THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 03:57

Tăng cường hợp tác ASEAN+3 về phúc lợi xã hội và phát triển

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH và các đơn liên quan vị đến từ một số Bộ, ngành Trung ương.

Các đại biểu tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến

Các đại biểu tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến

Tại Hội nghị, bà H.E Dato Sri Hajah Nancy Shukri, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Malaysia đã có bài phát biểu khai mạc chào mừng Hội nghị; đại diện 3 nước đối tác ASEAN cũng có những cam kết đồng hành, hợp tác với các nước ASEAN trong tương lai...

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định: Quan hệ hợp tác ASEAN+3 trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và phát triển là một trong những mối quan hệ được mở ra từ rất sớm và ngày càng phát triển bền chặt

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định: Quan hệ hợp tác ASEAN+3 trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và phát triển là một trong những mối quan hệ được mở ra từ rất sớm và ngày càng phát triển bền chặt

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định: Chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển các nước ASEAN+3 lần thứ 7 thể hiện cam kết, sự đồng thuận mạnh mẽ của ASEAN và các nước đối tác, dành ưu tiên và nguồn lực để đảm bảo cơ hội phát triển bình đẳng cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Bởi lẽ, bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người mà còn là nền tảng để phát triển kinh tế bền vững, bao trùm. Để đạt được mục tiêu này, hợp tác khu vực nói chung và với các nước đối tác cộng 3 gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc nói riêng có ý nghĩa quan trọng.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, cùng với tiến trình khu vực trong việc thực hiện bình đẳng giới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy bình đẳng giới. Do đó, tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội đều được đảm bảo nguyên tắc về bình đẳng giới. Gần đây nhất, năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình, dự án liên quan đến bình đẳng giới và hoà nhập xã hội cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương như: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Đặc biệt, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống bạo lực gia đình và hỗ trợ cho nạn nhân, đảm bảo quyền con người và thúc đẩy bình đẳng giới.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: “Quan hệ hợp tác ASEAN+3 trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và phát triển là một trong những mối quan hệ được mở ra từ rất sớm so với các kênh hợp tác chuyên ngành khác của ASEAN và ngày càng phát triển bền chặt. Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN khác đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật của ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác, chung tay cùng thúc đẩy và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đảm bảo quyền, lợi ích và tiếp cận chính sách và dịch vụ xã hội cho mọi người dân. Trên cơ sở lịch sử hợp tác lâu dài, cùng với việc Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều là các quốc gia có nền tảng an sinh xã hội đã phát triển, mong muốn trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác hơn nữa không chỉ ở kênh phúc lợi phát triển mà trên tất cả các kênh chuyên ngành có liên quan của đối tác ASEAN+3. Từ đó, thúc đẩy đoàn kết trong khu vực, góp phần xây dựng một xã hội hoà bình, ổn định, hữu nghị và phát triển thịnh vượng.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Sau khi thảo luận, chia sẻ, trao đổi của Bộ trưởng/Trưởng đoàn và đại biểu các nước đối tác ASEAN là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển các nước ASEAN+3 lần thứ 7 đã thông qua Tuyên bố chung, bao gồm 8 điểm:

1. Tái khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng giới thông qua lồng ghép giới và hòa nhập xã hội trong khu vực ASEAN theo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2025, cũng như thực hiện Khuôn khổ khu vực và Kế hoạch hành động thực hiện ASEAN Tuyên bố về Tăng cường An sinh xã hội (2015), Kế hoạch hành động khu vực thực hiện Tuyên bố Kuala Lumpur về già hóa…

2. Nhắc lại cam kết tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa tiến trình hợp tác ASEAN+3 và nhấn mạnh bản chất bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau của ASEAN+3 với các khuôn khổ khác do ASEAN dẫn dắt.

3. Ghi nhận các kết quả thảo luận của Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN+3 về Phúc lợi xã hội và Phát triển lần thứ 17 được tổ chức vào ngày 24/5/2022 tại Malaysia theo hình thức trực tuyến, và ghi nhận thêm tiến trình hợp tác ASEAN+3 về xã hội Phúc lợi và Phát triển kể từ Hội nghị AMMSWD lần thứ 6 được tổ chức vào năm 2019.

4. Ghi nhận sự ủng hộ quý báu và liên tục của các nước ASEAN+3 và mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác của chúng ta về thúc đẩy bình đẳng giới thông qua lồng ghép giới và hòa nhập xã hội cho phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật như mục tiêu của Kế hoạch công tác SOMSWD 2021 - 2025 và Kế hoạch công tác ACWC 2021 - 2025 đã đề ra.

5. Tái khẳng định cam kết của mình trong việc tìm kiếm các cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thông qua Kế hoạch hành động thực hiện quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc vì hòa bình và an ninh (2021 - 2025), Kế hoạch sửa đổi thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn về Hợp tác hữu nghị ASEAN-Nhật Bản: Tầm nhìn chung, Bản sắc chung, Tương lai chung và Kế hoạch hành động ASEAN-Hàn Quốc nhằm thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn chung vì Hòa bình, Thịnh vượng và Đối tác (2021 - 2025).

6. Ghi nhận các lĩnh vực khác nhau của xã hội đều bị ảnh hưởng bởi muôn vàn thách thức vì các rủi ro cuộc sống và tính dễ bị tổn thương đang trở nên trầm trọng hơn do tác động của COVID-19 và các vấn đề mới nổi. Điều này ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội và sự phát triển của ASEAN, đòi hỏi phải đánh giá lại các ưu tiên và chiến lược phát triển, đồng thời tạo cơ hội “xây dựng trở lại tốt hơn” cho các nước thành viên ASEAN.

7. Hoan nghênh những kết quả đạt được của Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN-Nhật Bản lần thứ 19 và 20 về xã hội chăm sóc lần lượt diễn ra vào ngày 9-10/12/2021 và 9-10/3/2023 theo hình thức trực tuyến, là một diễn đàn quả để chia sẻ kiến ​​thức, nâng cao năng lực và hiểu biết về những chính sách tiến bộ liên quan đến phúc lợi xã hội, y tế và lao động.

8. Đánh giá cao việc Thành lập Mạng lưới nghiên cứu ASEAN mở rộng về Già hoá (ARNA), một dự án của Malaysia do Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản (JAIF) tài trợ trong khuôn khổ Kế hoạch công tác SOMSWD 2016 - 2020. Dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập một nghiên cứu ASEAN chung, gắn kết và bền vững về các vấn đề liên quan đến già hóa.

Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển các nước ASEAN+3 lần thứ 7 cũng nhất trí khẳng định cam kết trong việc hợp tác nhằm tăng cường hợp tác khu vực về phúc lợi xã hội và phát triển bằng cách đẩy nhanh các cam kết ASEAN về bình đẳng giới thông qua lồng ghép giới và hòa nhập xã hội; đồng thời giao nhiệm vụ cho Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN+3 về Phúc lợi Xã hội và Phát triển (SOMSWD+3) hỗ trợ việc thực hiện và báo cáo tiến độ của các sáng kiến của các nước ASEAN+3 (APT) có liên quan trong Kế hoạch công tác SOMSWD 2021 - 2025.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh