Tàu ngầm Hoàng Sa sẵn sàng tìm nguyên nhân cá chết
- Văn hóa - Giải trí
- 13:57 - 10/05/2016
Tàu ngầm có thể lặn 3 ngày, 3 đêm theo dõi quy trình xả thải
Trước thông tin hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế đã vào miền Trung khu vực các tỉnh xuất hiện tình trạng cá chết để tìm nguyên nhân, trao đổi với Đất Việt, ngày 6/5, ông Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) cha đẻ của tàu ngầm mini Hoàng Sa cho biết: "Tôi vô cùng đau xót trước sự việc cá chết hàng loạt xảy ra thời gian vừa qua, đặc biệt, tôi càng lo lắng hơn khi có nghi vấn các thợ lặn của Việt Nam lặn xuống vùng biển Hà Tĩnh, khu công nghiệp Formosa mà bị tử vong.
Chính vì thế, tôi thiết nghĩ, nếu dùng tàu ngầm mini Hoàng Sa xuống thăm dò, lấy mẫu mang về là vô cùng tốt, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như tính mạng con người.
Đặc biệt, khi đã có hàng loạt các con tàu ngầm mini này, thì việc lặn xuống lấy mẫu thực sự rất dễ dàng. Vì việc lấy mẫu là hoàn toàn đơn giản, hơn nữa, con tàu có thể giám sát dưới đó 3 ngày, 3 đêm liên tục, xem quy trình cũng như lượng xả thải".
Khẳng định thêm, ông Hòa nói: "Chúng tôi sẵn sàng mang tàu ngầm mini Hoàng Sa vào khu vực xảy ra hiện tượng cá chết để mang xuống dưới đáy biển khảo sát, quan sát dưới đó.
Các nhà khoa học có thể ngồi vào tàu ngầm chụp ảnh, lấy mẫu hết sức đơn giản, tàu ngầm mini Hoàng Sa thừa khả năng để làm việc này".
Bản thân ông Hòa qua theo dõi thông tin, cũng hết sức lo lắng trước hiện tượng cá chết hàng loạt dưới đáy biển miền Trung, đặc biệt, lưới đánh bắt sạch đến mức như có axit tẩy rửa, cùng với rạn san hô bị phá hủy hàng loạt.
Ông Hòa sẵn sàng đem tàu ngầm mini Hoàng Sa ra biển tìm cá chết
Cho nên, nếu như được đem tàu Hoàng Sa lặn xuống bên dưới xem tình hình cụ thể bên dưới đáy biển lượng cá chết xếp lớp nhiều bao nhiêu, san hô bị phá hủy thế nào thì quá tốt.
''Chúng ta nếu muốn khẳng định điều gì cũng phải có bằng chứng cụ thể, nên không có gì tốt hơn, chuyện ngồi bên trong quay phim, chụp ảnh ra bên ngoài. Vì ở đây độ sâu cũng không quá sâu, phù hợp với năng lực của chiếc tàu ngầm này'' - ông Hòa tự tin.
Về việc đưa tàu ngầm mini Hoàng Sa ra thử nghiệm ở biển, ông Hòa tiết lộ thông tin mới: "Hiện nay, lực lượng hải quân cũng đã đánh giá xong tính năng của chiếc tàu ngầm và lên kế hoạch thử nghiệm. Việc thử nghiệm sẽ được triển khai nhanh trong thời gian gần đây".
Sáng chế ra tàu ngầm hoặc thiết bị theo dõi ngầm quy trình xả thải
Một nhà sáng chế tàu ngầm khác đó là ông Phan Bội Trân - người chế tạo ra nhiều thế hệ tàu ngầm phục vụ mục tiêu quân sự cũng như du lịch cho hay, trước đây đã có những đề tài, do Bộ TN&MT chủ trì, thực hiện các nhiệm vụ khó như kín đáo lấy được mẫu nước dưới biển, rồi xử lý, xét nghiệm.
Ông Trân nhận định: "Chiếc tàu ngầm mini Hoàng Sa của ông Hòa có thể tích lớn nên có thể phục vụ cho mục đích lặn xuống biển, còn tàu ngầm của tôi chủ yếu phục vụ mục đích du lịch, nên cũng khó khăn cho việc lấy mẫu, hoặc có nhiều nhà khoa học muốn đi.
Cá chết dọc biển miền Trung
Bởi vì khi đi ra biển sâu cần phải có tàu hậu cần đi theo phụ trợ. Tàu ngầm mini của tôi có thể thả người nhái đi ra được nhưng diện tích quá nhỏ.
Thế nhưng, trên tinh thần đó tôi với ông Hòa có thể đưa ra các mô hình khác, những con tàu cho phép kiểm tra những đường nước thải dưới biển của các công ty như Vedan, Formosa. Chúng tôi có thể làm công khai hoặc kín đáo, chỉ cần được hỗ trợ trong khâu kiểm duyệt, với đam mê chúng tôi có thể làm rất tốt.
Những con tàu trên có thể đến tận nơi xác định lấy mẫu nước, lấy đúng tại tọa độ đó, khi có hoạt động như vậy, các nhà máy xả thải ra biển sẽ rất sợ".
Hơn nữa, theo ông Trân, chúng ta có thể làm được những con tàu như có người lái, hoặc tự hành tìm được tọa độ, vẽ lại lòng sông, sau đó, định vị được chuyện xảy ra.
Hoặc những con tàu có thể ngày đêm túc trực để bất ngờ lấy mẫu nước, lấy tọa độ sâu, tọa độ vĩ tuyến, phương tuyến, đem về thử mẫu nước là biết.
Ông Trân cho biết thêm: "Hiện nay, chúng tôi sẵn sàng đem các con tàu của mình ra biển, ra các quần đảo của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền, theo dõi tình hình diễn biến tại những địa điểm đó".
Vệ tinh vẫn theo dõi tất cả các vụ việc Trong khi đó, cũng trao đổi với Đất Việt, ngày 7/5, ông Ngô Duy Tân - Phó giám đốc Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ cho biết: "Chúng tôi vẫn phục vụ đơn đặt hàng hàng tháng định kỳ của Bộ TN&MT, còn sử dụng hình ảnh vào mục đích gì đó là việc của Bộ. Thời gian diễn ra sự việc cá chết dọc biển 4 tỉnh miền Trung, chúng tôi vẫn hoạt động bình thường, vẫn chụp ảnh vệ tinh, đó là nhiệm vụ hàng ngày. Còn mục đích sử dụng Bộ TN&MT sẽ tự ý quyết định. |