THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:47

Tập trung nâng cao hiệu quả cung - cầu lao động

Quỹ đã giải quyết việc làm cho 530.000 lao động

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Chương trình MTQGVL&DN giai đoạn 2012-2015 đã triển khai các dự án, hoạt động về việc làm và phát triển thị trường lao động theo nhiều nội dung. Cụ thể, Dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm có 3 dự án nhỏ với bổ sung vốn cho vay giải quyết việc làm là 671,5 tỷ đồng, nâng tổng số nguồn vốn của Quỹ đến 31/5/2015 là 4.432 tỷ đồng. Ngoài ra, 51 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ việc làm địa phương đạt 1.729 tỷ đồng. Giai đoạn 2012-2015 kết quả hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ Quỹ đạt 57,1% kế hoạch theo Quyết định số 1201/QĐ-TTg.Về Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đến nay tại 49 địa phương đã đầu tư nâng cao năng lực Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) và đã thành lập 4 TTDVVL khu vực tại Hải Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Cần Thơ với số tiền 253,750 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, hằng năm cả nước có khoảng 750-800 phiên giao dịch việc làm được tổ chức, bình quân mỗi phiên thu hút 40-50 doanh nghiệp và 650-750 lao động tham gia. Ước tính giai đoạn 2011-2015, các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 8,17 triệu lượt lao động, trong đó, số tìm được việc làm khoảng 3,096 triệu lao động. Như vậy, đến năm 2015, dự án vượt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động tìm việc qua hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm lên khoảng 30%. Đối với hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đến nay, Chương trình hỗ trợ kinh phí 145 tỷ đồng tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về cung cầu lao động trên phạm vi cả nước; đã có sơ bộ cơ sở dữ liệu gốc về thị trường lao động – phần cung lao động. Thông tin thị trường lao động được phổ biến đến đông đảo các đối tượng có nhu cầu việc làm qua cổng thông tin điện tử, có sự kết nối từ trung ương đến địa phương, giữa các địa phương, các vùng với nhau.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc Hội nghị

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng: Đến nay, sau 5 năm thực hiện (2012-2015), Chương trình đã đạt được nhiều kết quả cụ thể. Nổi bật là kết quả thực hiện các dự án, hoạt động của Chương trình. Cụ thể: Ước cả nước hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm cho khoảng 530.000 lao động, riêng giai đoạn 2012-2015 là khoảng 400.000 lao động. Nhiều địa phương thực hiện tốt các dự án vay vốn, nhiều mô hình vay vốn hiệu quả đã xuất hiện. Bên cạnh đó, các hoạt động của các TTDVVL tại các tỉnh, thành đã có những kết quả khích lệ. Các hoạt động giao dịch việc làm diễn ra với tần suất thường xuyên hơn, quy mô mở rộng hơn, đặc biệt các sàn giao dịch việc làm đã dần trở thành địa chỉ tin cậy của người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn việc làm, giới thiệu việc làm và hoạt động về thông tin thị trường lao động cũng có những chuyển biến tích cực.

  Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cũng chia sẻ, phản ánh nhiều vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình. Nguồn vốn bố trí cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu, giai đoạn 2012-2015 tổng nguồn vốn bổ sung cho Quỹ QGVVL theo Quyết định số 1201/QĐ-TTg đạt 39,3% kế hoạch; dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đạt 88,4% kế hoạch; truyền thông và giám sát, đánh giá Chương trình đạt 52,9%; vốn đối ứng của địa phương còn hạn chế. Song song đó, hiệu quả sử dụng vốn vay từ Quỹ chưa cao. Do nguồn kinh phí bổ sung thấp, bất cập trong cơ chế cho vay, chưa thực hiện đúng quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kiểm tra... Các dự án cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ vốn vay cho các cơ sở kinh doanh chiếm tỷ lệ thấp.

Đẩy mạnh hoạt động của các TTDVVL

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: Việc tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình MTQGVL&DN là cơ hội để các đại biểu trao đổi, góp ý kiến quan trọng để Cục Việc làm tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH xác định chỉ tiêu về thất nghiệp, thị trường lao động qua đào tạo, việc làm tăng thêm, tỷ lệ lao động đến TTDVVL được tư vấn, giới thiệu việc làm...góp phần phát triển đất nước trong xu thế hội nhập toàn cầu giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của lĩnh vực việc làm – thị trường lao động là nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu lao động; hỗ trợ thanh niên khởi sự, lập nghiệp và hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, dân tộc thiểu số; quản lý tốt lao động, có cả lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp...

Do đó, giai đoạn tới, Bộ sẽ chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về việc làm và thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh hoạt động của TTDVVL, tăng số lượng về sàn việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp...

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định: Chương trình đã triển khai được nhiều nội dung, đạt được các mục tiêu, dự án, hoạt động về việc làm và phát triển thị trường lao động. Tuy nhiên, sắp tới đây, khi Việt Nam gia nhập các hiệp định kinh tế, đặc biệt là tháng 12/2015 sẽ tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề lao động – việc làm. Việc tự do di chuyển lao động giữa các nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho các lao động nhưng cũng tạo ra “nguy  cơ” mất việc làm do sự cạnh tranh giữa các nước. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong các hoạt động về việc làm, thị trường lao động của các cơ quan chuyên môn, các trung tâm để góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Sắp tới đây, việc mong muốn tổ chức tốt hơn thị trường thông tin thị trường lao động, việc vận hành của hệ thống TTDVVL hoạt động một cách suôn sẻ tạo được hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu lao động từ dễ bị tổn thương  sang lao động có quan hệ lao động rất cần sự đồng thuận, cùng tập trung nâng cao trách nhiệm, đóng góp từ các sở, phòng chuyên môn, các trung tâm về lĩnh vực việc làm- lao động.

VL/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh