Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, thu hút người lao động trở lại làm việc
- Bài thuốc hay
- 19:24 - 02/02/2023
Quý I/2023: Nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn cao
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH về tình hình lao động việc làm, cuối năm 2022, 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), tập trung ở các ngành nghề: dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ... 637.491 lao động (chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường.
Nguyên nhân là do sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột quân sự giữa Nga – Ukraina; sự cạnh chiến lược giữa các nước lớn; sự gia tăng bảo hộ thương mại; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt... đã làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn bị suy giảm dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng (cả các đơn hàng đã ký và đơn hàng dự kiến), dẫn tới cắt giảm việc làm.
Ở thị trường trong nước, do tác động từ tình hình thế giới dẫn tới giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao; một số nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào nước ngoài không ổn định có thời gian (nhất là các nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc khi nước này thực hiện chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt)... đã ảnh hưởng tới khả năng sản xuất, bảo đảm nguồn cung và sức mua trong nước.
Về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại, theo đó tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377,7 nghìn người (cao hơn nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua).
TP. Hồ Chí Minh ghi nhận, 499 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm lao động trong quý I/2023, với số lao động lên đến 14.379 người. Trong đó, lĩnh vực may mặc - da giày 5.000 người, điện - điện tử 2.200 người, hóa nhựa 800 người, bán buôn có nhu cầu tuyển dụng cao nhất với 1.000 người…
Tại Bắc Giang, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn sau Tết Nguyên đán khoảng 17.000 lao động. Nhìn chung, nguồn lao động của tỉnh và lao động từ các địa phương lân cận về nghỉ Tết có nguyện vọng tìm kiếm việc làm tại địa phương cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn…
Các doanh nghiệp tại Bình Dương cũng có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10 nghìn lao động sau Tết.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành thâm dụng lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, có thể tiếp tục xảy ra đến hết quý I/2023, do đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động.
Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, thu hút người lao động trở lại làm việc
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, nhìn tổng thể, thị trường lao động nước ta vẫn dư thừa lao động và phát triển không đồng đều; cung lao động còn nhiều bất cập; số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp. Việc kết nối cung - cầu lao động còn hạn chế, vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề.
Trước bối cảnh, đó, về nhiệm vụ trong tâm ngay sau Tết nguyên đán, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,...) để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực; bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ.
Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.
Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp hướng nghiệp, phân luồng, tuyển sinh đào tạo nghề; chú trọng đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao, kỹ năng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.