THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:08

Tân Trào - Nơi ghi dấu những mốc son của lịch sử

Địa chỉ đỏ về nguồn

Khu căn cứ cách mạng Tân Trào có tổng diện tích tự nhiên trên 530 km2. Xung quanh khu căn cứ có nhiều dãy núi cao bao bọc và được che phủ dưới tán rừng già, rậm rạp, lại có sông, suối, chảy qua. Trên núi, nhiều hang, động có sức chứa vài chục đến vài trăm người, rất thuận lợi cho việc chiến tranh du kích, xây dựng phát triển lực lượng và cất giấu vũ khí, lương thực, thực phẩm, nhằm bảo toàn lực lượng, đảm bảo cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến. Bác Hồ và Trung ương Đảng đã sớm nhìn thấy thế mạnh “nhân hòa, địa lợi” nên đã chọn vùng này làm căn cứ địa chủ yếu trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong những ngày đầu tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị đã quyết định những vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam và có tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng ở Việt Bắc. Đặc biệt, khu cách mạng Tân Trào đã trở thành căn cứ địa vững chắc, đây cũng chính là nhân tố quyết định để Bác Hồ dời căn cứ Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) tiếp tục chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Ngày 4/5/1945, Bác Hồ bắt đầu cuộc hành trình từ Pác Bó tới trưa 21/5/1945 đến Tân Trào, Bác dừng chân nghỉ tại đình Hồng Thái, rồi vào ở tạm với gia đình ông Nguyễn Tiến Sự (Chủ nhiệm Việt Minh của làng Kim Long) tại làng Kim Long. Sau đó, để đảm bảo an toàn và bí mật, Bác chuyển lên ở, làm việc tại căn lán nhỏ trên rừng Nà Lừa (lán Nà Lừa).

 Ngày 4/6/1945, chấp hành chỉ thị của Bác và Tổng bộ Việt Minh, Hội nghị cán bộ toàn Khu được tổ chức. Hội nghị quyết định thành lập Khu giải phóng, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh, Tân Trào là Thủ đô lâm thời khu giải phóng. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Ngay đêm hôm đó, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã ra mệnh lệnh khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh số 1. Quân lệnh viết: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!... Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”.

Đại hội Đại biểu Quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào) khai mạc tại đình Tân Trào.

Đại hội Đại biểu Quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào) khai mạc tại đình Tân Trào.

Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội Đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào để bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về nhân dân. Đại hội Đại biểu quốc dân đã thông qua 3 quyết định lớn: Nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Đại hội đã quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Ngày 17/8/1945, Đại hội bế mạc trong không khí sôi nổi của Tổng khởi nghĩa; thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”.

Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19/8/1945), Huế (ngày 23/8/1945), Sài Gòn (ngày 25/8/1945). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”.

Phát huy giá trị lịch sử trong du lịch

Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà giành được độc lập, hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/946, đáp lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam lại nhất tề đứng lên đánh giặc, với ý chí "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Đầu năm 1947, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các bộ, ban, ngành dời Thủ đô Hà Nội trở lại Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khu căn cứ cách mạng Tân Trào một lần nữa trở thành căn cứ địa chủ yếu của cả nước, được chọn làm “Trung tâm Thủ đô kháng chiến” lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Trung tâm Thủ đô Kháng chiến”, Tân Trào đã đi vào lịch sử với những trang vàng chói lọi, trở thành niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung. Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 10/5/2012, Khu di tích lịch sử Tân Trào đã được công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt.

Với mục tiêu đến năm 2025, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch Quốc gia, Tuyên Quang đã tập trung triển khai hiệu quả Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025. Mục tiêu đến năm 2025, khu du lịch Tân Trào sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2.000 lượt; đến năm 2030 đón khoảng 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 35.000 lượt. Tổng thu từ du lịch năm 2025 đạt trên 600 tỷ đồng và năm 2030 đạt 1.650 tỷ đồng.

Khu căn cứ cách mạng Tân Trào là “bảo tàng sống”, “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Khu căn cứ cách mạng Tân Trào là “bảo tàng sống”, “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Kỳ họp chuyên đề HĐND khóa XIX đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 28/2/2023 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Dự án nhằm phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Bảo tồn những yếu tố nguyên gốc của Khu di tích; tôn tạo đồng bộ về kiến trúc và cảnh quan, hoàn thiện cơ sở vật chất nhằm xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành trung tâm giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng của cả nước gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo cho người dân vùng căn cứ cách mạng Tân Trào nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung.

Đến nay, thực hiện những việc đột phá, đổi mới của tỉnh giao, ngành VH-TT&DL đã hoàn thành công trình “Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng”; cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào, dần hoàn thiện công trình Bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim; Dự án Làng Văn hóa Du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào tại xã Tân Trào (Sơn Dương)... Cùng với đó, ngành đã triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành trung tâm giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng gắn với khai thác, phát triển du lịch như: Khảo sát, xây dựng kịch bản phim tư liệu, tái hiện lịch sử Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến..

Với hơn 650 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 474 di tích lịch sử, Khu căn cứ cách mạng Tân Trào là “bảo tàng sống”, “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách thập phương.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh