CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:53

Tăng lương và phúc lợi xã hội để “hút” người lao động

Thời điểm này, để giải quyết những công việc tồn đọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN treo bảng tuyển dụng lao động với mức lương rất cao, trung bình 5 - 10 triệu đồng/tháng với lao động phổ thông để thu hút lao động. Bà Hoàng Thị Chinh- Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Thương mại địa ốc An Phúc cho biết, hiện Công ty đang cần tuyển 20-30 vị trí nhân viên kinh doanh bất động sản. Dù đã mở rộng tìm kiếm ứng viên qua nhiều kênh tuyển dụng và các vị trí không đòi hỏi quá nhiều về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc, tuy nhiên việc tuyển dụng hiện nay khá khó khăn. “NLĐ vẫn lo ngại về tình hình dịch bệnh nên tâm lý còn e ngại. Từ đầu tháng 9 đến nay, chúng tôi mới tuyển được 7 ứng viên. Để có đủ nhân sự, ngoài tăng cường các kênh tuyển dụng, Công ty cũng đang tuyển online, nhưng hình thức này chưa thể đánh giá hết tiềm năng của ứng viên do có hạn chế về quá trình va chạm với môi trường làm việc thực tế”- bà Chinh cho hay.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ước- Phụ trách hành chính nhân sự Công ty Việt Chuẩn (Hà Nội) cho biết, Công ty chuyên sản xuất các loại khuôn mẫu, khuôn ép bằng nhựa và hiện đang dần khôi phục sản xuất. Do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng nhanh nên Công ty đang cần tuyển khoảng 100 chuyên viên kỹ thuật cơ khí, với mức lương 9-15 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, để bù đắp thiếu hụt nhân sự trong thời điểm này, Công ty chấp nhận tuyển dụng cả lao động phổ thông không yêu cầu kinh nghiệm, riêng thực tập sinh sẽ được trả mức lương từ 120.000-150.000 đồng/ngày…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Gỗ Tân Nhật (KCN Nam Tân Uyên) tại Bình Dương cho biết, công ty có khoảng 1.800 lao động. Sau dịch, dù đã trở lại hoạt động gần 1 tháng nhưng công ty đang thiếu lao động và dự kiến tuyển thêm từ 300 - 500 lao động. Bên cạnh đó, công ty đang kết nối với số lao động ở các tỉnh miền Tây đang về quê trong đợt dịch bệnh vừa qua để đưa họ trở lại nhà máy. Nếu ai trở lại làm việc, công ty đưa xe đến đón, chăm lo nhu yếu phẩm những ngày mới quay trở lại, chờ lương. Mức lương của Công ty Gỗ Tân Nhật đưa ra khi tuyển dụng lao động mới, cộng phụ cấp là khoảng 11 triệu đồng/ tháng. Với lao động làm lâu năm thì tổng thu nhập cao hơn nhiều.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành- Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các DN trên địa bàn bắt đầu tuyển dụng trở lại, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại… Bên cạnh một số lĩnh vực ít hoặc gần như không bị ảnh hưởng và có nhu cầu tuyển dụng nhiều sau đợt giãn cách như: CNTT, tài chính, ngân hàng… thì hiện nhiều DN thuộc lĩnh vực công nghiệp cũng có xu hướng tuyển dụng tăng lên. Mức lương các DN sẵn sàng chi trả cho NLĐ trong lĩnh vực này chủ yếu từ 5-10 triệu đồng/tháng…

Cùng với đó, nhu cầu nhân lực trong ngành CNTT vẫn tiếp tục tăng, vì đây là lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dù dịch căng thẳng, các dự án phần mềm, dịch vụ CNTT vẫn hoạt động bình thường. Vì thế, các DN vẫn phát triển bình thường và cần tuyển dụng ở các vị trí lập trình viên, kỹ sư phần mềm, kiểm thử phần mềm. Mức lương DN sẵn sàng chi trả cho NLĐ trong lĩnh vực này dao động từ 9-15 triệu đồng/tháng. Sau CNTT, việc tuyển dụng vẫn diễn ra ở một số ngân hàng, tập trung ở các vị trí giao dịch viên, chuyên viên, trưởng bộ phận quan hệ khách hàng…

Cũng theo ông Thành, tại thị trường Hà Nội, việc thiếu hụt lao động thường diễn ra ở các DN tư nhân, còn tại các DNNN, khu vực kinh tế chính thức, thì việc thiếu hụt lao động rất hạn chế. Do vậy, để hỗ trợ cho các DN và NLĐ kết nối tuyển dụng, Trung tâm DVVL tiếp tục đánh giá tình hình dịch bệnh đối với thị trường lao động, để có hoạt động tư vấn, kết nối và giới thiệu việc làm phù hợp tại hệ thống 15 điểm Sàn Giao dịch việc làm trên địa bàn. Ngoài ra, Trung tâm cũng chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm lưu động, triển khai các giải pháp kết nối việc làm đễ hỗ trợ DN và NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. “Bên cạnh hỗ trợ kết nối việc làm, Trung tâm DVVL tiếp tục hỗ trợ NLĐ làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp, đảm bảo đúng quyền lợi theo quy định pháp luật. Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 53.000 NLĐ đến làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp, giảm khoảng 20% so cùng kỳ năm ngoái”- ông Thành thông tin thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, nguồn lao động tại chỗ hiện nay rất ít nên cần phải liên kết đưa lao động từ các tỉnh về Bình Dương. Tuy nhiên, việc này phải có sự phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành. Các kênh kết nối tại trung tâm trong mùa dịch và hiện nay chủ yếu tập trung vào các kênh online: Trang Zalo (Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương), email, website (vieclambinhduong.vn), Facebook, hộp thoại chat tìm việc nhanh trên website, ngân hàng việc làm tại trung tâm, qua điện thoại… DN và người lao động cũng có thể tìm việc và tìm người trực tiếp trên website của trung tâm.

Cũng theo ông Phương, để thu hút lao động trở lại làm việc, đa số DN có các chính sách hỗ trợ một tháng tiền thuê trọ ban đầu cho lao động, hỗ trợ xe đưa đón tận địa phương đến công ty, thực hiện cách ly 14 ngày vẫn hưởng lương, sau đó mới đi làm. Nếu chưa tiêm vắc xin sẽ được công ty đăng ký tiêm vắc xin tại DN...

ĐK
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh