THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:53

Tăng lương giáo viên trung cấp, cao đẳng nghề cao nhất hơn 14 triệu đồng/tháng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 15/10, Thông tư 07 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực, trong đó quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương; điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh viên chức thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp... Các quy định này áp dụng cho giáo viên, giảng viên tại các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập (trường nghề).

Giáo viên các trường này được xếp theo 5 bậc, gồm: B, A0, A1, A2, A3 của hệ số lương viên chức, tương đương mức lương từ 3,3 - 14,4 triệu đồng/người/tháng.

Cụ thể, giáo viên xếp bậc B (mã V.09.02.09) hưởng hệ số lương 1,86 - 4,06 (tương đương mức lương từ 3,3 - 7,3 triệu đồng/người/tháng).

Giảng viên dạy thực hành bậc A0 (mã V.09.02.04 và V.09.02.08) được hệ số lương 2,1 - 4,89 (tương đương mức lương từ 3,78 - 8,8 triệu đồng/tháng).

Giảng viên dạy lý thuyết, thực hành bậc A1 (mã V.09.02.03 và V.09.02.07) hưởng hệ số lương 2,34 - 4,98 (tương đương lương từ 4,2 - 8,9 triệu đồng/tháng).

Giảng viên chính bậc A2 (mã V.09.02.02 và V.09.02.06) hưởng hệ số lương 4,4 - 6,78 (tương đương lương từ 7,9 - 12,2 triệu đồng/tháng).

Giáo viên cao cấp bậc A3 nhóm 2 (mã V.09.02.05) được áp dụng hệ số lương 5,75 - 7,55 (tương đương mức lương từ 10,3 - 13,5 triệu đồng/tháng).

Giảng viên cao cấp bậc A3 nhóm 1 (mã V.09.02.01) được áp dụng hệ số lương 6,2 – 8 (tương đương mức lương 11,1 - 14,4 triệu đồng/tháng).

Thông tư này không áp dụng với giáo viên thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT (giáo viên dạy văn hoá trong trường nghề), giáo viên các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Thông tư 07 cũng quy định, viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp được đăng ký dự thi, hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo Nghị định 115 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức của Chính phủ; được cơ quan, đơn vị cử tham thi hoặc xét thăng hạng…

Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN), 6 tháng đầu năm 2023 đã tuyển sinh được 1.055.000 người (đạt 46% kế hoạch năm 2023).

Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp là 220.000 người (đạt 41,5% kế hoạch); tuyển sinh trình độ sơ cấp, các chương trình đào tạo nghề khác là 835.000 người (đạt 47,3% kế hoạch năm 2023).

Hiện cả nước có 1.892 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 401 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp, 1.058 trung tâm GDNN và trung tâm GDNN-GDTX. Tổng số cơ sở GDNN ngoài công lập là 683, chiếm 36,1% tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, cả nước đã giảm được 108 cơ sở GDNN công lập so với năm 2017, đạt tỷ lệ bình quân 8,2% (vượt mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ-TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018).

Những tháng cuối năm 2023, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tập trung xây dựng mới chuẩn đầu ra trình độ cao đẳng, trung cấp, các ngành, nghề đặc thù, một số nghề phổ biến trình độ sơ cấp theo kế hoạch được phê duyệt.

Xây dựng các chương trình và tổ chức bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực số cho nhà giáo GDNN. Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong việc đạt chuẩn kỹ năng nghề để dạy thực hành của nhà giáo. Tổ chức các hoạt động tôn vinh nhà giáo theo kế hoạch.

Triển khai hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo lịch trình năm 2023.

Tháo gỡ vướng mắc về các điều kiện tổ chức đánh giá, cấp phát chứng chỉ kỹ năng nghề; chuẩn bị các điều kiện để Đoàn Việt Nam tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2024.

Phương Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh