THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:20

Tăng cường các dịch vụ xã hội cho người khuyết tật

 

Các đại biểu tham dự hội nghị.


Trên 4.000 NKT được dạy nghề

Ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, toàn thành phố có 97.392 NKT (chiếm 1,2% dân số), hiện 1.341 NKT đang được chăm sóc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội. Từ 2011 – 2015 đã có 176.835 lượt NKT được chăm sóc sức khỏe, 15.402 người được chỉnh hình phục hồi chức năng, 10.052 người được cấp xe lăn; 100% NKT thuộc diện đối tượng BTXH được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Năm 2011 – 2015, UBND thành phố đã triển khai dạy nghề, tạo việc làm cho trên 4.000 NKT, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh cho trên 3.000 NKT, tạo việc làm cho 19.700 NKT. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Hội NKT thành phố tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm giúp NKT có cơ hội tham gia tìm kiếm việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống. NKT được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách Xã hội, được hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm.

 

Ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội phát biểu tại hội nghị.


Bên cạnh đó Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với NKT. Tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho NKT, tạo điều kiện để NKT nói chung và trẻ em KT trong độ tuổi có nhu cầu, khả năng học văn hóa được đến trường, phát triển các mô hình giáo dục hòa nhập. Cấp thẻ xe buýt miễn phí cho trên 22.000 NKT thành phố có nhu cầu và có khả năng tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt.

“Trong 5 năm qua phần lớn các chỉ tiêu thành phố đặt ra cho giai đoạn 2011 – 2015 đã đạt được theo kế hoạch, tuy nhiên vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt được như: 70% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT”, ông Đặng Văn Bất cho biết.

Về công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ khuyết tật (KT), ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ KT Hà Nội chia sẻ: Hàng năm trung tâm tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng từ 120 – 140 trẻ KT và dạy văn hóa cho trẻ khiếm thính và chậm phát triển trí tuệ từ lớp 1 đến lớp 8 theo chương trình được soạn thảo phù hợp với điều kiện và khả năng của các cháu. Năm 2015, trung tâm đã kết hợp với Trường trung cấp kinh tế - du lịch Hoa Sữa tổ chức dạy nghề may, thêu, nấu ăn cho 20 cháu. Trong số các cháu sau khi trở về địa phương và gia đình, hầu hết đã tự lập được cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiều cháu có công ăn việc làm ổn định với mức lương từ 4 triệu đồng trở lên; đặc biệt có cháu đã trở thành những doanh nghiệp nhỏ và trợ giảng của khoa Giáo dục đặc biệt Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

 

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội: Đào tạo giáo viên, tổ chức giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi cho người khuyết tật...

 

Về trợ giúp dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, theo bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội: Để hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện các chương trình dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, Hội đã tổ chức đào tạo, cung cấp và nâng cao kiến thức cho hội viên theo nhiều hình thức khác nhau như: Thành lập Câu lạc bộ  khởi sự doanh nghiệp của NKT, tổ chức các chương trình tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm dạy nghề và tạo việc làm giữa các thành viên. Hội cũng đã phối hợp với công ty cổ phần đào tạo nghiệp vụ hàng không Việt Nam tổ chức khóa đào tạo NKT bán vé máy bay trên mạng. Sau hai khóa đào tạo, 2 học viên đã mở được cơ sở bán vé máy bay và có thu nhập ổn định. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với một số công ty để giới thiệu việc làm cho một số hội viên; hình thành các mô hình NKT tự tạo việc làm và tham gia việc làm hòa nhập tại các tổ chức thành viên.

 Tiếp tục hoàn thiện chính sách cho NKT

 Để thực hiện có hiệu quả Luật NKT và công tác trợ giúp NKT trên địa bàn thành phố, Sở LĐ-TB&XH có những kiến nghị: Cần qui định mức hỗ trợ kinh phí tối thiểu cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho các doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT; bổ sung NKT nặng không nơi nương tựa, không  tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH; đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa gia tăng NKT, phát hiện và can thiệp sớm dị tật của trẻ sơ sinh; thúc đẩy cải tạo, xây mới các công trình công cộng và đưa vào sử dụng các phương tiện cá nhân để NKT tiếp cận, sử dụng thuận tiện.

 

Ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù TP. Hà Nội cho rằng, Luật NKT cần tuyên truyền sâu rộng hơn.


Theo bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội, cần thành lập các trung tâm dạy văn hóa và chăm sóc trẻ KT thuộc hệ thống giáo dục công lập; triển khai các chương trình học văn hóa, xóa mù chữ cho NKT không có điều kiện đến trường. Xây dựng và xuất bản các giáo trình, đào tạo giáo viên, tổ chức giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi; có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho chương trình thời sự của đài phát thanh và truyền hình Hà Nội. Tiếp tục xem xét và cấp giấy đăng ký, bằng điều khiển các phương tiện giao thông cá nhân cho NKT; Hỗ trợ NKT tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội các quận, huyện, thị xã…

Ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù TP. Hà Nội cho rằng, Luật NKT cần tuyên truyền sâu rộng hơn. Ngoài ra, nhiều NKT chưa được hưởng những chế độ ưu đãi của Nhà nước do bộ qui chuẩn để công nhận các dạng tật vẫn chưa đầy đủ...

 

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020:

100% số NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế; 100% trẻ KT có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; 100% NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao, nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT; 100% NKT được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

 

Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội tặng quà cho 6 đơn vị chăm sóc người khuyết tật.


Tặng quà cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật.

CÙ HÒA / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh