THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:21

Taxi truyền thống lao đao trước lệnh cấm của Hà Nội

 

Nên quản chặt thay cho lệnh cấm lưu thông

Trước vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hiệp Hội taxi Hà Nội, Phạm Quốc Bình cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 80 doanh nghiệp taxi với 77 hãng taxi, trên 19.000 xe và 40.000 lái xe đang làm việc. Thành phố Hà Nội hiện đang có quá nhiều những tuyến phố cấm taxi hoạt động, có tuyến cấm theo giờ, có tuyến cấm cả ngày điều này khiến cho địa bàn hoạt động của các hãng taxi ngày càng thu hẹp, tạo sức ép rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp taxi và đặc biệt làm ảnh hưởng đến cuộc sống của lái xe taxi đang làm việc tại Hà Nội và gia đình họ.

Theo Chủ tịch Hiệp Hội taxi Hà Nội, chính sách phát triển và quản lý giao thông của thủ đô còn tồn tại sự phân biệt với vận tải taxi. Việc cấm taxi hoạt động trên rất nhiều tuyến đường trong giờ cao điểm, gây ra sự bất bình đẳng, đặc biệt là giữa taxi truyền thống với các loại hình Grab, Uber. Thực tế, Uber hay Grab đều có hệ thống phương tiện hoạt động như taxi, nhưng lại không có dấu hiệu của loại hình này, bởi vậy sẽ không chịu sự ràng buộc bởi quy định.

 

Tình trạng tắc đường ở Hà Nội có nguyên nhân của ý thức tham gia giao thông của các chủ phương tiện.

 

Chủ trương của Hà Nội cấm taxi chạy trên các tuyến phố vào giờ cao điểm để giảm tải ùn tắc giao thông nhưng tuyến phố cấm xe taxi và quy định cấm có thể thay đổi liên tục theo từng khoảng thời gian dẫn đến việc nắm bắt được tất cả các tuyến phố cấm hiện nay là điều rất khó khăn đối với những người lái xe. Đặc biệt, khi bị cấm, các lái xe phải chọn đi ở các trục đường phụ, như vậy có thể gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ ở đó. Ngoài ra, việc taxi phải đi vòng với tuyến đường dài sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho hành khách. Những vấn đề này xảy ra là do sự nhận diện chưa đúng đắn của các bên liên quan đối với vận tải taxi. “Do đó, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước phải xác định được cách thức phát triển phương tiện phù hợp. Đã đến lúc, taxi phải được xem xét phát triển, quản lý và kiểm soát như một loại hình vận tải công cộng chính thống” – ông Bình kiến nghị.

Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp Hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, nếu khẳng định taxi là vận tải hành khách công cộng thì cần có các giải pháp quản lý được số lượng, chất lượng phương tiện như xe buýt, và có cách quản lý điều tiết hoạt động trong đô thị của nó. Khi đã nhận định được taxi là vận tải hành khách công cộng thì ta sẽ có ứng xử với nó làm sao cho phù hợp, và có cơ chế chính sách ưu đãi phát triển, quản lý.

Ngành GTVT cần tổ chức giao thông theo hướng từng bước kiềm chế sự tăng trưởng của phương tiện cá nhân, song song với việc tập trung phát triển và gia tăng sự tiện lợi của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và taxi, nhằm thu hút người dân. Cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện quy hoạch vận tải taxi trong khuôn khổ; cũng như tổ chức điều tiết, vận hành có trật tự, thống nhất như mạng lưới xe buýt. Có như vậy, thay vì áp dụng quy định cấm taxi một cách cứng nhắc, quy định được đề ra mới đảm bảo tính thực thi và nhận được sự hưởng ứng của nhân dân trong thời gian tới.

Tài xế thất thu, người dân bất tiện

Việc UBND TP Hà Nội sẽ cấm taxi ở một số tuyến đường trung tâm của thành phố xuất phát từ kỳ vọng giảm tải lưu thông tại những tuyến đường này. Tuy nhiên, cả tài xế taxi lẫn người dân đều tỏ ra lo lắng nếu chính sách này được áp dụng trong điều kiện các phương tiện giao thông công cộng hiện chưa thực sự thuận tiện cho người dân. Còn lái xe taxi chắc chắn sẽ bị giảm thu nhập khi quy định này đi vào thực tiễn bởi những phố sẽ cấm taxi là những phố lớn, có nhiều khách và nhu cầu qua lại của người dân cần lưu thông qua tuyến phố đó nhiều.

 

Hà Nội sẽ cấm taxi hoạt động ở một số tuyến đường vào giờ cao điểm.

 

Anh Nguyễn Tuấn Thắng là tài xế của hãng taxi Mai Linh cho biết, anh chưa nắm được thông tin về việc cấm xe taxi lưu thông ở những tuyến phố trên. Nếu thời gian tới, quy định này được thực hiện sẽ gây khác nhiều phiền toái. Anh thắng phân tích: “Những tuyến đường cấm đều là tuyến đường huyết mạch của thành phố, nếu cấm taxi lưu thông thì việc đi lại rất bất tiện. Đối với những đường gần như độc đạo, nếu khách có nhu cầu đến đó thì phải bỏ chuyến hoặc vận chuyển khách đến đầu phố rồi mời khách xuống tự tìm cách đến điểm cần".

Còn theo anh Đào Minh Quang, tài xế hãng taxi CP, nếu lệnh cấm có hiệu lực chắc chắn thu nhập của tài xế bị giảm. Xe lưu thông qua những tuyến phố cấm lại đi lòng vòng vừa tốn thời gian, tăng thêm chi phí cho khách hàng đồng thời tăng lượng lưu thông xe ở những tuyến phố không cấm. Chưa kể việc cấm taxi lưu thông ở những tuyến đường như đề xuất rất phúc tạp, không phải ai cũng nắm rõ những đường cấm, giờ cấm. Chỉ vì quên lệnh cấm, đường đông không nhìn kỹ biển báo rất dễ đi vào đường cấm bị phạt. Mỗi lần bị phạt coi như “lõm” thu cả tuần.

Anh Nguyễn Văn Chiến lái xe taxi cho hãng Vina cho biết vừa nhận được thông tin Hà Nội cấm thêm nhiều tuyến phố với xe taxi hoạt động giờ cao điểm. “Việc cấm xe taxi trên các tuyến phố này trên thực tế chỉ áp dụng được với các xe taxi truyền thống, có logo, hộp báo xe taxi, còn các loại xe chở khách tương tự như loại hình Grap, Uber, nhìn phía ngoài rất khó nhận biết đang hoạt động dịch vụ chở khách, lại không phải chịu quy định cấm đường. Như vậy là chưa công bằng với taxi truyền thống. Việc cấm đường với xe taxi vào giờ cao điểm ở nhiều tuyến phố sẽ gây khó khăn cho kế sinh nhai của các lái xe. Vì có khi cả ngày chẳng có khách, chỉ những khung giờ cao điểm mới có khách thì taxi lại bị cấm” – anh Chiến than thở.

Việc cấm taxi sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các lái xe, người dân cũng thêm bất tiện khi có nhu cầu đi lại bằng loại phương tiện này.

 

Ông Dương Anh Hòa, một người dân sinh ở đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên cho rằng, việc cấm taxi lưu thông qua những tuyến đường là rất tốt nhằm giảm tải giao thông, cũng chỉ vì lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, việc cấm xe taxi cũng gây phiền toái cho chính người dân khi có nhu cầu di chuyển bằng taxi. “Các con thường bận đi làm sớm nên tôi gọi taxi để đưa 3 đứa cháu đi học ở 3 trường khác nhau. Nếu bây giờ cấm taxi thì việc di chuyển đến trường của các cháu rất bất tiện. Thiết nghĩ, thay vì cấm taxi hoạt động ở những tuyến phố đông phương tiện lưu thông vào giờ cao điểm thì nên nâng cao ý thức tham gia giao thông cho các chủ phương tiện, thậm chí có thể “phạt nặng” hơn nữa để răn đe. Hiện nay ra đường, dù có kẻ làn đường nhưng vào giờ cao điểm các chủ phương tiện không chấp hành, chen lấn, luồn lách, thậm chí có đi ngược chiều nên mới gây nên tình trạng tắc đường kẹt xe”, ông Hòa chia sẻ.

 

Theo Sở GTVT Hà Nội, sẽ cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h30 - 8h30, chiều từ 16h - 19h) 2 tuyến đường Mai Xuân Thưởng và Hoàng Hoa Thám (từ phố Ngọc Hà đến phố Mai Xuân Thưởng); Cấm xe Taxi hoạt động từ thứ 2 - 6 hàng tuần (trừ thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ).

 Buổi sáng từ 6h - 9h các ngày từ thứ 2 – 6 các ngày trong tuần (trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) cấm xe taxi hoạt động đi qua cầu Chương Dương hướng từ Nguyễn Văn Cừ về trung tâm Hà Nội; Cấm giờ đối với xe Taxi hoạt động tại nút giao Mai Dịch đến Nguyễn Cơ Thạch đến Hồ Tùng Mậu từ 6h - 20h hàng ngày; Hướng dẫn đi từ Phạm Hùng – Mễ Trì – Lê Quang Đạo – Lê Đức Thọ - Trần Hữu Dực – Nguyễn Cơ Thạch. Cấm ô tô lưu thông qua đường Xuân Thủy đoạn từ ngã tư Xuân Thủy- Phạm Hùng đến ngã tư Xuân Thủy – Trần Thái Tông.

Cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm trên phố Đê La Thành, Khâm Thiên; Khâm Thiên cấm taxi rẽ vào từ hướng Lê Duẩn; Thời gian cấm sáng từ 6h – 9h, chiều từ 16h30- 19h30 (trừ thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ). Cấm xe taxi qua Cầu Diễn buổi sáng từ 6h – 9h (hướng từ Nhổn về trung tâm Hà Nội). Cấm xe taxi bắt giờ cao điểm bắt đầu từ ngày 25/12 sáng từ 6h – 9h, chiều từ 16h30- 19h30 trên tuyến đường Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương để phục vụ vận hành tuyến BRT. Đường Cổ Nhuế : Cấm taxi đi ra Phạm Văn Đồng. Phố Phủ Doãn cấm taxi từ hướng Triệu Quốc Đạt đi vào.

VÂN KHÁNH - NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh