THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:56

Tạo động lực cho doanh nghiệp nữ làm chủ bứt phá

 

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thu hút và sử dụng tỷ lệ lao động nữ cao hơn do nam làm chủ. 

 

Sử dụng lao động nữ cao hơn 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Phụ nữ, trong đó có các nữ doanh nhân luôn đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. DN do phụ nữ làm chủ chiếm 25% DNNVV ở Việt Nam, đóng góp to lớn trong việc tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động (NLĐ)”.

Báo cáo nghiên cứu “DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” của VCCI cho thấy, phụ nữ điều hành 1/4 số DNNVV đang hoạt động tại Việt Nam. Họ cũng sử dụng nhiều LĐ nữ hơn so với các DN do nam làm chủ (43,4% so với 36%).

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, DN do nữ lãnh đạo đã có những đóng góp quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm cho LĐ nữ, LĐ khuyết tật, thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và tiến bộ xã hội. “Tuy nhiên, các DN do nữ làm chủ đang đối mặt với những trở ngại trong việc tiếp cận tài chính, thông tin thị trường, các cơ hội đào tạo nâng cao kiến thức, xúc tiến thương mại, các nguồn lực của Chính phủ và các mạng lưới. Bên cạnh đó, những nữ doanh nhân tại Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc”, ông Phòng thừa nhận.

Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Việt Nam có khoảng 96.000 DN do phụ nữ làm chủ, chiếm khoảng 21% tổng số DN đang hoạt động. Xét về quy mô và kết quả kinh doanh, DN do phụ nữ làm chủ không thua kém các DN của nam giới. Doanh thu trung bình hàng năm của các DNVVN do phụ nữ làm chủ lần lượt là 548.000 và 5,69 triệu USD so với mức 543.000 và 5,76 triệu USD do nam giới làm chủ.

Dù được đánh giá là ngày càng có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội và nền kinh tế, song nữ doanh nhân Việt vẫn cần một môi trường và động lực để thực sự bứt khỏi những “xiềng xích”, định kiến cũ, đặc biệt là các hỗ trợ về nguồn vốn.

“Lâu nay, khu vực DNNVV, đặc biệt là DNNVV do nữ làm chủ chưa có được sự hỗ trợ cần thiết, hiệu quả để vượt qua các rào cản do quy mô cũng như đặc thù giới tính. Việc đưa các nội dung về DNNVV do nữ làm chủ cũng như cần có chương trình đặc thù dành cho khu vực kinh tế này là cần thiết, để huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của các nữ doanh nhân Việt Nam”, ông Phòng khẳng định.

Gặp nhiều rào cản hơn so với nam giới  

Theo số liệu của Hội Nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HAWASME), hiện Việt Nam có 24,8% DN nói chung do phụ nữ quản lý (thế giới chỉ có 19%), tạo việc làm cho 1,63 triệu LĐ (trong đó có 0,75 triệu LĐ nữ), nộp ngân sách 61,8 nghìn tỷ đồng. Đối với khu vực DNNVV, 25% DN do phụ nữ làm chủ, tạo việc làm cho 1,08 triệu LĐ, nộp ngân sách 33,1 nghìn tỷ đồng. So với DN do nam giới làm chủ, DN do phụ nữ làm chủ thu hút và sử dụng tỷ lệ LĐ nữ cao hơn, trong khi đó vẫn thực hiện các chính sách  cho NLĐ tương tự như các DN khác. Tuy nhiên, thực tế là kết quả sản xuất, kinh doanh của DN do phụ nữ làm chủ thấp hơn so với DN do nam giới làm chủ. Cụ thể, tỷ lệ DN do phụ nữ làm chủ có lãi là 54,5%, trong khi đó DN do nam giới làm chủ là 58%.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên được chuyên gia tư vấn Lê Quang Cảnh cho rằng, DN do phụ nữ làm chủ gặp nhiều rào cản hơn so với nam giới, như: Thiếu kiến thức và kỹ năng; khó tiếp cận nguồn lực và thông tin thị trường; ít có cơ hội tham gia chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh (bởi phụ nữ có ít thời gian và năng lực giao lưu như nam giới); phải cân bằng giữa công việc và gia đình.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam chia sẻ: “Các rào cản do đặc thù giới tính trên thực tế vẫn còn tồn tại. Đầu tư cho phụ nữ, tháo gỡ các rào cản là chìa khóa cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia”.

THÀNH CÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh