THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:55

Tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước tình hình trên địa bàn thành phố xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn lao động, cháy nổ, đặc biệt là tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng, tổn thất về người và tài sản, UBND thành phố Hà Nội đã ra văn bản yêu cầu tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn vệ sinh lao động.

Công văn nêu rõ: Trong những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8/2023, địa bàn thành phố đã xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn lao động, cháy nổ, đặc biệt là tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng, tổn thất về người và tài sản trong quá trình thi công xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở cũng như các sự cố gây mất an toàn lao động khi sử dụng các loại thiết bị nâng hạ, thang máy đối với khu chung cư và nhà dân.

Cụ thể, ngày 28/7/2023, vụ tai nạn lao động xảy ra tại xưởng sản xuất tại gia đình ông Vũ Văn Tuân (Thôn Quán, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) liên quan đến thiết bị xe nâng hàng trong quá trình nâng hạ mâm của máy ép giày.

Ngày 29/7/2023, tại công trình xây dựng tòa nhà The Charm thuộc dự án công trình hỗn hợp văn phòng, thương mại, nhà ở (có kết hợp bãi đỗ xe khu vực), cây xanh, nhà ở thấp tầng, trường mầm non (Ô đất TTDV 03 thuộc Khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội), trong quá trình thi công tháo cốp pha hố vách, thang máy đã bị sập giàn giáo làm 1 người lao động chết và 1 người bị thương nặng.

Ngày 31/7/2023, vụ tai nạn làm 1 người lao động bị chết xảy ra trong quá trình cẩu thanh cọc thi công dự án cải tạo vệ sinh môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê tại số 1 ngách 123/11 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội...

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động và kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ cũng như đảm bảo quyền được làm việc an toàn của người lao động, bảo đảm sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, xã hội, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động trên địa bàn Thủ đô, UBND thành phố yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động. Thông báo công khai các vi phạm của các đơn vị xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người trên các phương tiện thông tin để các tổ chức, cá nhân nhận thức về việc phải tuân thủ pháp luật an toàn, vệ sinh lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, cũng như việc quản lý, sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Chú trọng kiểm tra các ngành nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động như: Nồi hơi, thiết bị áp lực, thang máy, thiết bị nâng, các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động… xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Với các sự cố tai nạn lao động, Sở cần kịp thời điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố hình sự đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động chết người, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng vi phạm các Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động. Cùng với đó, Sở cần tăng cường phổ biến, tập huấn đối với các doanh nghiệp liên quan đến chính sách cho người lao động và người sử dụng lao động.

UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, các quận, huyện, thị xã… tăng cường tuyên truyền, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động theo chức năng, nhiệm vụ ở các lĩnh vực liên quan.

Văn Lý

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh