THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:39

Tăng cường liên kết, tăng khả năng cạnh tranh và tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng bày tỏ sự tiếc nuối khi Diễn đàn chưa đề cập sâu sắc tới việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và tăng cường liên kết giữa DN FDI với DN trong nước mặc dù nội dung này là chủ đề của Diễn đàn giữa kỳ này.
Theo Phó Thủ tướng, hiện đang có sự “lệch pha” giữa DN FDI - hoạt động hiệu quả, tăng trưởng tốt và kinh tế trong nước - tăng trưởng chậm.

Đồng thời chia sẻ, quan điểm của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa DN FDI và kết nối sản xuất, đầu tư với DN trong nước để cho cả hai khối có sự phát triển đồng đều, đủ năng lực tham gia vào các chuỗi sản xuất có giá trị của thế giới.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định lập trường, quan điểm của Việt Nam coi DN FDI là bộ phận hữu cơ quan trọng của nền kinh tế, thành công của DN FDI là thành công của Chính phủ Việt Nam và muốn DN FDI coi thành công của DN trong nước cũng là thành công của chính mình.

“Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI nhưng sẽ có chọn lọc, ưu tiên cho các DN nước ngoài có lĩnh vực hoạt động phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết, quản trị tốt, sẵn sàng kết nối với DN Việt Nam”- Phó Thủ tướng chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Việt Nam đến nay đã thu hút được 23.000 dự án FDI từ 116 quốc gia, đối tác với số vốn hơn 300 tỷ USD. Tuy nhiên, những lo ngại về sự phát triển không đồng đều giữa khu vực FDI và tư nhân trong nước ngày càng gia tăng.

Cũng tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vai trò của khu vực DN FDI đã và đang thể hiện ngày càng rõ, đóng góp quan trọng vào kinh tế Việt Nam, khi chiếm tới 50% ngành công nghiệp chế tác và 70% sản lượng XK của Việt Nam.

 

 

Tuy vậy, theo ông Lộc, Việt Nam chưa tận dụng được hết lợi ích của DN FDI, sự cộng sinh giữa 2 loại hình DN còn mờ nhạt, hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao – lĩnh vực được kỳ vọng sẽ chào đón mạnh mẽ giữ liên kết giữa các DN.

Minh chứng cho nhận định này, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trong các dự án của DN FDI có quá ít liên doanh, có tới 80% là liên doanh giữa các DN 100% vốn nước ngoài với nhau; tỷ lệ DN tư nhân trong nước cung ứng cho DN FDI còn hạn chế.

Theo kết quả điều tra của VCCI, chỉ 14% DN trong nước có khách hàng là DN FDI. Tại các DN FDI, chỉ 26,6% nguyên liệu đầu vào được mua tại Việt Nam, còn một tỷ lệ đáng kể mua từ các DN FDI khác, hoặc DN FDI có xu hướng NK nguyên liệu từ quốc gia của mình hơn là sử dụng của DN Việt Nam.

Vì thế, để thu hẹp khoảng cách giữa các DN trong nước và DN FDI, Chủ tịch VCCI kiến nghị, cần có giải phá đột phá, tăng cường kết nối địa lý giữa 2 khu vực, nâng cao hiệu quả về ngắn hạn cho XNK…. Trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao hiệu quả.

“Nếu ví nền kinh tế Việt Nam như một chiếc xe thì chiếc xe không thể vận hành trơn tru nếu chỉ còn 1 bánh FDI hoạt động mạnh mẽ”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh. 
Tại diễn đàn, các DN nước ngoài đều đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí của Chính phủ Việt Nam thông qua các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển DN.

Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối năm ngoái với các DN Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cho thấy, 46,1% số DN được hỏi cho biết sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam, 71% DN được hỏi cho biết họ hài lòng với hoạt động quản lý kinh doanh tại Việt Nam. ”Ngoài ra, nhiều DN được hỏi cũng hài lòng với việc gia nhập thị trường Việt Nam”, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết.

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp nước ngoài liên tục đề cập tại các diễn đàn là việc áp dụng các chính sách thiếu nhất quán về thuế và hải quan.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), các địa phương Việt Nam đang cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư, trong đó có việc áp dụng các ưu đãi không nhất quán. Do đó, EuroCham khuyến nghị các bộ ngành và địa phương minh bạch, công khai trong việc áp dụng các chính sách, đảm bảo các tỉnh đối xử công bằng với các dự án.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh