CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:16

Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ sinh kế cho đồng bào thiểu số

Đề án 2214 đang giúp người dân vùng cao thoát nghèo.

Với trách nhiệm được giao, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với bà con vùng đồng bào thiểu số.

Ghi nhận và đánh giá cao chủ trương đó, nhiều tổ chức nước ngoài thuộc các nước như: Nhật Bản, Na Uy, Ai Len, Phần Lan, Thụy Sỹ,... và các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB),… đã có nhiều dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo bền vững như các dự án phát triển cà phê, chè; trồng rừng; phát triển chăn nuôi; đầu tư cơ sở hạ tầng miền núi.

Nhìn lại hiệu quả của Đề án 2214 sau hai năm thực hiện có thể thấy: Về đầu tư cơ sở hạ tầng khác, các đơn vị đã huy động được gần 700 triệu USD từ WB và các nhà tài trợ. Trong đó có Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc”, thực hiện từ 2015 đến 2021 tại 7 tỉnh, gồm: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình và Điện Biên.

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp có các dự án chuyển đổi đất nông nghiệp bền vững tại Việt Nam; tăng cường cạnh tranh cho ngành chăn nuôi, hỗ trợ cho bà con miền núi tham gia phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAP nông hộ, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững... thu hút được hơn 300 triệu USD từ các nhà tài trợ ODA và các tổ chức phi chính phủ.

Đối với công tác chăm sóc trẻ em và giáo dục, ADB cam kết tài trợ 3 chương trình/dự án có tổng trị giá 277 triệu USD, trong đó có dự án “giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất - giai đoạn 2”. Cùng với đó là thành công của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thời gian qua cũng có sự đóng góp không nhỏ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, WB, ADB và các nhà tài trợ khác, với cam kết tài trợ hơn 200 triệu USD cho các dự án “Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường vùng miền Trung”; xây dựng Bộ tài liệu tuyên truyền hướng dẫn xử lý và trữ nước hộ gia đình cho đồng bào dân tộc Mông và Ba na; hướng dẫn chung và hướng dẫn thí điểm về khả năng tham gia của khối tư nhân trong hoạt động thúc đẩy xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình, trong đó tập trung ưu tiên vào các cộng đồng nghèo, cộng đồng dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh.

Đề án 2214 góp phần mang nguồn nước sạch đến với người dân.

Cùng với đó, một số bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động triển khai thực hiện Đề án 2214, với nhiều dự án điển hình như: Dự án “Xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số” đã xây được trên 200 cây cầu ở vùng dân tộc, miền núi. Phát động chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, qua đó huy động hơn 224 đơn vị, cá nhân cam kết tài trợ bằng tiền và hình thức xây dựng cầu, tương đương 382 tỷ đồng, trong đó có 19 nhà tài trợ bằng hình thức xây dựng 41 cầu treo, ước tính giá trị khoảng 200 tỷ đồng; Dự án Phát triển nông thôn các tỉnh miền Trung giai đoạn II ở Ninh Thuận do ADB tài trợ với tổng vốn 246,35 tỷ đồng; Dự án Quản lý tổng hợp nước, đất và dinh dưỡng cho hệ thống canh tác bền vững ở vùng duyên hải Nam Trung bộ do Chính phủ Australia tài trợ với tổng vốn 43,95 tỷ đồng. Còn tại Hà Giang cũng đã vận động được 11 dự án ODA, với tổng số vốn cam kết đầu tư là 60 triệu USD, và gần 30 chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn NGOs của 20 tổ chức đang được triển khai trên địa bàn 10/11 huyện, thành phố của tỉnh, với giá trị viện trợ khoảng 8 triệu USD; tiếp nhận tài trợ hơn 5 triệu USD vốn đăng ký của 10 tổ chức phi chính phủ nước ngoài thuộc các nước Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc... cho gần 20 dự án.

Mặc dù vẫn có một số bộ, ngành và địa phương chưa đẩy mạnh hoạt động tiếp cận, xúc tiến, vận động các nguồn tài trợ quốc tế vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa nhịp nhàng trong quá trình gắn kết, chia sẻ thông tin giữa khả năng đầu tư và viện trợ của các đối tác với nhu cầu của các địa phương. Song, tổng kết lại sau 2 năm thực hiện có thể thấy Đề án 2214 đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3 - 4%/năm, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội cơ bản được ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, đồng bào các dân tộc đoàn kết, tiếp tục tin tưởng vào đường lối đổi mới, chính sách của Đảng và Nhà nước.

AN HUÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh