Tăng cường hợp tác về lao động Việt Nam - Nhật Bản
- Bài thuốc hay
- 19:04 - 05/05/2023
Tại buổi làm việc, ông Kato Katsunobu cho biết, năm 2023 là dịp hai nước Việt Nam - Nhật Bản kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, là dịp để hai nước khôi phục lại các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lao động, việc làm.
Bộ trưởng Kato Katsunobu khẳng định: “Việc các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin Nhật Bản hủy bỏ hoàn toàn chương trình thực tập sinh kỹ năng là không đúng. Hiện Chính phủ Nhật đang tiến hành rà soát lại chương trình thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định, sao cho hoạt động này tốt hơn, hiệu quả hơn. Thực chất, chúng tôi không hủy bỏ toàn bộ chương trình".
Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản nhấn mạnh, hiện nay, chương trình thực tập sinh kỹ năng đang triển khai với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật, đóng góp cho việc đào tạo nguồn nhân lực với các đối tác. Tuy nhiên trên thực tế, ngoài đào tạo nguồn nhân lực, chương trình còn mang ý nghĩa bảo đảm nguồn lao động cần thiết của Nhật. Do vậy, thời gian tới, Nhật Bản vẫn sẽ giữ lại một số nội dung liên quan đến bảo đảm nguồn nhân lực trong chương trình này.
Theo Bộ trưởng Kato Katsunobu, hiện chương trình đang bị lợi dụng ở một số điểm, khiến các thực tập sinh bị biến thành công nhân làm công việc tay chân để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt nhân lực trầm trọng của Nhật do tiến trình già hóa dân số. Do đó, việc thay đổi chương trình này là cần thiết nhằm xây dựng một hệ thống mới để "bảo vệ và phát triển" nguồn nhân lực. Đây được coi là bước ngoặt tư duy mới của chúng tôi trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Những thay đổi mới này cũng để tạo điều kiện cho người lao động nâng cao kỹ năng, tay nghề, để sau khi hết thời hạn làm việc tại Nhật họ có thể trở về, đóng góp cho quê hương bằng những kinh nghiệm, kỹ năng học hỏi được. Trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ chuẩn bị những phương án, biện pháp tuyên truyền cần thiết tới người lao động về những thay đổi của chương trình thực tập sinh kỹ năng. Dự kiến từ nay tới cuối quý 3, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản sẽ hoàn thiện báo cáo cuối cùng trình Chính phủ về những thay đổi của chương trình thực tập kỹ năng.
Bộ trưởng Kato Katsunobu bày tỏ mong muốn Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam sẽ thường xuyên trao đổi, chia sẻ trong quá trình hợp tác để cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tập sinh kỹ năng.
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung bày tỏ vui mừng được tiếp đón ông Kato Katsunobu đến thăm và làm việc, kể từ lần gặp gỡ gần nhất vào tháng 9 năm 2022; đồng thời cảm ơn các cơ quan Nhật Bản trong việc phối hợp với Việt Nam triển khai hiệu quả nhiều chương trình, trong đó, lĩnh vực hợp tác lao động và phát triển nguồn nhân lực đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Bộ trưởng hoan nghênh và ủng hộ việc Nhật Bản triển khai việc nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật hiện hành liên quan đến chương trình tiếp nhận thực tập sinh, lao động nước ngoài sang Nhật Bản thực tập và làm việc. Phía Việt Nam tin tưởng, với tinh thần cầu thị và nhận định rõ xu hướng phát triển lĩnh vực nguồn nhân lực trên thế giới, phía Nhật Bản sẽ sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, để tạo dựng môi trường làm việc cho người bản địa cũng như người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản ngày càng tiến bộ, công bằng và hợp lý. Trong đó, thực sự đảm bảo các quyền của người lao động nước ngoài về thu nhập, bảo hiểm, các chế độ phúc lợi; đảm bảo các quyền chuyển đổi công việc một cách hợp lý, hài hòa lợi ích của cả chủ sử dụng và người lao động.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam sẵn sàng phối hợp, tích cực đóng góp ý kiến để phía Nhật Bản tham khảo trong quá trình sửa đổi quy định, nhằm phù hợp pháp luật và lợi ích hai nước theo hướng: đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động nước ngoài (trong đó có lao động Việt Nam), đóng góp ý kiến cho việc quản lý các doanh nghiệp cả bên gửi và bên tiếp nhận lao động, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật 2 phía và hạn chế các phát sinh.
Liên quan đến chương trình lao động kỹ năng đặc định, được hai nước triển khai thực hiện từ năm 2019, Bộ trưởng nhấn mạnh, mặc dù giai đoạn vừa qua hai bên cùng trải qua dịch bệnh Covid-19 dẫn đến tình trạng gián đoạn việc gửi và tiếp nhận lao động nhưng, số lượng lao động Việt Nam tham gia vào chương trình lao động kỹ năng đặc định của Nhật Bản vẫn luôn đứng đầu trong các nước cùng đưa lao động sang Nhật Bản, là một trong những minh chứng cho thấy sự tin cậy, sự phù hợp trong mối quan hệ lao động của chủ sử dụng Nhật Bản và người lao động Việt Nam.
Về chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (EPA), Bộ trưởng mong muốn phía Nhật có các cơ chế đãi ngộ hợp lý, tương xứng hơn để thu hút được nhiều ứng viên Việt Nam tham gia chương trình này.