CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:22

Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó: 58% là nữ; 28,3% là trẻ em. Gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Chính vì thế, bên cạnh những chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, tạo việc làm và sinh kế, việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cũng được coi trọng.

Phụ nữ khuyết tật ở xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được hỗ trợ tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Phụ nữ khuyết tật ở xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được hỗ trợ tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Từ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 đến Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đều quy định, người khuyết tật có khó khăn về tài chính là một trong các đối tượng được trợ giúp pháp lý, được cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đã được thực hiện thông qua các hình thức như: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, truyền thông về trợ giúp pháp lý... Các hoạt động được lồng ghép nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Trong quá trình tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý luôn đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, sau 4 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, hệ thống trợ giúp pháp lý trong cả nước đã thực hiện 9.141 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, trong đó có 2.062 vụ tham gia tố tụng. Số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng tăng lên hàng năm, chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý trong các nhóm đối tượng yếu thế. Hơn 400 vụ việc trợ giúp pháp lý thành công hiệu quả cho người khuyết tật. Đặc biệt, có những vụ việc người khuyết tật khó khăn về tài chính được bào chữa vô tội, được giảm hình phạt, chuyển tội danh nhẹ hơn (trong lĩnh vực hình sự) hoặc thắng kiện, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình (trong lĩnh vực dân sự và hành chính).

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Cù Thu Anh cho biết, với tôn chỉ hoạt động “lấy người được trợ giúp pháp lý là trung tâm”, có thể khẳng định, công tác này đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách an sinh đối với các đối tượng yếu thế, trong đó có người khuyết tật. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã kịp thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật khó khăn về tài chính nói riêng và người khuyết tật thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý nói chung khi họ có vướng mắc về pháp luật, tạo niềm tin vào công lý của người dân.

Tuy nhiên, công tác trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật có những khó khăn nhất định. Ðối với những người khuyết tật về cơ thể thì có thể giao tiếp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng nhưng người khuyết tật về tinh thần thì phải thông qua người thân nên đôi khi khó xác định có phải nguyện vọng chính xác hay không. 

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang Đồng Việt Phương cho rằng, truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội về quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính sẽ tạo được sự lan tỏa, đồng hành của các cấp, ngành, giúp cộng đồng người khuyết tật không mặc cảm, cố gắng vượt lên chính mình. Mặt khác, thông qua hoạt động này kịp thời cung cấp thông tin về các quy định cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, để khi cần thiết những người là đối tượng được trợ giúp pháp lý sẽ chủ động yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cần phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức để người khuyết tật nói chung và những đối tượng được trợ giúp pháp lý dễ dàng tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý, để họ hiểu về hoạt động trợ giúp pháp lý, xóa bỏ đi rào cản, sự tự ti của người khuyết tật. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng, kỹ năng của người thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với tâm lý, điều kiện của người khuyết tật; tăng cường công tác phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Việt Cường

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh