CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:29

Tạo thuận lợi trong thực hiện, thụ hưởng chính sách dân tộc

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ủy ban Dân tộc cho biết, Nghị định 05/2011/NĐ-CP đã được ban hành và triển khai thực hiện được hơn 10 năm. Nghị định 05 cơ bản đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử - là văn bản QPPL định hướng tổ chức thực hiện hệ thống chính sách dân tộc thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tế. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực của các DTTS. Hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư, đời sống của đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghè giảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường, khối đại đoàn kết được chăm lo xây dựng vững chắc.

Tuy nhiên qua Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP cho thấy, Nghị định đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, như: Một số nội dung không còn phù hợp với hệ thống văn bản, pháp luật hiện hành, một số nội dung thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc; một số nội dung chính sách quy định còn chung chung, thiếu chế tài thực hiện, thiếu quy định cơ chế về nguồn lực tài chính; một số chính sách dân tộc đã và đang triển khai trên thực tế nhưng chưa được thể chế hóa và quy định trong Nghị định, cụ thể:

- Thời gian tổ chức "Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 05 năm một lần". Trong khi đó, "Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam được tổ chức định kỳ 10 năm một lần" nên không có sự thống nhất, đồng bộ, liên thông về định kỳ thời gian tổ chức các kỳ đại hội cấp huyện, tỉnh và trung ương, dẫn đến tình trạng trên thực tế những đại biểu dự kỳ Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, tỉnh (đối với kỳ Đại hội không tổ chức ở cấp Trung ương) không được tuyên dương ở cấp Trung ương, không được ghi nhận kịp thời công lao đóng góp, thành tích và khích lệ, động viên đối tượng này. 

- Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện chính sách của một số bộ, ngành chưa kịp thời, nhất là về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; mối liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; kinh phí triển khai thực hiện các chương trình, dự án còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra; 

- Chính sách cán bộ người DTTS: Việc quy định địa bàn vùng DTTS, vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn, địa bàn đông đồng bào DTTS trong Nghị định số 05/2011/NĐ-CP và Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan còn chung chung, nên gặp khó khăn trong việc quy hoạch, bố trí cán bộ người DTTS; số lượng, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở các cơ quan, đơn vị, địa phương chiếm tỷ lệ thấp, không đồng đều. Nhiều địa bàn có số lượng người DTTS tập trung rất đông, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân cư nhưng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia vào hệ thống chính trị chưa tương xứng. Bên cạnh đó, do yêu cầu đòi hỏi cao về trình độ, năng lực chuyên môn nên các Bộ, ngành ở Trung ương có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS thấp;  

- Chính sách đối với người có uy tín ở vùng DTTS: Chế độ, chính sách đối với người có uy tín chỉ mang tính động viên, hỗ trợ; cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để người có uy tín thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao chưa cụ thể nên chưa thực sự tạo động lực đối với người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm được giao; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ và chủ động phát huy vị trí, vai trò của người có uy tín, nên chưa quan tâm đến hoạt động, giao nhiệm vụ đối với người có uy tín; kinh phí hằng năm bố trí cho Ủy ban Dân tộc và các địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thực hiện chính sách và vận động, phát huy vai trò người có uy tín còn hạn chế nên ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện một số chế độ, chính sách đối với người có uy tín. 

- Chính sách thông tin và truyền thông: Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại vùng DTTS, vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn chưa được quan tâm, triển khai kịp thời, đồng bộ để triển khai thực hiện chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý: Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, biết tiếng DTTS để hỗ trợ kịp thời hỗ trợ pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng là đồng bào DTTS chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, chưa xây dựng được lực lượng này đủ để đảm bảo thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đồng bộ, hiệu quả.

Xuất phát từ những lý do trên, việc đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc là hết sức cần thiết.

Tạo thuận lợi trong triển khai, thực hiện, thụ hưởng chính sách dân tộcViệc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân triển khai, thực hiện, thụ hưởng chính sách dân tộc; bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp, bổ sung, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và sự phù hợp với tình hình thực tiễn.

Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung 09 điều, bổ sung mới 01 điều, sửa đổi, bổ sung một số nội dung, cụm từ tại các điều khoản khác của Nghị định.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh