Đảm bảo an toàn cho lao động được đặt lên hàng đầu
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 14:06 - 18/10/2015
Theo Cục QLLĐNN, 55 lao động Việt Nam được Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đưa sang làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại thành phố Khenchela (Algeria) từ tháng 6/2015. Đến ngày 16/9, xô xát xảy ra giữa nhóm công nhân này với chủ sử dụng lao động.
Theo phản hồi từ phía công ty phái cử, công nhân phản ánh chủ sử dụng vi phạm hợp đồng khi yêu cầu họ làm khoán và trả lương không đúng như mức khoán. Còn chủ sử dụng lao động thì nói rằng lao động Việt Nam không làm việc, hoặc làm chỉ mang tính chất đối phó. Họ đã cảnh báo nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Sau đó, chủ sử dụng lao động yêu cầu không làm công nhật nữa mà làm theo mức khoán, 1,92 USD/m2 thì năng suất lao động tăng. Tuy nhiên, mức khoán 1,92 USD/m2 không bao gồm việc chủ sử dụng lao động bao ăn. Nếu bao ăn, mức lương sẽ chỉ còn 1,6 USD/m2. Một số lao động VN đã thực hiện tốt được sự chuyển đổi. Nhưng có một số lao động quay ra phản ứng với lý do thay đổi so với hợp đồng ban đầu. Từ đây phát sinh mâu thuẫn giữa 2 bên và xảy ra xô sát do người lao động Việt Nam không đi làm. Hậu quả khiến 2 người bị thương, gồm 1 lao động và 1 đại diện công ty.
Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, Cục QLLNN đã có công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Algeira đề nghị Đại sứ quán cử cán bộ xuống hỗ trợ và có giải pháp tốt nhất cho người lao động. Đồng thời chỉ đạo Công ty SIMCO Sông Đà phối hợp với chủ sử dụng lao động chăm sóc cho người bị thương. Trường hợp chủ sử dụng không lo bữa ăn cho lao động vì không đi làm, công ty phải đảm bảo việc nấu ăn. Ngoài ra nếu lao động có nhu cầu về nước, doanh nghiệp phải có trách nhiệm mua vé đưa lao động về.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria thăm hỏi lao động công trường Khenchela. (Ảnh: Vietnam+)
Theo ông Tống Hải Nam, qua tìm hiểu có lao động muốn về nước và có lao động vẫn muốn ở lại làm việc. Đối với những lao động có nguyện vọng tiếp tục làm việc và chủ sử dụng cũ không đảm bảo an toàn, chế độ đãi ngộ, Cục QLLĐNN sẽ để nghị công ty phái cử đàm phán để chuyển người lao động sang chủ sử dụng khác có chế độ làm việc tốt hơn. Với những lao động đòi về, ông Tống Hải Nam cho biết, trong bất cứ trường hợp nào đều phải đảm bảo tính mạng cho người lao động. "Trong trường hợp người lao động phải về nước, nếu chủ doanh nghiệp đòi bồi thường mà người lao động không có khả năng chi trả, công ty phái cử phải có trách nhiệm chi trả thay cho người lao động (tiền bồi thường, vé máy bay...). Sau khi về nước, các bên sẽ căn cứ vào sai phạm cụ thể để chia sẻ mức độ rủi ro. Tôi khẳng định việc công nhân Việt Nam bị chủ sử dụng Trung Quốc hành hung chỉ xảy ra duy nhất vào ngày 16/9, khi công nhân không đi làm do mâu thuẫn không thống nhất được mức lương theo công nhật hay khoán sản phẩm. Sự việc xảy ra hơn một tháng nhưng đại diện của Công ty SIMCO sông Đà không thể hiện được vai trò hòa giải giữa hai bên ” - Ông Tống Hải Nam nhấn mạnh.
Trước thông tin lao động phản ánh nếu về nước phải đền bù từ 3.000 đến 4.000 USD cho chủ sử dụng, ông Nam cho rằng cần phải xác minh thêm. Trong trường hợp phải đền bù như thông tin trên, con số ước tính thiệt hại khoảng 200.000 USD (khoảng 4 tỷ đồng). Ông Nam cho biết thêm, người lao động phải chịu rủi ro, doanh nghiệp đưa lao động đi cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu chi phí vượt quá khả năng chi trả, Cục QLLĐNN sẽ báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng xem xét trích nguồn từ Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước.
Trước đó, ngày 15/10, người thân của 55 lao động trên đã đến Cục QLLĐNN đề nghị can thiệp để các công nhân sớm được về nước. Trao đổi trực tiếp qua điện thoại, các công nhân phản ánh không được ăn uống đầy đủ, tinh thần hoang mang và có nguyện vọng muốn được về nước càng sớm càng tốt.