THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 11:33

Tạo điều kiện cho các hộ thoát nghèo ổn định sản xuất, phát triển kinh tế

Triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, Sóc Trăng đã đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú về ý nghĩa và tầm quan trọng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác giảm nghèo để người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer nắm bắt và tự nguyện tham gia cùng với Nhà nước; về các chương trình, hoạt động hỗ trợ cho người nghèo; giới thiệu hiệu quả các mô hình giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tỉnh cũng đã xây dựng danh mục dự án đầu tư công và kịp thời triển khai phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. 

Mô hình nuôi bò giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Mô hình nuôi bò giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương đối ứng và huy động các nguồn lực khác đã cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cụ thể: Giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh giảm được 7.270 hộ nghèo (tương đương giảm 2,19%), từ 22.409 hộ (tỷ lệ 6,73%) xuống còn 15.139 hộ (ty lệ 4,54%). Trong đó , giảm được 3.031 hộ nghèo Khmer (tương đương giảm 3,01%, từ 10152 hộ (tỷ lệ 10,02%) xuống còn 7.121 hộ (tỷ lệ 7,01%). Giảm được 3.527 hộ cận nghèo (tương đương giảm 1,07%), từ 29.769 hộ (tỷ lệ 8,94%) xuống còn 26.242 hộ (ty lệ 7,87%). Trong đó , giảm được 1.353 hộ cận nghèo Khmer (tương đương giảm 1,36%, từ 11.511 hộ (tỷ lệ 11,36%) xuống còn 10.158 hộ (tỷ lệ 10%).

 

Ông Võ Thanh Quang – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và 03 công trình giao thông nông thôn trên địa bàn 02 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Triển khai đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 101 mô hình, với 1.866 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia. Hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp với 61 mô hình, với 747 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững các địa phương đã tổ chức dạy nghề cho 6.488 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hỗ trợ việc làm bền vững các địa phương đã tổ chức giới thiệu việc làm cho 26.982 người lao động. Truyền thông về giảm nghèo đa chiều các cơ quan, địa phương đã xây dựng các nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác. Trong đó, đã thực hiện 69 chuyên mục, 26 phóng sự, 230 tin, bài và 17 chuyên mục bằng tiếng Khmer về công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các đơn vị tổ chức 28 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách các cấp.

Theo ông Thanh Quang, nhờ sự quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 2% - 3%; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer hằng năm từ 3% - 4%. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 15 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo: đã tổ chức xây dựng được 162 mô hình về phát triển sản xuất.

 Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xuống dưới 11%. 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế: hằng năm từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, có 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế.

 Tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 70%. 99% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận dịch vụ internet; 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo có phương tiện phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin.

Nâng cao sức khỏe nhân dân khám chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung, hộ nghèo, cận nghèo nói riêng thời gian qua luôn được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm thực hiện. Cùng với việc rà soát, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở y tế, bổ sung trang thiết bị y tế để phục vụ tốt cho công tác khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, công tác đào tạo, bổ sung và sắp xếp đội ngũ cán bộ, viên chức y tế các tuyến cũng được ngành y tế quan tâm triển khai. Chú trọng công tác đào tạo, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như đào tạo nâng cao, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo tại chỗ,... từng bước nâng cao trình độ chuyên môn cho các tuyến có đủ năng lực thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đến năm 2025 gắn với việc thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đến năm 2025 gắn với việc thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Quan tâm, đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến cơ sở. Hiện nay, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có trạm y tế đáp ứng cơ bản việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng là hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh (30%) để mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo. Qua đó, đã cấp phát được 97.169 thẻ BHYT cho người nghèo, kinh phí thực hiện 60,15 tỷ đồng; cấp 151.241 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, kinh phí thực hiện 83,58 tỷ đồng.

Ngành y tế các cấp và các ngành chức năng có liên quan đã tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí ngoại viện cho lượt người nghèo, cận nghèo; tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh nhất là bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Đã có 61.253 lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí. Đồng thời, tổ chức rà soát và hỗ trợ cho 2.665 phụ nữ thuộc hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo quy định tại Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ (mức hỗ trợ 2.000.000 đồng/đối tượng).

Có thể thấy, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế -xã hội đến năm 2025 gắn với việc thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

PHA LÊ

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh