Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế
- Dược liệu
- 11:23 - 25/12/2021
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; lãnh đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy tại các điểm cầu.
Nghị Quyết 21-NQ/TW nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT. Với mục tiêu phấn đấu tăng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT.
Hội nghị đã nghe đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW thời gian qua, giai đoạn 2012 - 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW. Hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục hoàn thiện, phù hợp tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được thực hiện đúng quy định, kịp thời; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng; chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT dần cải thiện. Chính sách BHXH, an sinh xã hội đã bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi gặp rủi ro, bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, góp phần ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội...
Cả nước có hơn 16,2 triệu người tham gia BHXH (đạt 33,5% số lao động trong độ tuổi), tăng hơn 5,6 triệu người so năm 2012 (tăng 53,2%); hơn 13,3 triệu người tham gia BHTN, tăng hơn 5% so năm 2012 (tăng 61,7%), đạt 27% lực lượng lao động; hơn 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm hơn 90% dân số. Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác BHYT giai đoạn 2012 - 2020 theo Nghị quyết 21-NQ/TW.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, BHXH, BHYT giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội và tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Trong thời gian qua, cùng với chính sách phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, nhất là công tác BHXH, BHYT theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại nghị quyết.
Đồng chí Trần Tuấn Anh biểu dương những kết quả sau gần 10 năm thực hiện nghị quyết. Hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục được hoàn thiện hơn; số người tham gia BHXH đều tăng qua các năm; số người tham gia BHYT vượt mục tiêu đề ra. Quyền lợi của của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng. Cơ cấu đầu tư quỹ chuyển dịch theo hướng bền vững và an toàn; quy mô đầu tư quỹ ngày càng lớn, số dư đầu tư quỹ và lợi nhuận hàng năm đều tăng. Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện. Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT được chú trọng và tăng cường...
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: diện bao phủ BHXH thấp, chưa đạt được mục tiêu mà nghị quyết đề ra và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, các vùng trong cả nước. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng; tỷ lệ tham gia BHYT chưa bền vững, chủ yếu do có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ngoài ra, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đồng bộ với các chính sách kinh tế - xã hội khác; Quỹ BHXH đầu tư chưa đa dạng, chưa tận dụng khả năng sinh lời; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn thể hiện sự chưa hiệu quả trong quản lý, sử dụng và chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, nội chi quỹ BHYT có xu hướng tăng; Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở nhiều địa phương, thuộc các thành phần kinh tế; Dịch vụ BHXH, BHYT chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí dự thảo báo cáo tổng kết nghị quyết. Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng đồng tình về một số hạn chế trong quá trình thực hiện nghị quyết, như phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chưa đạt mục tiêu; thực trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; số tiền nợ đọng cao; tình trạng lạm dụng, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn xảy ra...
Từ hội nghị này, Ban Kinh tế Trung ương cùng các cơ quan liên quan sẽ có báo cáo tiếp thu, tổng kết trình Bộ Chính trị.