THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:35

Tăng cường kết nối cung - cầu trên thị trường lao động

 

Bà Lê Kim Dung-Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại hội nghị

 

Tỷ lệ hợp tác doanh nghiệp và trường nghề còn thấp

 Thị trường lao động nước ta tồn tại những bất cập như: Cung lớn hơn cầu, chất lượng lao động còn hạn chế. Cùng với đó vấn đề đào tạo chưa gắn với yêu cầu sử dụng, kết nối doanh nghiêp và trường nghề còn hạn chế là đáng lo ngại của thị trường lao động Việt Nam. Theo kết quả khảo sát nhanh của VCCI tại 79 doanh nghiệp, chỉ có 12,3% doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên với cơ sở GDNN, có tới 46,2% doanh nghiệp không có mối quan hệ hợp tác với bất kỳ cơ sở GDNN nào. Trong khi đó hình thức hợp tác phổ biến của các doanh nghiệp trong GDNN chỉ đơn thuần là tiếp nhận và hướng dẫn học viên thực tập tại doanh nghiệp, cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo. Việc doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn nghề, chuẩn đầu ra, danh mục ngành nghề còn rất hạn chế.

Theo ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục GDNN), kết quả khảo sát của cơ quan này cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với trường nghề  rất thấp với 9,11%, thấp nhất ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; tỷ lệ doanh nghiệp có đào tạo nghề cho lao động cũng chỉ gần 40%. Như vậy, Điều 60 Bộ luật Lao động quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động chưa được doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện. Mặc dù các trường nghề đã đến tận nơi gõ cửa nhưng sự hợp tác bài bản và lâu dài vẫn còn ít giữa trường nghề và doanh nghiệp. Nội dung hợp tác của doanh nghiệp và cơ sở GDNN triển khai cũng chưa được nhiều.

Ông Tiến đề xuất, cần thiết phải hình thành hệ thống cơ sở GDNN phân tầng, có trường đào tạo chất lượng cao để đào tạo những nghề mũi nhọn, đáp ứng nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến. Cùng với đó là những trường nghề phổ biến để đào tạo nhân lực có tính đại trà cho các doanh nghiệp trong cả nước, khuyến khích hình thành các trung tâm đào tạo nghề ngay tại doanh nghiệp…

 Bà Trần Thị Lan Anh- Giám đốc Văn phòng Giới chủ sử dụng lao động, (VCCI) cũng cho rằng, thời gian qua đào tạo nghề đã đáp ứng một phần nhu cầu của doanh nghiệp, tuy nhiên tỷ lệ các doanh nghiệp có hợp tác với trường nghề chưa cao. Doanh nghiệp chưa thấy được nhiều lợi ích khi tham gia đào tạo nghề, sự cam kết và đóng góp của doanh nghiệp vào đào tạo nghề là vấn đề rất khó khăn không chỉ tại Việt Nam mà ở các nước khác cũng vậy.

 

Toàn cảnh hội nghị

 

Tăng cường kết nối cung - cầu việc làm

Đánh giá về thị trường lao động, bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Số lượng các cơ sở đào tạo phân bố chưa hợp lý.

Theo kết quả điều tra Lao động – Việc làm do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2016, số lao động phi chính thức khá lớn với trên 18 triệu lao động, chiếm 57,2% tổng số lao động phi nông nghiệp và tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, do vậy tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức thấp (duy trì ở mức độ trên dưới 2%). “Tuy nhiên không phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng đáng lo ngại là chất lượng việc làm”, bà Dung nói.

 Một thực tế đang diễn ra đó là khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động. Theo bà Lê Kim Dung, bên cạnh những nguyên nhân liên quan đến cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, nhu cầu trên thị trường lao động, sự cập nhật của chương trình đào tạo so với sự thay đổi và phát triển của khoa học, công nghệ,  sự gắn kết chặt chẽ  giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp thì việc hệ thống thông tin thị trường lao động không khớp với nhu cầu của doanh nghiệp, sinh viên và cơ sở đào tạo hầu như chưa có.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là sự hình thành Cộng đồng ASEAN và việc triển khai các cam kết thương mại mới như Hiệp định thương mại với EU và Hiệp định  CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị lực lượng lao động để có thể đáp ứng và hưởng lợi từ các cam kết này và giảm thiểu khoảng cách giữa GDNN và nhu cầu của thị trường lao động. “Nhằm thúc đẩy và phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo nghề với thị trường lao động, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực được xem là một trong những giải pháp đột phá thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”, bà Lê Kim Dung khẳng định.

VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh