Thanh Hóa: Tăng cường công tác đảm bảo ATVSLĐ - PCCN
- Bài thuốc hay
- 01:04 - 25/02/2017
Đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chấp hành tốt công tác ATVSLĐ-PCCN.
Thực trạng công tác ATVSLĐ-PCCN trên địa bàn
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có khoảng trên 8.000 doanh nghiệp (DN) và gần 1.000 HTX, tổ hợp tác đang hoạt động. Trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 18 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết 28 người, bị thương 09 người (04 vụ thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá làm chết 18 người; 7 vụ thuộc lĩnh vực xây dựng, lắp đặt làm chết 10 người). Trong đó, có 3 vụ nghiêm trọng trong lĩnh vực khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng và xây lắp làm chết 20 người (8 người ở lò vôi tại xã Trường Giang, huyện Nông Cống; 4 người tại công trường xây dựng cầu Suối Quanh, huyện Quan Hóa; 8 người tại mỏ đá xã Yên Lâm, huyện Yên Định). Ngoài ra còn có 22 vụ tai nạn giao thông qua điều tra được xem là TNLĐ làm 16 người chết, 8 người bị thương. Theo số liệu từ Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa, năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 128 vụ làm bị thương 17 người, thiệt hại về tài sản trị giá khoảng 5,7 tỷ đồng; 5,85 ha rừng và 30 ha mía (một số vụ cháy điển hình chưa thống kê được thiệt hại). So với cùng kỳ năm 2015, số vụ cháy giảm 16 vụ; số người bị thương giảm 70 người; về tài sản tăng 1,5 tỷ đồng.
Dự án Khu trung tâm thương mại Vincom đang xây dựng tại TP.Thanh Hóa, được Tập đoàn Vingroup đảm bảo nghiêm ngặt công tác ATVSLĐ
Qua tìm hiểu thì nguyên nhân số vụ TNLĐ xảy ra là do công tác tuyên truyền, tập huấn về bảo hộ lao động, ATVSLĐ-PCCN chưa được các DN quan tâm đúng mức; chế tài xử phạt đối với các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề vi phạm những quy định của Pháp luật về ATVSLĐ-PCCN còn chưa đủ sức răn đe, ý thức chấp hành về ATVSLĐ-PCCN của một số DN còn chưa cao; một số chủ sử dụng lao động đã chạy theo lợi nhuận trước mắt, xem nhẹ các yếu tố ảnh hưởng đến điều kiện, môi trường làm việc như: bụi, khí độc, tiếng ồn... cũng như tính mạng, sức khỏe của người lao động; vẫn còn tồn tại tình trạng một số DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý hoặc đã qua xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn cho phép ra ngoài, tác động xấu đến môi trường chung quanh, gây bức xúc cho nhân dân.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Mặc dù năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các vụ TNLĐ, cháy, nổ dẫn đến thiệt hại về người và tài sản vẫn còn tồn tại. Song phần lớn các cơ quan, DN và người lao động trên địa bàn đã ý thức được vai trò quan trọng đối với công tác ATVSLĐ-PCCN trong lao động, sản xuất. Trên cơ sở đó, với khẩu hiệu "An toàn là bạn..." đa phần các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện có hiệu quả công tác ATVSLĐ-PCCN. Nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động bảo đảm ATVSLĐ-PCCN được các đơn vị áp dụng thực hiện, góp phần hạn chế được phần nào TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, điển hình như Tập đoàn Vingroup xây dựng Dự án Khu trung tâm thương mại Vincom tại TP.Thanh Hóa; Công ty cổ phần Dược - Vật tư Y tế Thanh Hóa; Điện lực Thanh Hóa.
Để nâng cao phòng, chống về công tác ATVSLĐ-PCCN, tỉnh Thanh Hoá đã tích cực tuyên truyền đến các đơn vị về vai trò quan trọng của công tác ATVSLĐ-PCCN đến từng cơ quan, DN thông qua các cơ quan thông tin đại chúng; tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN được tổ chức hàng năm.
Công tác tuyên truyền được xem là một trong những giải pháp then chốt làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định pháp luật về ATVSLĐ-PCCN của các đơn vị và DN. Từ đó để các đơn vị và DN khẳng định quyết tâm và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ-PCCN trong quá trình hoạt động. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo đảm ATVSLĐ-PCCN cho người lao động, người sử dụng lao động và cả cộng đồng.
Khẳng định trước quyết tâm thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa cho biết: “Công ty hiện có 917 cán bộ, công nhân và người lao động. Toàn bộ công nhân khi được tuyển chính thức vào làm tại công ty sẽ phải qua lớp đào tạo bắt buộc về công tác ATVSLĐ-PCCN. Ngoài ra, hàng năm công ty còn phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn, tổ chức diễn tập thực tế các tình huống về PCCN. Từ đầu năm, công ty đã trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động. Tại các xưởng sản xuất đều có biển nội quy an toàn lao động, an toàn PCCN, biển cấm lửa và tiêu lệnh phòng cháy, chữa cháy đúng quy định. Từng loại máy móc, thiết bị có các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa và thay thế thiết bị không bảo đảm an toàn. Người lao động được trang bị đầy đủ các loại bảo hộ lao động và hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại đầy đủ theo quy định".
Đối với Điện lực Thanh Hóa, công tác bảo đảm ATVSLĐ-PCCN được hệ thống hóa thành những quy định nghiêm ngặt. An toàn của người lao động luôn gắn với an toàn lưới điện. Hàng năm, công nhân được huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN và kiểm tra định kỳ quy trình kỹ thuật an toàn điện; được cấp phát đầy đủ trang bị bảo hộ như quần áo, mũ, găng tay, ủng cách điện theo quy định. Việc huấn luyện, kiểm tra quy trình kỹ thuật an toàn điện, kiến thức về PCCN, diễn tập xử lý sự cố lưới điện... được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Phòng thanh tra an toàn thường xuyên tiến hành kiểm tra trên hiện trường, kịp thời phát hiện, nhắc nhở những sai sót hoặc chủ quan của người lao động; xử lý những trường hợp vi phạm quy trình. Do vậy, công tác sản xuất, kinh doanh của Điện lực Thanh Hóa trong những năm qua diễn ra an toàn, hiệu quả.
Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa là một trong những doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN
Trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH, Báo điện tử Dân Sinh, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá cho biết: “Để công tác ATVSLĐ-PCCN trong thời gian tới đạt kết quả cao, đòi hỏi các ngành, các cấp, DN và người lao động cần triển khai, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nhằm bảo đảm an toàn và bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong quá trình sản xuất. Tích cực phối hợp với chính quyền các cấp, lãnh đạo các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát về hoạt động ATVSLĐ-PCCN, cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp, tình trạng TNLĐ ở cơ sở. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo hộ lao động, ATVSLĐ-PCCN ở các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX, tổ hợp tác và các làng nghề… Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các DN, đơn vị sản xuất cố tình vi phạm công tác ATVSLĐ-PCCN. Bên cạnh đó, cần biểu dương, khen thưởng những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN. Đây cũng là những giải pháp quan trọng để thời gian tới chúng tôi tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn công tác ATVSLĐ-PCCN trên địa bàn tỉnh”.