tôi đến bản Ma Ly Pho. Dịp Tết Nguyên đán năm nay rất đặc biệt với 50 hộ ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, bởi đây là Tết đầu tiên bà con được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Bản có đường bê tông sạch đẹp và hoàn thành các tiêu chí điện, nước, trường học trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ma Ly Pho tổ chức vui Tết sớm, bà con trong bản vui lắm. Trưởng bản Lý Dâu Lìn phấn khởi nói: “Năm nào cũng vậy, bà con được ăn Tết với chiến sĩ của Đồn, quân với dân cùng đón Tết nên bà con rất vui, mọi người ai cũng phấn khởi. Chúng mình cảm ơn Đảng, Nhà nước và bộ đội biên phòng nhiều lắm”.
Từ nguồn kinh phí khoảng10 triệu đồng hỗ trợ để tổ chức Tết cho bà con, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Ma Ly Pho đã họp bàn và quyết định chọn bản Ma Ly Pho làm điểm tổ chức cho dân ăn Tết sớm.
Trong không khí ngập tràn niềm vui và sắc xuân, bà con dân bản đã cùng các cán bộ chiến sĩ giao lưu nghệ thuật.
Những lời ca, điệu múa của các chiến sĩ Biên phòng, của các giáo viên cắm bản ca ngợi Đảng quang vinh, đất nước đổi mới, ca ngợi quê hương Lai Châu và Bộ đội Biên phòng anh hùng, được đan xen với những điệu múa mang đậm nét truyền thống, uyển chuyển của người dân làm lay động lòng người.
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số làm lúa nước.
Trong buổi Tết sớm này, các hộ gia đình chính sách và hộ nghèo của bản Ma Ly Pho đã được tặng quà từ các chiến sĩ biên phòng. Đây cũng là tình cảm, sự chung tay chăm lo Tết cho bà con mỗi dịp Tết đến xuân về.
Thiếu tá Nguyễn Đức Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ma Ly Pho tâm sự: “Nhờ vào sự đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào biên giới, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho. Chính vì vậy, việc tổ chức đón Tết vui xuân cùng đồng bào vừa là tình cảm, vừa là sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ biên phòng đối với đồng bào các dân tộc. Qua đây cũng để tăng cường hơn tình đoàn kết quân dân gắn bó, là dịp để chúng tôi phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”.
Giúp dân chính là giúp mình
Đóng quân trên địa bàn dân cư còn gặp nhiều khó khăn, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Xuân (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên- Huế) đã tổ chức nhiều chương trình giúp dân hiệu quả, thể hiện được sự đoàn kết giữa quân và dân trong khu vực quản lý.
Trước đây gia đình cụ Phạm Thị Duyên (81 tuổi) ở thôn Hà Ốc (xã Vinh An, huyện Phú Vang) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vốn đã nghèo khó, lại thêm ba người con tật nguyền, cả nhà ở trong nhà tranh rách nát.
Với tinh thần tương thân tương ái, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế cùng các tổ chức, nhà hảo tâm đã xây tặng gia đình cụ căn nhà cấp 4 rộng hơn 50m2. Tổng kinh phí xây dựng trên 80 triệu đồng, trong đó Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng và hơn 150 ngày công xây dựng, mà trực tiếp là các chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Xuân.
Một mùa xuân mới nữa lại đến, bốn mẹ con cụ Phạm Thị Duyên đã có thể yên tâm đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm trong căn nhà tình nghĩa. Ngoài ra chiến sĩ Biên phòng Vinh Xuân còn trang bị ti vi, quạt máy, chăn, màn, các vật dụng gia đình khác và hỗ trợ gạo hàng tháng cho gia đình.
Bên cạnh đó các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Xuân còn trích khẩu phần ăn hằng ngày của mình để hỗ trợ cho gia đình khó khăn mỗi tháng 10kg gạo. Việc làm tuy nhỏ nhưng đã san sẻ bớt gánh nặng cơm gạo với các hộ nghèo.
Bác sĩ mang quân hàm xanh thăm, khám bệnh cho dân.
Thượng úy Vũ Văn Năm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vinh Xuân, tâm sự: “Giúp dân làm tốt công tác dân vận chính là giúp mình, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của lực lượng trong thời bình. Đó là hoạt động mang đậm nghĩa tình đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giúp dân xóa đói giảm nghèo đồng nghĩa với trách nhiệm xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc”.
Được biết, từ năm 2009 đến nay, phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp vận động, đóng góp ngày công để xây dựng 155 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” và các công trình dân sinh phục vụ đời sống cộng đồng, với tổng giá trị trên 8 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Xuân.
Tết ở vùng “một tiếng gà ba nước cùng nghe”
Đồn Biên phòng 679 đóng tại xã Đăk Xu (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 12,9 km đường biên giới và 7 cột mốc trên tuyến biên giới Việt Nam- Lào. Ngoài nhiệm vụ quản lý, tuần tra bảo vệ biên giới, Đồn còn quản lý địa bàn gồm 14 thôn, làng ở xã Đăk Xu.
Đắk Xu là vùng đất tiếp giáp biên giới nước bạn Lào. Tết cổ truyền Ất Mùi đang đến gần, trách nhiệm của người lính Đồn Biên phòng 679 càng trở nên nặng nề hơn khi phải đối đầu với hiểm nguy trên tuyến biên giới đầy khốc liệt, đảm bảo sự bình yên cho bà con ăn Tết.
Thượng tá Kiều Ngọc Dư, Chính trị viên Đồn Biên phòng 679, cho biết: Đoạn đường từ Đồn đóng quân đến địa bàn dân cư sinh sống dài trên 40 km, nếu theo đường chim bay thì có 30 km đường rừng, nhưng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vẫn bám sát địa bàn, các đội công tác địa bàn được cử về cùng ở, cùng làm với dân.
Để đời sống người dân được cải thiện, Ban chỉ huy Đồn đã triển khai nhiều mô hình kinh tế giúp dân, các đội công tác địa bàn hướng dẫn cách sản xuất, phát triển kinh tế, chăm lo sức khỏe và khám chữa bệnh miễn phí cho dân, giúp xây nhà tình nghĩa cho người nghèo, neo đơn, do đó tình quân dân càng trở nên khăng khít, nghĩa tình.
Tết đến cũng là thời điểm khó khăn nhất với các chiến sĩ Đồn Biên phòng 679, khi phải căng mình tuần tra truy bắt tội phạm buôn lậu qua biên giới, tăng cường cảnh giác an ninh quốc phòng.
Thượng tá Kiều Ngọc Dư nói: “Tết với người lính như chúng tôi là những ngày hành quân bảo vệ biên giới, là giây phút gắn bó với đồng đội, với núi rừng, là gồng mình canh giữ bình yên cho nhân dân. Dẫu nhớ người thân và quê hương, nhưng được làm nhiệm vụ thiêng liêng nên chúng tôi rất đỗi tự hào”.
Trung úy Nguyễn Văn Thuận đã có vợ và hai con, nhưng đã bốn cái Tết rồi anh chưa được sum vầy cùng gia đình, tâm sự: “Không khí đón xuân với tôi là những ca trực ở nơi rừng xanh núi thẳm, mang nặng trọng trách canh giữ chủ quyền biên giới, phòng chống tội phạm, đảm bảo bình yên để sắc xuân tràn ngập vùng biên và đến với mọi nhà”.
Năm nay cũng là năm thứ hai thiếu úy Mai Văn Tuấn ở lại trực đơn vị. Anh chia sẻ: “Tết ở nơi biên cương cũng có bánh chưng, thịt lợn, dưa hành, bánh kẹo...
Sau mỗi cuộc tuần tra, các chiến sĩ lại trở về quây quần bên cành đào được đơn vị chuẩn bị sẵn rồi cùng giao lưu văn nghệ với người dân địa phương”.
Đồn Biên phòng 679 gồm phần lớn các chiến sĩ trẻ, nhiều người chưa lập gia đình. Vì nhiệm vụ chung, họ ở lại với núi rừng, với đồng bào để giữ gìn bình yên một vùng biên cương của Tổ quốc. Chiến sĩ trẻ Bùi Văn Hùng tâm sự: “Tết đến lại nhớ gia đình ở ngoài quê, miền Bắc lạnh lắm, em gửi áo ấm để bố mẹ thêm ấm lòng mà vơi bớt nỗi nhớ con trai...”.
Xuân sớm ở vùng biên Tây Nam
Đóng trên địa bàn xã Thành Long, (huyện Châu Thành,Tây Ninh), Đồn Biên phòng Phước Tân hiện đang quản lý 16,5 km đường biên giới quốc gia với hai cửa khẩu trực thuộc là Phước Tân và Hòa Thạnh.
Những ngày cuối năm, cán bộ chiến sĩ Đồn Phước Tân càng bận rộn hơn khi công trình bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Phước Tân đang trong quá trình gấp rút thi công. Đây là công trình nhằm tôn vinh và ghi công 36 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong những ngày đầu chiến tranh biên giới Tây Nam.
Kinh phí xây dựng công trình dự kiến 600 triệu đồng, do tập thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự quyên góp, cùng sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm.
Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Tân cho biết: "Mặc dù Đồn Biên phòng Phước Tân không có cửa khẩu giao thương nhộn nhịp như các đơn vị Xa Mát hay Mộc Bài, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị không một phút lơ là cảnh giác. Để làm tốt nhiệm vụ được giao, đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Công an huyện Châu Thành để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn".
Nói về thành tích đạt được trong năm 2014, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Tân, thượng tá Vũ Trọng Thắng cho biết: "Năm qua đơn vị đã tổ chức 704 buổi tuần tra, 62 buổi truy quét và tham gia 390 buổi kiểm soát lưu động. Về công tác chống buôn lậu, đơn vị đã tịch thu và giao cơ quan chức năng xử lý một số tang vật gồm: 15 trâu bò nhập lậu, 12 laptop hiệu Dell, 11 con rùa quý hiếm, 1000 gói thuốc lá Hero, 12m3 gỗ bao bì, 62 tấm gỗ dầu, 3.196 gỗ tròn, 550 ký gỗ trắc..."
Càng gần Tết cũng là thời điểm nhạy cảm trong việc bảo vệ an ninh biên giới và giữ gìn an toàn, trật tự xã hội để bà con vui xuân. Thượng tá Vũ Trọng Thắng cho biết thêm, để đảm bảo nhiệm vụ chính trị của lực lượng biên phòng trong dịp tết, Ban chỉ huy Đồn Phước Tân tăng cường công tác trực chiến trên toàn địa bàn, tuần tra biên giới với mật độ dày hơn, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn các hành vi buôn lậu trốn thuế và xâm nhập biên cương trái phép.
Hiện Đồn Biên phòng Phước Tân đang quản lý 3 xã vùng biên gồm Thành Long, Hòa Thành và Hòa Hội. Đa phần mặt bằng dân trí người dân nơi đây, đặc biệt là bà con Khmer còn nhiều hạn chế.
Những năm qua, Đồn Biên phòng Phước Tân phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác dân vận, vận động các hộ dân cho con đến trường, tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến tận thôn, xóm và từng gia đình thông qua nhiều kênh khác nhau.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy Đồn còn cùng các chiến sĩ góp sức cùng bà con mở đường, nâng cấp các tuyến giao thông liên thôn - liên ấp để việc đi lại thuận tiện hơn, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn vùng biên thêm phần khởi sắc.
Nói về công tác dân vận của Đồn Biên phòng Phước Tân, ông Un Miệt, ở ấp Hiệp Phước (xã Hòa Thành) chia sẻ: “Đời sống vùng biên trước đây nghèo lắm, bà con Khmer quần quật kiếm miếng ăn, thời gian đâu nghĩ chuyện học hành. Từ khi các chiến sĩ biên phòng xuống ấp vận động, nhận thức của tụi tui cũng thay đổi, vậy là cho trẻ đến trường. Giờ nhìn tụi nhỏ đọc chữ và làm toán ro ro, ruột gan cũng vui...”.
Sắc xuân đến sớm, đó là cảm nhận chung của nhiều người dân trên địa bàn. Như lời ông Nguyễn Văn Út, ở ấp Thạnh Đông (xã Thành Long): “Ở vùng biên giới mà chúng tôi thấy bình yên lắm. Đồn Biên phòng Phước Tân luôn tạo điều kiện để bà con yên tâm làm ăn, trao đổi hàng hóa cũng như đi lại thăm hỏi họ hàng bên kia biên giới. Một năm vài lần, Đồn Biên phòng tổ chức họp mặt bà con nói chuyện pháp luật, về biên giới lãnh thổ để biết và chấp hành...”.
Theo truyền thống của người Việt, Tết cổ truyền là dịp người thân trong gia đình quây quần quanh mâm cỗ. Tuy nhiên, đối với người lính biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương, Tết đến lại càng thêm bận rộn.
Nhận thức được điều này, binh nhì Đặng Quốc An trải lòng: “ Vẫn biết Tết là dịp để gặp gỡ người thân bạn bè, nhưng với trách nhiệm của người lính, đặc biệt là lính biên phòng, em nghĩ mình phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Xem việc bảo vệ an ninh chính trị vùng biên để bà con vui xuân cũng là niềm vui...”.