THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:16

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó”

Du lịch thất thu, doanh nghiệp gặp khó vì thiếu nguyên liệu

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, do ảnh của dịch bệnh Covid-19, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, vốn FDI thực hiện giảm 5%; khách quốc tế tăng 4,8% - mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016 - 2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) - mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.

Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách - giảm 49,8% so với tháng trước và giảm 35,8% so với cùng kỳ. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh…

Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng đến nguồn sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam. Các ngành hàng như ô tô, dệt may và da giày, ngành điện tử đang chịu tác động lớn bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch. Các sản phẩm của ngành công nghiệp điện, điện tử là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các lô hàng linh phụ kiện nhập khẩu trong thời gian tới (do nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc). Đối với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng đa quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng muộn hơn nhưng mức độ ảnh hưởng là tương đương, bởi nguồn linh kiện nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng sử dụng nhiều nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

"Dự kiến trong cuối Quý I/2020, nếu dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng sẽ trở nên rõ rệt đối với ngành sản xuất các sản phẩm điện tử như điện thoại và tivi ở trong nước, khiến sản lượng suy giảm", lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam nhận định.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó” - Ảnh 1.

Ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng.

Đối với ngành giao thông vận tải, theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 25.000 tỷ đồng. Với lĩnh vực đường bộ, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, số lượng xe xuất bến và sản lượng hành khách vận chuyển giảm mạnh so cùng kỳ. Trong lĩnh vực hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm với lý do nhiều thị trường lớn hiện nay như Trung Quốc sụt giảm. Việc vận chuyển hàng hóa trên đường biển hay hoạt động của các doanh nghiệp, kinh doanh cảng, kho bãi cũng bị ảnh hưởng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sự đứt gẫy của các chuỗi giá trị, sự suy giảm sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và sẽ còn kéo dài.

"Nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn để cầm cự và duy trì sản xuất. Nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng, không có thêm đơn hàng mới tăng lên, các doanh nghiệp khó có khả năng giữ những công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu mà họ đã dày công xây dựng trong hàng thập kỷ", ông Vũ Tiến Lộc nói và cho biết, nếu tình hình không sáng sủa hơn, nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, giày dép, thời trang, điện tử... sẽ khó có khả năng cầm cự đến cuối quý I vì dự trữ nguyên liệu vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ dùng cho vài ba tuần tới.

Để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng cho rằng, việc hoãn, giảm thuế cũng như giảm một số loại phí là cần thiết.

"Để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 hiện nay có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giải pháp về thuế, phí. Trong đó, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, chống trì trệ trong phát triển; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để vừa bù đắp thiệt hại, vừa giảm thiểu tác động của dịch Covid-19", TS Trần Du Lịch nêu ý kiến.

Sẽ có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó” - Ảnh 2.

Chính phủ sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Hiện để gỡ khó cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguồn nguyên phụ liệu thay thế; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu để các ngành hàng dần bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là tận dụng các FTAs mà Việt Nam mới gia nhập như CPTPP, EVFTA.

"Về lâu dài, Bộ Công Thương đã có đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp trong nước để khắc phục các điểm yếu khi thị trường có biến động. Đó là cần đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ Trung ương đến địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng", lãnh đạo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết.

Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị một loạt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc trong hoạt động thương mại trước tình hình dịch bệnh covid-19. Đặc biệt, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như: Giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay...; làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics.

Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh sẽ có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ và các cấp, ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ; chuẩn bị tốt các điều kiện để phát triển trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt lưu ý các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết là cho du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh một số giải pháp cấp bách, cần được khẩn trương thực hiện như: Cân đối, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...; giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh