THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:27

Tây Nguyên:Diện tích trồng hô tiêu ngày càng teo tóp, nông dân lâm cảnh nợ nần

Tiêu một thời xanh tốt cho năng suất cao

Mùa mưa Tây Nguyên gần kết thúc, nhìn vườn tiêu đang cho thu hoạch héo lá, rụng đốt chết, chỉ trơ lại trụ, người dân không khỏi lo lắng, xót xa .

Tại Đắk Lắk, ông Vũ Đức Trịnh trú tại thôn 6, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar đã vay vốn đầu tư 1,7 ha hồ tiêu, không khỏi lo lắng vườn hồ tiêu của gia đình đã chết gần hết. Ông Trịnh cho biết, với những diện tích tiêu đã chết, ông cho thu dọn trụ tiêu, thuê máy cày xới đất để chuyển sang cây trồng khác. Còn một số diện tích mới trồng cho thu bói thì ông đang cố gắng cứu chữa, nhưng tiêu vẫn chết. Cũng như ông Trịnh, ông Hải cho biết, để trồng 1 ha hồ tiêu từ mua giống đến xây trụ gạch, gia đình ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Do dịch bệnh nên hồ tiêu gia đình ông đã chết 80%, từ 1.000 trụ đến nay chỉ còn 200 trụ. 

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, hiện diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là hơn 38.600 ha. Tính đến nay, đã có trên 3.800 ha hồ tiêu bị ngập úng chết, nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm và các loại sâu bệnh hại khác. Tại nhiều nơi, người dân đã phá bỏ vườn tiêu, thu gom trụ, cày xới đất chuyển sang cây trồng khác. 

Bà Vũ Thị Thanh Bình- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết mặc dù hiện nay diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh và giá tiêu đang giảm mạnh, tuy nhiên người dân không nên buông xuôi mà cần phải duy trì những diện tích hồ tiêu còn cho sản lượng để chờ giá cả ổn định. Bà Bình khuyến cáo người dân ở những diện tích tiêu bị chết do ngập úng, đất đai không phù hợp hoặc diện tích tiêu chết do bệnh chết nhanh, chết chậm thì bà con không trồng lại tiêu, mà nên chuyển diện tích đó sang những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Những trụ tiêu được dọn dẹp chất đống cỏ đã bao phủ

Tại Gia Lai, trên 100ha tiêu ở 2 huyện Ia Grai và Chư Sê  đang bị chết trắng cả vườn vì bị úng nước, và con số này vẫn chưa dừng lại. từng chùm quả và lá đang xanh chuyển qua vàng, nhiều vườn chỉ còn trơ lại dây tiêu người dân dọn lại chất đống phơi khô đốt. Gia đình bà Lê Thị Liên (ở xã Ia Hrung) cũng đang rơi vào cảnh nợ nần cho biết, vườn tiêu khoảng hơn 1.300 trụ của gia đình tôi chết sạch, trong khi năm ngoái gia đình tôi thu được khoảng 200 triệu đồng. Mùa mưa năm nay cũng đã vét mương rộng và sâu hơn, nhưng nước vẫn ngập trong vườn. Toàn bộ chi phí từ giống cây, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hết mấy chục triệu giờ đổ xuống sông, xuống biển, tiền nợ ngân hàng giờ không biết lấy đâu mà trả. Ông Đào Văn Duyến ở thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung cũng chỉ biết thở dài: “Trước đây, gia đình có vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để đầu tư. Hơn 1.000 trụ tiêu Vĩnh Linh đến tháng 12 năm nay là có thể cho thu hoạch, cứ ngỡ sẽ có tiền trả nợ. Ai ngờ sau mấy tháng mùa mưa lại lâm cảnh trắng tay, đã thế còn phải dọn dẹp thân, rễ tiêu khô để đốt bỏ. Chúng tôi cũng đang làm lại đất, trồng cà phê rồi xen các loại cây ngắn ngày như đậu, bắp”. Tại thôn Hố Lao, xã Chư Pơng, gia đình ông Phạm Văn Hưng có hơn 3.000 trụ tiêu chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch cũng đã chết gần 2.000 trụ. Số trụ tiêu còn lại, đang có hiện tượng vàng lá, héo úa… Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện đã có hơn 150ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó có hơn 50ha hồ tiêu đã chết hoàn toàn sau thời kỳ mưa kéo dài

Xót xa nhìn vườn tiêu chết trơ cây

Theo thống kê của 2 Phòng NN&PTNT huyện Ia Grai và huyện Chư Sê, tổng diện tích tiêu chết do bị úng nước là hơn 100ha. Cụ thể, tại huyện Ia Grai có khoảng 50ha tiêu chết ở các xã như: Ia Hrung, Ia Sao, Ia Yok. Huyện Chư Sê khoảng hơn 50ha, chủ yếu ở xã Chư Pơng. Ông Đào Lân Hưng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Ia Grai cho biết: “Tại huyện này thời gian vừa qua mưa lớn liên tục kéo dài nhiều ngày, gây ngập úng cho nhiều loại cây trồng như tiêu, cà phê, lúa nước… Sau khi nắm bắt được tình hình, chúng tôi đã phối hợp Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV, UBND xã, thị trấn hướng dẫn người dân tập trung nhanh chóng khơi thông dòng chảy, tránh tích tụ nước trong bồn, bằng mọi biện pháp thoát ngay nước trong hố trồng tiêu, cà phê… Bên cạnh đó, phòng cũng đang tiếp tục đôn đốc các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại cũng như triển khai các giải pháp khắc phục thiệt hại”. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê - ông Nguyễn Văn Hợp cho hay: “Hiện tại, phòng đã nắm sơ bộ số diện tích tiêu chết trên địa bàn. Chúng tôi đang đôn đốc các xã nhanh chóng gửi số liệu cụ thể về phòng để có những biện pháp cụ thể. Trước mắt, chúng tôi đã tuyên truyền vận động người dân tích cực khơi thông dòng chảy, tránh nước tích tụ lại dưới gốc cây. Những cây đã chết nên dọn dẹp sạch sẽ để không lây lan những mầm bệnh cho những cây khác”.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh