CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:43

Tăng cường công tác bảo hộ người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài

Bảo hộ công dân (BHCD) làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động là nhu cầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”. Luật Quốc tịch Việt Nam ghi rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó”.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao, trực tiếp là Cục Lãnh sự và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, có nhiệm vụ thực hiện chức năng bảo hộ quyền lợi công dân Việt Nam ở nước ngoài. Cục Lãnh sự thực hiện các chức năng liên quan đến BHCD, như: Quản lý nhà nước về hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài; bảo hộ lãnh sự đối với công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam xuất cảnh và cư trú ở nước ngoài.

Lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại Hàn Quốc

Lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại Hàn Quốc

Trong lĩnh vực lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Ban quản lý lao động trực thuộc cơ quan đại diện Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ thành lập ở những nước, khu vực có nhiều lao động Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có ban quản lý lao động ở 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có đông lao động Việt Nam đang làm việc, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) , Ả-rập Xê-út. Đối với các nước chưa thành lập ban quản lý lao động thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại sẽ thay mặt Nhà nước quản lý và hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan tới người lao động Việt Nam đang làm việc tại nước đó.

Có thể thấy, công tác BHCD thời gian qua đạt được những kết quả tích cực, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam ở ngoài nước, còn có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở nước sở tại. Hầu hết các nước có người lao động Việt Nam sinh sống và làm việc đều tạo điều kiện tối đa cho công tác BHCD. Khi có tình huống cần phải BHCD thì nhiều biện pháp nghiệp vụ đã được các cơ quan đại diện chủ động triển khai, góp phần tích cực, hiệu quả cho công tác BHCD; có thể kể đến, như thường xuyên trao đổi với cơ quan chức năng nước sở tại tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, học tập, làm ăn hợp pháp; kịp thời BHCD khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam do vi phạm pháp luật nước sở tại; hỗ trợ, giúp đỡ đối với trường hợp gặp khó khăn; vận động hội đoàn người Việt Nam hỗ trợ tích cực cho công tác BHCD; cử cán bộ tham dự các phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho người lao động và yêu cầu phía người sử dụng lao động, công ty bảo hiểm bồi thường cho công dân khi gặp tai nạn lao động; đưa tin khuyến cáo công dân và cử cán bộ trực điện thoại đường dây nóng 24/7 để kịp thời có biện pháp bảo hộ trong tình huống khủng hoảng…

Hiện nay, số lượng người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng gia tăng ở nhiều địa bàn và quốc gia khác nhau. Để tăng cường, hoàn thiện thiết chế, cơ chế bảo hộ công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động trong đòi hỏi cần tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong việc tiếp cận và hỗ trợ người lao động Việt Nam ở nước ngoài, giải quyết những vướng mắc, tranh chấp với người sử dụng lao động và môi giới nước ngoài về việc làm và điều kiện làm việc, tiền lương, thu nhập, đóng thuế thu nhập, chi phí theo quy định. Công tác BHCD tại các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cần bảo đảm về bình đẳng giới, hỗ trợ người lao động nam và nữ trong các trường hợp bị xâm hại, lạm dụng, sao cho bảo vệ được quyền của công dân và người lao động và bảo vệ được danh tính, tôn trọng quyền riêng tư, bí mật cá nhân của họ…

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh