Tập huấn công tác ATLĐ: Việc cần làm thường xuyên
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 19:29 - 24/10/2015
Theo ông Nguyễn Văn Việt, thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh trong năm 2014, trên địa bàn xảy ra 1.171 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 101 người, 205 người bị thương. Đoàn điều tra tai nạn lao động thành phố đã kết luận 87 vụ, trong đó đã đề nghị cơ quan công an, Viện KSND khởi tố 4 vụ. Tình hình TNLĐ, sự cố thiết bị, sự cố cháy nổ trên địa bàn vẫn ở mức độ cao. TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng, do điện vẫn ở mức độ cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trên, trong đó nhận thức của người lao động, nhất là đối tượng lao động làm việc thời vụ, lao động trong các cơ sở sản xuất cá thể, hộ kinh tế gia đình về an toàn vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế. Người lao động (NLĐ) thiếu hiểu biết pháp luật lao động, không rõ quyền và nghĩa vụ của mình về đảm bảo an toàn nơi làm việc, có tâm lý chủ quan, xem thường, không chủ động phòng chống TNLĐ.
Tình hình TNLĐ trên địa bàn thành phố còn nhiều diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp TNLĐ chưa được khai báo, điều tra, thống kê theo đúng quy định. Đánh giá chung tần suất lao động xảy ra trên địa bàn thành phố năm 2014 dao động trong tỷ lệ 1,7%, tần suất lao động chết người là 0,16%, thiệt hại lao động với tổng chi phí 14,2 tỷ đồng và tổng số ngày nghỉ vì TNLĐ là 14.227 ngày.
* Công tác tập huấn ATLĐ có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Trong suốt một thời gian dài, Đảng và Nhà nước rất chú trọng tới việc tập huấn ATLĐ trong các doanh nghiệp sản xuất và đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể về việc này. Theo tôi, công tác tập huấn ATLĐ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho cả NLĐ lẫn người sử dụng lao động. Đối với NLĐ, việc tập huấn ATLĐ sẽ giúp họ tự tin, có kkiến thức để chủ động phòng ngừa những sự cố sẽ xảy ra trong quá trình lao động. Khi nắm vững các giải pháp ATLĐ, NLĐ sẽ toàn tâm toàn ý vào công việc mình làm, nâng cao năng suất lao động, giúp cho DN phát triển. Còn riêng với doanh nghiệp sử dụng lao động, công tác này sẽ hạn chế được những rủi ro đáng tiếc, hạn chế đáng kể những vụ bồi thường về tài chính, sức khỏe cho NLĐ. Trên thực tế, nếu công tác này được thực hiện tốt sẽ có tác động qua lại, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai đối tượng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
* Công tác tập huấn ATLĐ tại TP được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
- TP Hồ Chí Minh là nơi có số lượng doanh nghiệp quá lớn so với các tỉnh thành khác nên việc thống kê, báo cáo không có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, qua công tác thanh kiểm tra của Sở tại đơn vị cho thấy, số lượng đơn vị bị xử phạt về hành vi vi phạm pháp luật về không tập huấn ATLĐ đã giảm đi rất nhiều. Điều đó chứng tỏ các DN đã thực sự xem trọng công tác này, coi đây là giải pháp nâng cao tính an toàn cho NLĐ, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có quy mô từ 20-30 nhân công thì công tác tập huấn ATLĐ còn bị xem nhẹ, làm theo kiểu chộp giựt. Nhiều đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện mang tính đối phó với công tác thanh kiểm tra nên chất lượng chưa thật sự hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở để hạn chế vấn đề này.
* Vậy khi thực hiện công tác tập huấn ATLĐ, theo ông doanh nghiệp cần phải chú trọng điều gì?
-Trong Thông tư 27/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác huấn luyện ATLĐ, vệ sinh lao động có đề cập cụ thể về thời gian, mức độ thực hiện cho từng đối tượng cần huấn luyện. Các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đây để chủ động lên kế hoạch, thời gian thực hiện tập huấn.
Riêng với việc chọn đơn vị để thực hiện huấn luyện ATLĐ, các doanh nghiệp có thể chọn đơn vị trực thuộc Nhà nước hoặc tư nhân nhưng phải yêu cầu đơn vị xuất trình giấy chứng nhận là giảng viên của Cục ATLĐ cấp, trong giấy chứng nhận phải ghi cụ thể những nội dung họ đã được Cục huấn luyện. Khi chọn đơn vị, doanh nghiệp cần phải chọn đơn vị có chất lượng, nội dung bài giảng tốt, phải đảm bảo thời gian huấn luyện và tùy theo đối tượng NLĐ để có phương pháp tiếp cận phù hợp. Cụ thể, đối với đối tượng NLĐ vốn xuất thân từ nông dân, có trình độ thấp thì phải có kỹ năng giảng dạy phù hợp, sử dụng các hình ảnh trực quan để họ dễ hiểu, dễ tiếp thu, tuyệt đối không được sử dụng phương pháp dạy “chay” thông thường.
Theo tôi, điều quan trọng trong công tập huấn ATLĐ là doanh nghiệp phải nhấn mạnh cho NLĐ biết đây là quyền lợi của họ, là biện pháp để nâng cao tính an toàn, bảo vệ sinh mạng và sức khỏe cho NLĐ. Có như thế, công tác tập huấn mới thực sự hiệu quả, mới thay đổi được hành vi và nhận thức cho NLĐ.
* Xin cám ơn ông!