Tăng cường hợp tác Việt Nam - Hungary về xuất khẩu lao động
- Bài thuốc hay
- 18:43 - 13/04/2022
Cùng dự buổi tiếp về phía Việt Nam có ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Tống Hải Nam – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước; ông Trương Anh Dũng – Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Tại buổi tiếp, Đại sứ Hungary tại Việt Nam đã thông tin với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về 4 lĩnh vực mà nước này đang có nhu cầu lớn tuyển dụng lao động nước ngoài, gồm: Công nghiệp ô tô; điều dưỡng viên; dịch vụ khách sạn, nhà hàng; xây dựng. Hiện nay cũng đã có một số lao động Việt Nam sang làm việc tại Hungary thông qua các công ty XKLĐ của Việt Nam hợp tác với các công ty môi giới của nước bạn. Bên cạnh những lao động có tay nghề, ý thức lao động tốt, chăm chỉ, được các nhà sử dụng lao động Hungary rất hài lòng thì cũng một số được đưa sang với mục đích chưa rõ ràng, phải qua nhiều trung gian, môi giới với chi phí cao nên đã nảy sinh một số vấn đề, trong đó có việc bỏ trốn ra ngoài.
Ngài Đại sứ đánh giá cao sáng kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất về việc ký kết một thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa hai nước về XKLĐ từ những năm trước. Tuy nhiên, do điều kiện chưa chín muồi nên chưa thực hiện được. Hiện nay đã đủ điều kiện để xây dựng thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, nhất là khi Hungary vừa hoàn thành bầu cử Quốc hội và sẽ thành lập Chính phủ mới vào tháng 5 tới.
Đại sứ Ory Csaba cũng nêu lên một số câu hỏi với Bộ trưởng về các vấn đề cấp phép cho công ty XKLĐ, việc kiểm soát các công ty XKLĐ có số lượng lao động bỏ trốn như thế nào để có thể thu hồi giấy phép? Vấn đề đào tạo và nâng cao chất lượng lao động trước khi đưa lao động sang Hungary sau khi hai nước ký kết hợp tác…; đồng thời hoan nghênh chuyến thăm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới Hungary trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn Ngài đại sứ đã dành thời gian đến thăm Bộ và quan tâm đến một lĩnh vực rất thiết thực là XKLĐ. Sau thời gian bị gián đoạn do Covid-19, giờ đây cánh cửa đã mở cho cả hai bên.
Bộ trưởng đánh giá Hungary là quốc gia rất có tiềm năng về phát triển kinh tế cũng như thu nhập của lực lượng lao động xã hội. Hiện có khoảng trên 800 lao động Việt Nam đang làm việc ở Hungary, chủ yếu thông qua một số doanh nghiệp ở Hải Phòng mà hai bên có hợp tác về kinh tế, một số làm việc trong khu vực khách sạn, nhà hàng.
Bộ trưởng chia sẻ: Sau đại dịch Covid - 19, Việt Nam cũng đang thiếu hụt lao động nhưng sự thiếu hụt đó chỉ là tạm thời trong thời gian ngắn, về tổng thể Việt Nam đang dư thừa lực lượng lao động trẻ. Các nhà đầu tư lớn đang rất cần nhân lực nhưng họ đòi hỏi phải có ngay nhân lực chất lượng cao nhưng quá trình chuẩn bị Việt Nam chưa theo kịp nên việc thiếu hụt chỉ là tạm thời. Do vậy, Việt Nam coi đào tạo nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Vì thế, trong thời gian tới Việt Nam rất quan tâm tới giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp, trong đó sẽ chuyển hướng đào tạo theo đặt hàng đầu ra với hướng mở, linh hoạt. Thay hoàn toàn cách đào tạo như trước đây là trường có thế mạnh gì thì đào tạo cái đó.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng trả lời đầy đủ các câu hỏi và thắc mắc của Ngài Đại sứ về việc thúc đẩy đưa lao động Việt Nam sang Hungary trong thời gian tới. Theo đó, hai bên nếu ký thỏa thuận hợp tác thì cần lựa chọn những công ty XKLĐ và công ty môi giới lao động có uy tín của hai nước để kiểm soát rủi ro. Đồng thời, cần lựa chọn những ngành nghề mà Hungary có nhu cầu để đào tạo ngay tại Việt Nam trước, có thể đào tạo tại cơ sở GDNN hoặc doanh nghiệp, có sự tham gia của Hungary, khi nào đảm bảo đủ điều kiện mới được xuất cảnh. Hiện nay Việt Nam đang hợp tác rất hiệu quả với CHLB Đức trong việc đào tạo y tá và điều dưỡng viên trước khi đưa sang nước bạn. Trong đó, các cơ sở thụ hưởng lao động của CHLB Đức cung cấp nguồn lực cho Trung tâm Lao động ngoài nước của Bộ để tuyển chọn, đào tạo trước khi sang Đức. Việt Nam và Hungary có thể học hỏi mô hình này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin với ngài Đại sứ cả 4 ngành nghề mà Hungary đang có nhu cầu lao động lớn, gồm: Điều dưỡng viên, kỹ thuật ô tô, dịch vụ khách sạn, nhà hàng và xây dựng hiện đang được các cơ sở GDNN của Việt Nam đào tạo theo chương trình chuyển giao từ CHLB Đức, học sinh học xong được cấp 2 bằng của Việt Nam và của Đức. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn phía Hungary tham gia vào quá trình đào tạo nghề theo hướng: doanh nghiệp của bạn đưa ra yêu cầu, đặt hàng và cùng liên kết với các trường nghề của Việt Nam để cùng đào tạo trước khi có thể xuất cảnh sang Hungary.
Bộ trưởng cũng nhất trí với ngài Đại sứ về việc ký kết một bản thỏa thuận hợp tác (MOU) về XKLĐ giữa hai nước; thống nhất giao các cơ quan chuyên môn của hai bên hợp tác, trao đổi chặt chẽ để chuẩn bị các nội dung, nếu thuận lợi sẽ ký kết ngay trong năm 2022.