Tăng cường công tác huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ
- Bài thuốc hay
- 03:31 - 25/10/2018
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng (phải) kiểm tra công tác ATVSLĐ trong khai thác than hầm lò tại Quảng Ninh
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2017, cả nước xảy ra gần 9.000 vụ TNLĐ, làm gần 9.200 người bị nạn, trong đó có 928 người chết, gần 2.000 người bị thương nặng. Trong số 10 địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất, TP. Hồ Chí Minh đứng đầu với 123 người chết. 6 tháng đầu năm 2018, cả hai khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động đã xảy ra 3.988 vụ TNLĐ làm 4.108 người bị nạn, trong đó có 384 người chết.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Qua khảo sát, điều tra, con số TNLĐ chung có thể gấp nhiều lần con số thống kê, TNLĐ chết người cũng phải gấp 2-3 lần.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, TNLĐ xảy ra ở nhiều ngành nghề, tuy nhiên lĩnh vực xây dựng chiếm phần lớn tới 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7 % tổng số người chết. Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,2% tổng số vụ TNLĐ chết người và 8,8% tổng số người chết. Lĩnh vực cơ khí, luyện kim chiếm 6,9 % tổng số vụ và hơn 8% tổng số người chết. Đa phần các vụ tai nạn xảy ra ở các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, lao động trẻ (từ 18 tới 24 tuổi) thường có tư tưởng chủ quan nên TNLĐ cũng cao hơn gấp 40% so với nhóm lao động tuổi trưởng thành.
Hơn 45% số vụ TNLĐ xuất phát từ lỗi của người sử dụng lao động trong đó có việc chủ lao động tiết kiệm chi phí, không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn lao động và phổ biến, hướng dẫn cho người lao động trước khi tiến hành công việc. Công tác ATVSLĐ chỉ được thực hiện đầy đủ ở một số doanh nghiệp lớn, còn đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, thiết bị không đảm bảo an toàn, máy móc cũ kỹ, lạc hậu, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân…Đặc biệt, nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nhưng chưa được kiểm tra, đăng ký sử dụng.
Nguyên nhân từ phía NLĐ cũng chiếm tới 20%, trong đó, phần lớn là do lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Nhiều lao động trẻ còn có tâm lý chủ quan, trong khi bản thân lại không được đào tạo nghề mà chủ yếu là tự mày mò, tự tìm hiểu làm quen với công việc. Cũng có những lao động không lường hết các nguy cơ TNLĐ tại vị trí làm việc nguy hiểm, vì vậy đã vi phạm các quy định về an toàn lao động dẫn đến gây tai nạn cho chính mình và những người xung quanh.
Không chỉ mang nặng nỗi đau về thể xác, tinh thần, TNLĐ còn làm tăng chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương tới hơn 1.500 tỷ đồng chỉ trong năm 2017, thiệt hại về tài sản 4,8 tỷ đồng, làm thiệt hại tới 137.000 ngày làm việc. Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra 06 tháng đầu năm 2018, chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... là 382 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 834 triệu đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 49.820 ngày.
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức người sử dụng lao động, NLĐ quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau: Chủ động thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, khai khoáng, hóa chất, sử dụng điện, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại.
Tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ...