Tắt 2G ở Việt Nam cần lộ trình ra sao?
- Công nghệ mới
- 20:31 - 04/01/2016
Viettel cho rằng đến năm 2025 mới tắt 2G để chuyển sang công nghệ băng rộng.
Mới đây, 3 nhà mạng của Singapore là M1, Singtel và StarHub là những nhà mạng mới nhất đưa ra lịch trình khai tử mạng 2G. Cụ thể, ngày 1/4/2017, mạng 2G của các nhà mạng này sẽ được “khai tử”. Trước đó, hãng Telstra ở Australia đã tuyên bố sẽ chấm dứt mạng 2G vào cuối năm 2016, hãng AT&T của Mỹ cũng tiến hành bước tương tự vào ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, các nhà mạng châu Âu thận trọng hơn. Với nhà mạng Pháp Orange, Giám đốc kỹ thuật chiến lược mạng lưới Yves Bellego cho biết sẽ không có sự chuyển đổi rầm rộ nào. Thậm chí có nhà mạng còn đưa ra lộ trình tắt 3G trước cả 2G. Nhà mạng Telenor của Na Uy đưa ra kế hoạch tắt mạng 3G vào năm 2020, tắt mạng 2G vào năm 2025. Nước láng giềng Thái Lan thì yêu cầu một số nhà mạng tắt 2G ngay trong năm 2015 này. Vậy, lộ trình của Việt Nam như thế nào?
MobiFone và VinaPhone không còn đầu tư cho 2G
Các mạng di động Việt Nam cho rằng đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ dịch vụ 2G sang dịch vụ 3G, doanh thu từ dịch vụ của 2G như thoại và SMS đang giảm rất mạnh, trong khi đó dịch vụ 3G đang tăng trưởng với cấp số nhân. Ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Viễn thông Quân đội cho hay, Viettel đã lường trước được vấn đề và chuẩn bị cho lộ trình đưa giá dịch vụ thoại, SMS về bằng không. Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT chia sẻ với ICTnews rằng VNPT đã dừng đầu tư cho 2G để chuyển sang đầu tư cho 3G và sắp tới là 4G. Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó Tổng giám đốc của MobiFone thì cho biết, hiện MobiFone chỉ tập trung đầu tư cho 3G và sắp tới là 4G chứ không đầu tư cho 2G nữa. Còn với Viettel, nhà mạng này lại xây dựng một lộ trình đầu tư cho từng vùng nhằm đảm bảo nhu cầu và điều kiện thực tế của người dân. Ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, với các đô thị lớn, nơi có nhu cầu sử dụng dịch vụ dữ liệu tốc độ cao sẽ được ưu tiên đầu tư 4G và 3G, với những đô thị nhỏ sẽ được đầu tư 3G và sẽ dần đầu tư 4G, vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nhu cầu vẫn chủ yếu là thoại và SMS nên Viettel vẫn tiếp tục đầu tư 2G để phủ kín những vùng lõm. Như vậy, cho đến thời điểm này chỉ duy nhất Viettel vẫn đang tiếp tục đầu tư hạ tầng cho cả 3 công nghệ, trong khi các mạng khác đã dừng đầu tư cho công nghệ 2G.
Việt Nam cần lộ trình bao lâu để tắt 2G?
Với xu hướng công nghệ thì việc tắt 2G ở Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của Bộ TT&TT ngày 31/12/2015, Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đề xuất với Bộ TT&TT nên có lộ trình tắt 2G để giải phóng băng tần cho 4G, 5G. 4G sẽ mở ra thời kỳ ứng dụng trên smartphone. 5G sẽ mở ra thời kỳ kết nối vạn vật (Internet of Things). Khi ấy, các dịch vụ truyền thống của di động như thoại, tin nhắn sẽ gần như là miễn phí. Cuộc sống của người dân sẽ trở nên tiện ích hơn do có rất nhiều dịch vụ ứng dụng trên công nghệ 4G như xem phim theo yêu cầu, giáo dục, khám và chữa bệnh, các dịch vụ hành chính công cũng hoàn toàn được thực hiện thông qua các hệ thống trực tuyến. Nếu Việt Nam nhanh chóng thúc đẩy công nghệ 4G, 5G chúng ta sẽ có cơ hội sánh ngang với các nước phát triển về công nghệ thông tin và viễn thông. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có dân số trẻ, thông minh, sáng tạo. Việt Nam đang có cơ hội để trở thành hub của thế giới trong việc phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại smartphone.
Vậy, câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần lộ trình bao lâu để tắt 2G? Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho rằng, vấn đề khai tử mạng 2G sẽ tùy thuộc vào khách hàng có các thiết bị đầu cuối hỗ trợ 3G hay không? Ông Nguyễn Đăng Nguyên phân tích, việc khai tử 2G sẽ giải phóng nhiều băng tần hơn để sử dụng cho các công nghệ mạng 3G và 4G, nhưng cũng buộc những người dùng đang sử dụng các thiết bị kết nối phụ thuộc vào mạng 2G phải nâng cấp máy hoặc mua máy mới. Ông Lương Mạnh Hoàng, Chủ tịch VNPT VinaPhone cho rằng việc tắt 2G là xu hướng, nhưng ở thời điểm nào sẽ do nhu cầu của thị trường. Hiện ở vùng sâu, vùng xa thì nhu cầu vẫn chủ yếu là 2G. Vì vậy, không thể tắt 2G ngay mà cần có lộ trình. Ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Đúng là trên thế giới có nhiều quốc gia đã khai tử 2G. Trong khu vực thì Singapore đã tắt 2G. Tuy nhiên, Singapore có đời sống cao nên nhiều người đã sử dụng smartphone. Vì vậy, họ có thể sớm khai tử 2G dễ dàng. Thế nhưng, Việt Nam là nước đông dân và phần lớn vẫn chưa có smartphone, chủ yếu sử dụng 2G. Nên việc thực hiện rõ ràng phải có lộ trình để cho doanh nghiệp và khách hàng chuẩn bị”, ông Phương cũng dự đoán, lộ trình để thực hiện việc này ở Việt Nam khoảng 10 năm, tức là tắt 2G vào năm 2025. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tuyên bố điều này ngay từ bây giờ để người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý chuẩn bị.
Nhà nước và nhà mạng có thể trợ giá máy đầu cuối cho khách hàng.
Hiện cả 3 mạng di động lớn nhất là VinaPhone, MobiFone và Viettel đều thử nghiệm việc sử dụng băng tần 2G để cung cấp dịch vụ 3G. Theo tính toán của MobiFone, việc triển khai thành công 3G trên băng tần 2G sẽ giúp nhà mạng giảm 60% chi phí so với việc cung cấp 3G trên băng tần 2100 MHz trên cùng một diện tích, phục vụ cùng một số lượng thuê bao. Ngoài ra, việc triển khai 3G trên băng tần 900 MHz cũng tăng cường được mức thu sóng trong nhà tốt hơn nhiều so với cung cấp 3G trên băng tần 2100 MHz, cũng như mang tới khả năng chuyển giao tốt hơn tại vùng biên giữa các trạm. Mới đây, VNPT tuyên bố trở thành nhà mạng có vùng phủ sóng 3G rộng nhất bởi họ đã thành công trong việc sử dụng tần số 2G để dùng cho 3G với chi phí thấp và vùng phủ rộng.
Các chuyên gia viễn thông cho rằng, hiện việc số hóa truyền hình đang được Bộ TT&TT thực hiện hiện nay giải phóng băng tần 700 MHz. Sau đó, băng tần này có thể được bán đấu giá để giử dụng cho di động băng rộng. Chính phủ đang hỗ trợ người dân tiền mua bộ giải mã kỹ thuật số khi tắt phát sóng công nghệ analog. Tương tự như số hóa truyền hình, Chính phủ và Bộ TT&TT sẽ lên lộ trình tắt 2G để dành băng tần này cho 3G hoặc 4G. Sau đó, băng tần quý giá này sẽ được Chính phủ bán đấu giá cho các nhà mạng. Như vậy, Chính phủ sẽ có thêm một nguồn thu từ phí băng tần. Về phía doanh nghiệp, khi không cần phải vận hành quá nhiều công nghệ thì có thể tập trung đầu tư vào công nghệ chính nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng vùng phủ. Chi phí vì thế cũng tối ưu hơn dẫn đến giá dịch vụ sẽ giảm xuống.
Ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, hiện nay máy 3G đã rẻ, vài năm nữa máy đầu cuối 3G và 4G sẽ tiếp tục giảm nữa, nhiều người sẽ có cơ hội dùng 3G, 4G. Năm 2015 đã có gần 20 triệu người Việt Nam chuyển từ 2G lên 3G. 10 năm nữa, vào năm 2025 sẽ còn rất ít người dùng 2G. Lúc đó, thực hiện việc tắt 2G để chuyển sang 3G và 4G cũng dễ thực hiện. Với những người dùng 2G cuối cùng thì chính phủ và nhà mạng sẽ phải trợ giá máy để chuyển đổi họ sang 3G.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình: Thực hiện kinh tế tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên
Trong chiến lược phát triển, Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình (CNC) đã tiên phong thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm thu gom,...
10 tháng trước
Tin nên đọc