CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:13

Taxi dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber đã vi phạm Luật Cạnh tranh?

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam (VLCAC), cho rằng các doanh nghiệp taxi không nên có hành vi dán khẩu hiệu phản ứng như vậy. Ông Hậu nhấn mạnh việc làm này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

“Việc dán khẩu hiệu như một hình thức nói xấu, xúc phạm người khác, Uber, Grab hoàn toàn có thể khởi kiện lại”, ông Hậu nhấn mạnh.

Đi ngược xu thế thị trường, làm xấu hình ảnh doanh nghiệp

Ngoài ra, theo ông Hậu, Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải thí điểm đề án sử dụng công nghệ trong đặt xe với hợp đồng điện tử là một văn bản quy phạm pháp luật. Việc thí điểm sẽ thấy được điểm tốt và không tốt, sau đó cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới bổ sung ban hành, trên cơ sở xem xét đánh giá kết quả thí điểm.

Luật sư Hậu nói thêm việc làm của các doanh nghiệp taxi đi ngược lại xu thế của thị trường, xã hội, làm xấu hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sự TP. Hà Nội) thì cho rằng các doanh nghiệp taxi có quyền bày tỏ quan điểm phản đối Uber, Grab, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật.

 

Một taxi dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab chạy trên đường phố TP.HCM. Ảnh: Hải Ngọc.

 

Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh cơ quan Nhà nước chưa hề có kết luận về việc Uber, Grab trốn thuế hay làm thất thu thuế. Nếu một số hãng taxi truyền thống cố tình đưa thông tin sai sự thật qua các khẩu hiệu về việc Uber, Grab gây thất thu thuế thì hành vi này vi phạm Điều 43 Luật Cạnh tranh.

Cụ thể, điều 43 Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp này gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Về hình thức xử lý, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về cạnh tranh có thể bị cảnh cáo, phạt tiền.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Luật sư Thơm nhấn mạnh Nhà nước đang phát triển kinh tế thị trường với sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng dựa trên các quy định của pháp luật.

 

Ngày cuối tuần, hàng loạt taxi của Vinasun tại TP.HCM đồng loạt dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab gây phản cảm.

 

“Chúng ta đã hội nhập vào sân chơi chung thì phải chấp nhận các loại hình kinh doanh một cách bình đẳng. Đó chính là động lực phát triển kinh tế xã hội. Những loại hình kinh doanh kém hiệu quả phải tự đổi mới nếu không sẽ tự đào thải", ông Thơm nói thêm.

Thể hiện sự bất lực, than phiền mang tính phong trào

Ở góc độ kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng người dân sẽ chọn lựa cái gì rẻ hơn, cái gì tốt hơn cho họ. Các khẩu hiệu phản đối dán trên taxi hoàn toàn không mang tính cạnh tranh một cách bình đẳng trong kinh tế thị trường.

“Họ đang gặp thách thức trong việc hành xử khi thấy mình bị bất công. Họ đang than phiền mang tính phong trào, không có tính chuyên nghiệp. Nếu chuyên nghiệp, họ có thể tiến hành khởi kiện khi người khác sai hoặc có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của chính bản thân mình”, ông Hiển nhấn mạnh.

TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng các cơ quan Nhà nước sẽ xem xét vấn đề trên cơ sở pháp lý, văn bản pháp luật, chứ không thể qua hình thức dán khẩu hiệu như hiện tại.

Thực tế thời gian qua, nhiều hãng taxi truyền thống đã tự làm mới mình khi áp dụng công nghệ gọi xe tương tự Uber, Grab...

Thế nhưng, việc phản đối bằng cách dán khẩu hiệu trên xe cho thấy họ vẫn đang thất thế và bất lực, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

 

Điều 43 - Luật Cạnh tranh: Gièm pha doanh nghiệp khác

Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Điều 117: Các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về cạnh tranh và các biện pháp khắc phục hậu quả

a) Cảnh cáo.

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác.

Điều 31 Nghị định 71/2014 của Chính phủ quy định gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác sẽ bị phạt tiền 10-50 triệu đồng.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh