THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:53

Tạo cơ hội để lao động thất nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp

Theo các quy định hiện hành, việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Khi đến đây, những lao động có nhu cầu sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề… Với người có nhu cầu học nghề, các trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu cho họ những ngành, nghề phù hợp tại cơ sở dạy nghề uy tín, để họ chủ động lựa chọn.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thanh Liễu cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã liên kết với nhiều cơ sở dạy nghề trên địa bàn TP được cấp phép tổ chức đào tạo để tổ chức đào tạo hơn 20 nghề trình độ sơ cấp cho những người có nhu cầu. Ngành nghề dành cho người lao động đăng ký tham gia học rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người lao động cũng như giảm thiểu thời gian đi lại của họ.Hình thức đào tạo lấy người học làm trung tâm; nội dung đào tạo theo giáo trình chuẩn, cho nên chất lượng đầu ra tương đối tốt. Đa số người học nghề đã trở lại thị trường lao động, sau khi hoàn thành chương trình học.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhờ linh hoạt vận dụng các hình thức tư vấn hướng nghiệp, tổ chức dạy nghề, thời gian gần đây, gia tăng số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng ký học nghề. Qua đó, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của thành phố.

Học nghề sẽ giúp người lao động có nhiều cơ hội việc làm

Học nghề sẽ giúp người lao động có nhiều cơ hội việc làm

Mặc dù đã đặt được những kết quả đáng ghi nhân,  nhưng theo thống kê từ Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số người thất nghiệp lựa chọn học nghề thấp, chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đa số lựa chọn một số nghề trình độ sơ cấp như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy…

Do đó, để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, số người lao động đăng ký học nghề vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Đáng chú ý, có không ít trường hợp người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc tham gia đào tạo để có việc làm mới. Thậm chí, một số người lao động còn khai báo không đúng tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Mục đích chính của bảo hiểm thất nghiệp là nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tìm việc làm. Cùng với việc nhận tiền trợ cấp, số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn được tư vấn, định hướng việc làm. Trường hợp nào có nhu cầu học nghề, thay vì nhận tiền, người lao động sẽ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp với một số nghề phổ biến như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy…Có thể nói, hỗ trợ học nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được xác định là một trong những biện pháp giúp cho người lao động được đào tạo nghề, tạo ra cơ hội để họ chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay lại tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm  cho rằng: “Trong thời kỳ kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định được vai trò của mình  trong việc hỗ trợ đối với người thất nghiệp thông qua các chính sách: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm…Do đó, tăng tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp là mục tiêu đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp  thời gian tới.”

Hà Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh