Tăng tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp
- Bài thuốc hay
- 22:53 - 12/03/2021
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bằng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hơn 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, với hơn 230.000 người được hỗ trợ học nghề.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019. Các cơ quan chức năng đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 1,06 triệu người, với tổng số tiền trợ cấp hơn 18.200 tỷ đồng, tương ứng với mức hưởng bình quân là hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với việc nhận tiền trợ cấp, 100% số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn được tư vấn, định hướng việc làm. Trường hợp nào có nhu cầu học nghề, thay vì nhận tiền, người lao động sẽ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp với một số nghề phổ biến như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy…
Có thể thấy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện số người lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo thống kê, năm 2015 có hơn 24.000 người được hỗ trợ học nghề, thì đến cuối năm 2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251.000 người, với số tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hơn 482 tỷ đồng. Số người được hỗ trợ học nghề chỉ chiếm khoảng 5% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Trần Tuấn Tú Trưởng phòng bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng: "Trong thời kỳ kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định được vai trò của mình trong việc hỗ trợ đối với người thất nghiệp thông qua các chính sách: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm…Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Trần Tuấn Tú, kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn một số vấn đề cần khắc phục. Trong đó, chính sách mới chỉ tập trung cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp. Nhiều địa phương chưa chú ý đến đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho người lao động bị thất nghiệp.
"Do phần lớn người lao động là lao động phổ thông nên không có tích lũy về tài chính, không có điều kiện để học nghề. Phần chính sách của bảo hiểm thất nghiệp chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác, do vậy người lao động trang trải chi phí cuộc sống và các chi phí khác không có đủ kinh phí tài chính nên học nghề cũng hạn chế. Một nguyên nhân nữa, mức hỗ trợ học nghề hiện nay theo đánh giá cũng chưa đáp ứng được mức học phí mà các cơ sở đào tạo nghề đang thực hiện, người lao động phải bỏ thêm một phần chi phí đối với một số ngành nghề nên rất khó khăn", ông Tú thẳng thắn chỉ rõ.
Đánh giá về thực trạng học nghề của lao động thất nghiệp hiện nay, ông Lê Quang Trung, Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho biết, theo số liệu thống kê, số người tham gia BHTN tăng dần qua các năm, nhưng thực tế chính sách BHTN mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ sau khi thất nghiệp chứ chưa có nhiều biện pháp chủ động để giúp NLĐ duy trì việc làm và tránh thất nghiệp. Đáng chú ý, có không ít trường hợp NLĐ chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc tham gia đào tạo để có việc làm mới. Thậm chí, một số NLĐ còn khai báo không đúng tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hầu hết NLĐ đến trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề miễn phí. Tuy nhiên, thực tế số lao động đăng ký chuyển đổi nghề nghiệp chưa được nhiều so với kỳ vọng".
Để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, hiện Cục Việc làm đang nghiên cứu để đề xuất các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan theo hướng nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nguyện vọng của người lao động...