Tây Nguyên: “Thần dược” xuống phố...
- Sức khỏe
- 16:39 - 17/09/2015
Đừng nghe “thần y đường phố” nói...
Chị Trần Thị Thanh (Khánh Hòa) đã nhiều lần nghe giới thiệu rằng trên Tây Nguyên có bán nhiều loại “thần dược” quý, vốn được lấy từ những khu rừng hoang về và có công dụng “chữa bách bệnh”. Vốn trong người có bệnh, chị Thanh tìm lên khu vực dọc cầu cầu 14 (nối hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông), nơi có những “thần y đường phố” bán đủ loại rễ cây, lá và củ với lời giới thiệu “uống là khỏi bệnh”, rồi mua một số “thuốc nam” về dùng. Giọng bức xúc, chị Thanh kể: “Mua hết cả triệu đồng tiền thuốc nam về uống, chẳng những bệnh không thuyên giảm, đến ngày thứ 10 tôi còn bị đau bụng dữ dội. Vào viện khám, qua xét nghiệm, bác sỹ chuẩn đoán các thành phần trong cây thuốc tôi đã uống không phải là thảo dược hay thuốc quý, mà chỉ là... cây dại, uống quá nhiều sẽ bị ngộ độc, có thể dẫn đến tử vong”.
Giống chị Thanh, một người đàn ông tên Hậu, nhà ở Lâm Đồng, nghe nói bên Đắk Lắk đồng bào dân tộc thiểu số săn được nhiều “thần dược quý” đem bán nên đã chạy xe sang mua. Mang “thần dược” về nhà, ông uống liên tục 10 ngày nhưng càng uống càng thấy mệt trong người, đại tràng đau thắt hơn và khó đi tiểu, chứ không “thông tiểu và thanh thoát cơ thể” như lời quảng cáo của người bán thuốc. Khám bác sỹ, ông được chẩn đoán là dùng phải cây vú bò dại, một loại cây dễ cọc, làm củi thông thường, mọc hoang trong rừng chứ không phải là loại thuốc quý.
Cũng bởi tin tưởng vào lời đồn thổi, lại có bệnh nên vái tứ phương, ông Lê Văn Hải ở TP.Hồ Chí Minh, cũng lặn lội lên huyện Chư Jut (Đắk Nông) để tìm mua “thần dược” của đồng bào dân tộc thiểu số. Từng hy vọng nếu hợp thuốc thì những loại cây thuốc thần bí mọc chốn rừng già lại phát huy tác dụng nên ông Hải cũng thử... liều. Ông kể, hầu hết cây “thần dược” ông trực tiếp nhìn thấy bà con bày bán đều ở dạng tươi. Người bệnh có nhu cầu sử dụng, sau khi mua về tự chế biến lấy. Sau khi tham khảo, ông Hải mua đủ các loại gồm: Linh mộc, ứng bảo, thảo quyên... những loại “thần dược” này được quảng cáo chỉ có trong những khu bảo tồn lâu năm như Vườn quốc gia Chư Yang Shin, phải mất cả tháng trời mới có thể săn được. Ông còn nghe kể “có người đi tìm mấy chuyến nhưng đành phải về không”. Tin rằng gặp thuốc quý, ông Hải bỏ ra 5 triệu đồng để khuân vô số “thần dược” về nhà. Lạ thay, bệnh chẳng thấy đỡ mà người thân lại thấy ông xanh xao, vàng vọt. Qua 2 tuần dùng thuốc, mệt lả người, ông đi khám thì nghe bác sĩ nói thiếu máu trầm trọng, phải đi truyền máu.
Bà Nguyễn Hà Thắm ở Tuy Hòa (Phú Yên) cũng nghe nhiều người truyền tai là nên lên Buôn Ma Thuột trực tiếp mua được “thần dược”. Vốn có thời gian, bà Thắm đi tìm mua thuốc uống nhưng ở nhờ luôn nhà người quen trên Buôn Ma Thuột để sắc thuốc uống suốt gần 1 tháng trời. Bà kể: “Tôi mua các loại cây được quảng cáo là “thần dược” ở ngay trước cổng trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk), mất bao công sắc thuốc và kiên trì uống, nhưng bệnh chẳng khỏi mà đi khám thì khối u còn lớn hơn trước”.
Thật, giả khó lường
Phải khẳng định, thời gian qua cũng có nhiều người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và người dân ở khu vực vùng sâu đi săn được một số loại dược liệu quý như mật nhân, linh thảo, điền thảo... rồi đem bán. Lợi dụng thực tế này, không ít đối tượng hám lời đã lấy các loại cây rừng có hình dáng tương tự cây dược liệu quý để bày bán cho người có nhu cầu. Anh Ka Hành ở Đắk Min (Đắk Nông) kể: “Chúng tôi biết rõ cây thuốc quý nên thỉnh thoảng đi ra khỏi buôn làng, hay ra khỏi rừng thấy có nhiều người lạ bán các cây quảng cáo là “thần dược” giữa TP.Buôn Ma Thuột thì biết ngay đó là dược liệu giả. Đi rừng nhiều năm nên tôi biết có nhiều loại cây dược liệu quý giống y chang như cây dại vậy đó”. Cách đây hơn 1 tháng, anh Hành vào rừng khai thác mật nhân và điền thảo được gần 100kg, tuy nhiên, tại địa phương, số người đi khai thác mật nhân khá nhiều nên anh phải chở hàng sang TP Buôn Ma Thuột bán, mong hàng chạy hơn và cũng được giá hơn. Tuy nhiên khi sang đây, anh thấy khá nhiều người lạ, nhất là những người trước đây hay buôn bán ở chợ bày bán cả dược liệu rởm.
Đủ loại “thần dược” được bày bán ở Tây Nguyên, nhưng thật, giả khó lường.
Một người bán mật nhân cho hay: “Bữa nay cà phê chưa thu hoạch nên có thời gian rảnh theo bà con trong xóm vào rừng tìm mật nhân và các cây dược liệu quý khác. Tìm khổ sở lắm mới được cây thuốc thật, nhưng khi ra phố bán thì thấy nhiều người bán cây giả lắm”.
Theo ông Lê Công Biên, người chuyên bốc thuốc nam ở TP. Buôn Ma Thuột, ông từng đi đến các địa điểm bán dược liệu được cho là “thần dược” tràn lan trên địa bàn Buôn Ma Thuột và ở thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) thì thấy thật, giả rất khó lường. Hơn nữa, nhiều loại dược liệu như mật nhân, điền chi còn được người ta đồn thổi thêm nhiều công dụng. Thực chất, nếu mật nhân thật có vị đắng, tính mát, ngửi có mùi thơm, là một loại dược liệu qúy trong đông y, dùng chủ yếu để chữa trị các bệnh viêm nhiễm đường ruột và một số bệnh khác. Tuy nhiên, nếu là cây giả thì rất khó lường được những tác hại của nó. Thuốc nam khi sử dụng cũng cần cẩn trọng chứ không thể cứ thế về dùng là có hiệu quả.
Ông Ka Manh ở huyện Lắk cho biết: “Vì mưu sinh nên trước đây cả nhà tôi cùng lùng sục vào rừng để tìm dược liệu quý bán, giờ nghe cán bộ nói làm vậy sẽ gây cạn kiệt nguồn dược liệu nên chúng tôi không đi săn nữa. Mà thực ra các loại cây thuốc thật sự quý cũng chẳng còn bao nhiêu. Vậy mà trên Buôn Ma Thuột, người ta đua nhau bán “thần dược”, thuốc quý ở đâu ra mà lắm thế?”.
Theo lời ông Ka Manh, có lần ghé vào một tụ điểm bán dược liệu ngay trên đường Lê Duẩn, cầm cây thuốc lên mà ông giật mình vì đó không phải mật nhân như người bán nói, mà là chỉ là... miếng gỗ. Loại cây gỗ này có vị đắng, uống vào sẽ gây váng đầu, không ai dùng được. Những người rành như ông Ka Manh nhìn là biết, còn những khách hàng, những người bệnh thì khó thể nhận biết đâu là dược liệu thật và giả. Kể lại chuyện này, ông Ka Manh khuyến cáo “ người bệnh nên cẩn trọng tìm hiểu trước về những loại cây thuốc rồi hãy bỏ tiền ra mua, kẻo tiền mất tật mang...”.