THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:38

Gần 21 triệu bệnh nhân tăng huyết áp: Vấn đề nghiêm trọng đối với y tế cộng đồng

2 người trưởng thành thì 1 người bị tăng huyết áp

Theo kết quả điều tra dịch tễ học mới nhất năm 2015 tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Thái Bình, Thái Nguyên, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Nghệ An, Khánh Hòa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 47,3% (tương đương xấp xỉ 20,8 triệu bệnh nhân). Như vậy cứ 2 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, tương đương xấp xỉ 21 triệu bệnh nhân.

Đáng lo ngại là trong số gần 21 triệu bệnh nhân tăng huyết áp tại Việt Nam, chỉ có có 17% (3,7 triệu người) kiểm soát được huyết áp của mình. Như vậy, còn 17,1 triệu bệnh nhân còn lại (chiếm hơn 82%) chưa được kiểm soát huyết áp đầy đủ (trong đó có khoảng 8,1 triệu người không biết mình có bệnh, gần 1 triệu người biết mình có bệnh nhưng không điều trị và 8,1 triệu người điều trị nhưng huyết áp không được kiểm soát đầy đủ). Như vậy, sẽ có hơn 17 triệu người bệnh đối mặt với những nguy cơ biến chứng tim mạch, nguy cơ tử vong do đột quỵ.

Trong khi đó, theo GS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam, thất bại trong điều trị tăng huyết áp tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung liên quan chặt chẽ với nhận thức của người bệnh, bác sĩ, cơ sở vật chất (bao gồm thuốc men) và môi trường (quá trình đô thị hoá...). Do đó, mặc dù có nhiều nỗ lực trong nhiều năm qua nhưng kết quả của các dự án phòng, chống huyết áp chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Kiểm soát huyết áp cần được làm thường xuyên, đặc biệt là với người cao tuổi.

Tăng huyết áp  chiếm ít nhất 45% các ca tử vong do bệnh tim mạch

Thực tế từ các nghiên cứu cho thấy, hiện các bệnh không lây như tim mạch, ung thư, tiểu đường đã vượt qua các căn bệnh truyền nhiễm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Bởi bệnh tim mạch đang là nguyên nhân dẫn đến con số 17 triệu người chết mỗi năm, chiếm gần 1/3 tổng số các ca tử vong trên toàn cầu. Trong số này, có 9,4 triệu ca tử vong là do biến chứng của tăng huyết áp. Tăng huyết áp đang chiếm ít nhất 45% các ca tử vong do bệnh tim mạch và 51% các ca tử vong do đột quỵ.

Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, tăng huyết áp đang ngày càng trở thành một vấn đề lớn đối với y tế cộng đồng. Theo số liệu mới nhất từ chương trình phòng, chống tăng huyết áp quốc gia thì tỷ lệ các ca mắc bệnh trên 25 tuổi chiếm 47%, trong đó tỷ lệ những người bị tăng huyết áp nhưng chưa được phát hiện bao giờ là 39%.

Bên cạnh đó, việc điều trị các biến chứng của tăng huyết áp yêu cầu nhiều thủ thuật can thiệp phức tạp như phẫu thuật tim bắc cầu, phẫu thuật động mạch cảnh và lọc máu… Các biện pháp này sẽ rất tốn kém đối với tình hình tài chính của các gia đình bệnh nhân đồng thời, chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách bảo hiểm xã hội. Chi phí điều trị do nhập viện vì biến chứng của tăng huyết áp lớn hơn từ 2 - 5 lần so với việc điều trị tăng huyết áp trong cộng đồng.

Dự án “Tăng huyết áp – sống khỏe ngay từ ngày đầu tiên” được hỗ trợ bởi Bộ Y tế Việt Nam, Hội tăng huyết áp Pháp (SFHTA), Ủy ban phòng, chống tăng huyết áp Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Viện Nghiên cứu dược phẩm Servier Việt Nam. Dự án tăng huyết áp - sống khỏe ngay từ ngày đầu tiên đặt mục tiêu để các bác sỹ có được những thuyết phục tốt hơn đối với các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân mới được chẩn đoán tăng huyết áp. Từ đó, giúp họ thay đổi những thói quen xấu trong cuộc sống thường ngày và tuân thủ điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sỹ. Ba hoạt động cơ bản của dự án gồm: Hội nghị chuyên gia với sự tham gia của các chuyên gia tim mạch hàng đầu của Việt Nam và Pháp; chia sẻ phương pháp tư vấn cho bệnh nhân giúp các bác sỹ Việt Nam có những hướng tiếp cận hiệu quả hơn với các bệnh nhân tăng huyết áp; ra mắt website giáo dục phi thương mại về tăng huyết áp: ngaydautien.vn.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh