THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:30

Không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng

 

Một trong điểm mới của dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) là tăng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi đang có nhiều ý kiến trái chiều. Trao đổi với PV báo LĐ&XH bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Bùi Thị An (TP Hà Nội) nhấn mạnh, tăng độ tuổi rất có lợi cho trẻ em, để trẻ em được hưởng lợi đúng dịch vụ, đúng lứa tuổi của mình. Và nếu không để ý trẻ em bây giờ thì coi như mình không “gỡ” được sau này về phát triển bền vững kinh tế xã hội…

 

Đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội), trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH bên hành lang Quốc hội

Tăng tuổi sẽ có lợi hơn

+  Theo bà, nên tăng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi, hay là giữ nguyên như hiện nay?

Quan điểm của tôi là nên tăng độ tuổi. Thật ra, chúng ta đã nghiên cứu mãi rồi, tăng độ tuổi rất có lợi cho trẻ em, để trẻ được hưởng lợi đúng dịch vụ, đúng lứa tuổi của mình. Đây là quyền trẻ em được hưởng thì nên nâng lên, cho trẻ được hưởng trọn vẹn đến 18 tuổi.

Tôi cho rằng, nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi là phù hợp với thực tế, chứ không chỉ phù hợp với Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia. Nhất là người dưới 18 tuổi chưa đủ các điều kiện để trở thành người lớn nên cần được gia đình, cộng đồng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn để tránh khỏi các hành vi gây tổn hại.

+ Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi tăng độ tuổi trẻ em sẽ “đảo lộn” hệ thống pháp luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, nhất là độ tuổi từ 16 đến dưới 18 sẽ không có quyền tự quyết định các vấn đề liên quan đến quyền được lao động của mình ?

Đúng là nhiều ĐBQH có ngại rằng, nếu tăng độ tuổi sẽ liên quan đến một số luật, bộ luật khác gây nên việc khó điều chỉnh. Nhưng tôi nghĩ không khó, rất dễ thì không phải, nhưng khó điều chỉnh thì không!

Khi tăng độ tuổi trẻ em, độ tuổi 16 đến dưới 18 tuổi vẫn có quyền lao động chứ sao. Nhưng trong độ tuổi này sẽ có đối xử khác. Nếu như tuổi trẻ em chỉ có 16 thôi, thì từ 16 trở lên người ta sẽ đối xử khác, toàn bộ hành vi của trẻ em lúc người ta sẽ xét đoán dưới góc độ người lớn chứ không phải trẻ em nữa. Nhưng để trẻ em dưới 18 tuổi thì xét toàn bộ hành vi trẻ em lại là trẻ em, như thế trẻ em sẽ có lợi hơn.

Tăng độ tuổi không phải tất cả các luật đều đồng loạt quy định trẻ em dưới 18 tuổi được làm gì, không được làm gì mà quy định phụ thuộc vào từng độ tuổi. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên, về cơ bản cũng sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không.

Chuyện ngân sách dành cho trẻ em không khó

+ Bà nghĩ sao về ý kiến cho rằng ngân sách đang khó khăn như thế, nâng tuổi trẻ em đồng nghĩa với việc kéo theo một lượng ngân sách phải chi cho trẻ em, như thế sẽ căng thẳng hơn? 

Đây không phải là vấn đề trẻ em đơn giản, mà là vấn đề đất nước, vấn đề nguồn lực. Nên đất nước nào nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ em tốt thì nước đấy có chất lượng nguồn lực tốt. Nếu không để ý trẻ em bây giờ thì coi như mình không “gỡ” được sau này về phát triển bền vững kinh tế xã hội. Vì nói cho cùng, con người là yếu tố quyết định.

Con người là trí tuệ, sức lực, phẩm cách. Để ý đến trẻ em là để ý đến đất nước, vì thế đừng ngại vấn đề về ngân sách. Đất nước mình tuy nghèo thật, nhưng không đến nỗi thiếu đến mức không có thể dành cho trẻ em được. Bớt đi những chuyện khác đi, như bớt lãng phí, bớt tham nhũng thì chuyện ngân sách dành cho trẻ em không khó.

+ Nhưng để giảm lãng phí, tham nhũng lại là một câu chuyện khó. Đến nay, không thể đong đếm được là lãng phí bao nhiêu, tham nhũng thế nào?

Nếu bây giờ các đồng chí lãnh đạo có mục tiêu cụ thể, ví như trong kho của mình có 1 bát nước chẳng hạn - giả sử thế, đặt hạn mực ấy, thì mình sẽ có mục tiêu chia cho từng việc là bao nhiêu… nhất định là phấn đấu được.

Mà tôi nghĩ rằng, dễ đồng thuận hơn trong việc dành chi phí cho trẻ em. Đây là vấn đề lớn của đất nước, không phải vấn đề của riêng cá nhân ai, riêng một ngành nào, mà đây là trách nhiệm của cả xã hội, của từng gia đình, nên toàn xã hội phải quan tâm.

Khó mấy cũng phải dành ngân sách cho trẻ em, không dành được thì như tôi vừa nói, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển sau này của xã hội.

+ Theo một kết quả khảo sát mới công bố thì tỷ lệ độ tuổi từ 16- 18 tuổi nạo phá thai rất lớn và Việt Nam đang là một trong những nước “đáng báo động” về vấn đề này. Theo bà, cần phải làm gì để hạn chế được tình trạng này để bảo vệ quyền trẻ em tốt hơn?

Đây là vấn đề bức xúc, gia đình rất lo, cả xã hội rất lo. Nhưng không phải vì thế mà kéo độ tuổi trẻ em xuống. Đấy là cái thứ nhất. Hai nữa, tôi nghĩ cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhưng trước hết phải là gia đình, nhà trường, rồi đến xã hội.

Chúng ta phải giáo dục, có những kỷ cương, tạo cho trẻ những chỗ vui chơi, giải trí lành mạnh hơn, kiểm soát mạng tốt hơn. Tất nhiên rất khó nhưng phải làm tốt hơn. Ngay trên mạng xã hội có nhiều bài viết, nhiều điều tích cực sẽ hướng cho các em không sa đà vào những điều ấy.

Vừa rồi tôi quan sát một số gia đình vì sinh kế không để ý được đến con cái nên dễ hư hỏng. Hay đến trường, môi trường nhà trường phải hấp dẫn được các em, để các em vui chơi có bạn bè, có nhóm thì bớt các hiện tượng “chơi lẻ”. Nạo phá thai chính là hiện tượng không ai mong muốn, nhưng tôi nghĩ vẫn có thể làm được. Và qua điều này, tôi xin khẳng định quan điểm của tôi, nên tăng độ tuổi để bảo vệ trẻ em tốt hơn.

+ Xin cảm ơn bà!.

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh