CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:33

Tên anh tạc vào đá núi

 

Anh hùng Phan Hành Sơn (áo trắng thứ 2 từ trái qua) tại buổi giao lưu với các sĩ quan Cuba.


Hỏi mộ anh ruột, nên vợ thành chồng

Tôi ghé lại nhà Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn trên đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) trong buổi sáng  tháng 6. Chị Nguyễn Thị Thạnh, vợ  anh ngậm ngùi nói về cuộc đời bi tráng của đức phu quân, song một câu chuyện chưa có báo chí nào nói đến, đó là việc chị với anh Phan Hành Sơn sánh duyên chồng vợ và người đặt tên Phan Hành Sơn. Chị bảo trong những tháng ngày giặc giã, lửa đạn chiến tranh khốc liệt, chị tham gia hoạt động cách mạng, làm giao liên tại xã Hòa Lân, huyện Hòa Vang. Hồi đó chị đâu có biết Phan Hành Sơn là ai. Sau ngày miền Nam giải phóng 1975, chị có ý định đi tìm mộ người anh ruột của mình là Nguyễn Vinh Tráng  thuộc đơn vị Tiểu đoàn 1 (R20), Tỉnh đội Quảng Đà, hy sinh trong một trận đánh Mỹ tại Gò Nổi, Điện Bàn, song chưa có manh mối, tin tức gì. Biết nỗi lòng của chị, bà Lan, cán bộ cách mạng hoạt động lâu năm tại địa phương ở gần đó giới thiệu cho chị tới gặp anh Kiên, người đồng đội cùng chiến đấu với anh Tráng năm ấy.  Bà Lan còn nói với chị: “Để biết chỗ chắc chắn, mi gặp thêm thằng Hiệp (tức Phan Hành Sơn) ở Hòa Phụng mà hỏi. Nó cũng tham gia đánh trận nớ đó”.  Được anh Kiên mô tả khá chi tiết chỗ chôn cất anh Tráng nhưng lại chưa có điều kiện gặp được Phan Hành Sơn, vì sau giải phóng, anh từ miền Bắc chuyển thẳng vào Đà Lạt, Lâm Đồng tiếp tục học tập. Chừng giữa năm 1975, anh Phan Hành Sơn được nhà trường cho nghỉ mấy ngày phép về thăm quê. Hay tin Phan Hành Sơn về, chị Thạnh tìm tới hỏi nơi anh Tráng đang nằm có trùng hợp với sự chỉ dẫn của anh Kiên không. tuổi trẻ của Phan Hành Sơn cũng như bao người khác ở vào cái ngưỡng khao khát tình yêu nhất thì phải lăn xả ra trận mạc, đội bom, hứng đạn  để đánh đuổi giặc thù chứ mấy ai có chút thầm kín riêng tư! Trước nhan sắc trời phú của cô thôn nữ trẻ trung đang hừng hực sức xuân, dẫu chưa một lần biết tên, gặp mặt thế mà trái tim Phan Hành Sơn lại chộn rộn, lòng bồi hồi, xao xuyến! Kể từ giây phút lưu luyến ấy, anh chị trao gửi bao tình cảm yêu thương cho nhau. Khoảng nửa năm 1976, anh Phan Hành Sơn học xong, được điều động về Quân khu 5 công tác và họ quyết định đám cưới. Hồi ấy, việc tổ chức đám cưới của những cán bộ tham gia cách mạng dứt khoát phải có người đại diện của hai bên cơ quan phát biểu, song do vừa chân ướt, chân ráo về đơn vị mới, sợ phiền phức mọi người nên anh Phan Hành Sơn không dám mời ai. Ngày cưới đã cận kề mà anh chị cứ loay hoay mãi vẫn chưa biết nhờ cậy ai đứng ra lo liệu khâu tổ chức. Biết được chuyện này nên ông Đặng Văn Khá, người cùng quê, nguyên Trưởng ban An ninh quận 3, lúc đó đang là Bí thư Đảng uỷ phường An Hải Tây, đứng ra làm đại diện cho hai bên cơ quan, gia đình. Đám cưới của họ diễn ra tại quê nhà rất đơn sơ, bình dị mà ăm ắp niềm vui và ngập tràn hạnh phúc. Ngày cưới của họ đã 40 năm trôi qua, hoa trái của tình yêu ấy là 3 người con đều đã trưởng thành. Người con trai đầu đang là sĩ quan quân đội, tiếp bước truyền thống anh dũng, kiên cường của người cha anh hùng.

Anh hùng Phan Hành Sơn (thứ 2 từ trái qua) và các anh hùng trong đoàn thăm Bảo tàng quân sự Cuba. (Ảnh trong bài do gia đình cung cấp).

Về cái tên Phan Hành Sơn, chị Thạnh kể: Tháng 5/2003, anh Sơn mất, một số văn nghệ sĩ quân đội đến viếng, có người nói sau khi anh tham gia cùng đơn vị tiêu diệt tiểu đoàn biệt kích Nùng tại Non Nước thì nhà văn Nguyễn Chí Trung ở Tạp chí Giải phóng Trung Trung bộ viết về trận đánh này. Cái tên Phan Hiệp trong bài viết ông đổi thành Phan Hành Sơn để gắn với ngọn núi nơi diễn ra trận đánh và được đơn vị đồng ý, nên trong tấm bằng anh hùng được phong năm 1969 lấy theo cái tên này. Được biết nhà văn Nguyễn Chí Trung là thiếu tướng, tên thật là Thái Nguyên Chung, quê xã Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng, sau này là đại diện Báo Nhân Dân tại Campuchia rồi trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Anh hùng Phan Hành Sơn bắt tay các sĩ quan quân đội Cuba.

Lấy đạn Mỹ bắn.. Mỹ

Khi anh Phan Hành Sơn làm Trưởng Ban bảo vệ dân phố phường An Hải Bắc, tôi có đến nhà anh chơi. Thật xúc động, bởi người thương binh một thời vào sinh ra tử, thân thể còn đầy vết đạn của chiến tranh, chân đi khập khiễng thế mà đêm đêm vẫn đeo băng đỏ, cầm gậy lặng lẽ tuần tra để bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân. Thấy tôi vào nhà, anh định cởi áo nhảy ùm xuống ao sau vườn bắt con cá anh em lai rai cho vui, nhưng tôi can lại. Có lẽ viết thật đầy đủ về những chiến công lẫy lừng của anh hùng Phan Hành Sơn rất khó, bởi “Hăm mốt tuổi căm hờn/ diệt địch gấp hai mươi lần số tuổi/ đánh trăm trận ba năm vào bộ đội/ núi Ngũ Hành vang dội Phan Hành Sơn…(Xuân Diệu)”. Được tặng thưởng tới 28 bằng “Dũng sĩ diệt Mỹ” nhưng anh nhớ như in trận đánh Mỹ tại làng Vân Quật, xã Xuyên Thanh, huyện Duy Xuyên, Quảng Đà đầy cam go ác liệt nhất. Để khống chế địa bàn của 5 xã vùng tây Duy Xuyên, đầu năm 1966, một trung đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ chiếm đóng tại khu căn cứ An Hòa, điểm đầu cùng của Duy Xuyên. Hàng ngày chúng kết hợp với lính ngụy kéo quân càn quét, đốt phá, bắn giết không chỉ các vùng lân cận mà tràn cả qua các xã thuộc huyện Điện Bàn. Tiểu đoàn 1 đã chỉ đạo cho lực lượng du kích các xã: Xuyên Thu, Xuyên Phú, Xuyên Hòa, Xuyên Thanh... dùng biện pháp bắn tỉa rồi nhanh chóng rút quân để lừa địch là Việt cộng không có quân đội hùng mạnh tại vùng này nhằm nhử chúng vào vòng vây để tiêu diệt. Khi cuộc càn quét của trung đoàn lính Mỹ đang lùng sục, bắn phá tại Gò Nổi thì ngày 16/1/1967, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Võ Xuân Lâm chỉ đạo các đại đội bí mật hành quân tới mật phục tại các triền dâu làng Vân Quật, Xuyên Thanh chờ đợi chúng quay về căn cứ đánh phủ đầu. Đã 9 ngày trôi qua mà bọn Mỹ vẫn chưa trở lại, ai nấy đều lo lắng, Tiểu đoàn trưởng Võ Xuân Lâm lòng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Đến 8 giờ sáng ngày thứ 10 (26/1) thì quân Mỹ lù lù từ Gò Nổi băng qua. Bọn chúng lăm lăm súng đạn di chuyển từng tốp theo đội hình tam giác, 2 trước, 1 sau để hỗ trợ cho nhau. Khi chúng vừa tiến vào địa điểm mai phục thì lệnh nổ súng tấn công được truyền đạt. Trận chiến đấu lập tức diễn ra, lửa đạn ngút trời đến 13 giờ cùng ngày thì súng cối của các đại đội đã hết đạn, trong khi đó hàng chục máy bay trực thăng chở quân Mỹ từ căn cứ An Hòa xuống đổ tại Xuyên Khương chi viện cho chiến trường. Lát sau, Phan Hiệp (lúc này chưa có tên Phan Hành Sơn), Đại đội phó Đại đội 3 báo cáo: “Thưa Tiểu đoàn trưởng, 3 khẩu trung liên 6,72 mm của Đại đội 3 cũng đã hết đạn, rất gay go”. Tiểu đoàn trưởng hỏi lại: “Bây giờ đồng chí tính phương án nào?”. Giọng Phan Hiệp đanh gọn: “Tiểu đoàn trưởng cứ yên trí. Loại súng này bắn được đạn trung liên của Mỹ. Tôi sẽ bò tới chỗ những tên Mỹ đang ôm trung liên chết để lấy đạn”. Dứt lời, Phan Hiệp trở thành người lính đặc công tinh nhuệ, trườn người theo các hàng dâu tới nơi xác lính Mỹ thu được 500 viên đạn rồi nhích dần về vị trí  phân phát cho 3 khẩu trung liên chiến đấu đến 17 giờ cùng ngày thì 150 tên Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu, sức kháng cự của chúng yếu dần, phải rút về sân vận động Bảo An rồi lần lượt bước lên những chuyến trực thăng về An Hòa... Năm 1972, Phan Hành Sơn vượt Trường Sơn ra Bắc học tập. Tháng 9/1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro sang Việt Nam, anh và đoàn anh hùng miền Nam tháp tùng vào tận Quảng Trị. Chủ tịch có mời đoàn anh hùng sớm thăm Cuba nhưng mãi đến năm 1982 anh mới tới được quốc đảo nổi tiếng rượu rum với tư cách Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam.

nh hùng Phan Hành Sơn (ngoài cùng bên trái) ngắm bắn mục tiêu tại thao trường Cuba theo đề nghị của quân đội bạn.

Hơn chục năm rồi, thượng tá, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, QK5 Phan Hành Sơn đã nhẹ nhàng cưỡi hạc đi xa, nhưng tên anh đã khắc vào đá núi Ngũ Hành để trở thành bất tử. Cái tên kiêu hãnh ấy sẽ còn mãi mãi với xứ sở, quê hương

THÁI MỸ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh