CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:15

Tàn tạ dung nhan vì mỹ phẩm “dỏm”

Mỹ phẩm, kem trộn không nguồn gốc bán tại một cửa hàng ở Làng Đại học, quận Thủ Đức. Ảnh: K.Q

 

Khốn khổ vì kem có “tác dụng bất ngờ”
Chị T.T.S (22 tuổi, quê ở Tiền Giang) đến khám tại phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược vì trên mặt xuất hiện mụn nước, bóng nước li ti, da đỏ ửng và bỏng rát. Theo lời kể của chị S, trước đó, thấy da mặt xuất hiện đột ngột một vài mẩn đỏ ngứa, chị đã tự ra cửa hàng mua một vài loại mỹ phẩm mà được người bán giới thiệu là dùng “tác dụng bất ngờ” vừa chữa hết ngứa, hết nổi mẩn đỏ kèm dưỡng da, làm trắng da. Hậu quả là sau 2 tuần sử dụng liên tiếp, không những không hết mẩn đỏ, chị còn “không ngờ” vì “tác dụng bất ngờ” được quảng cáo kia, khắp mặt không còn chỗ nào là không có mụn.
Tương tự chị S, chị Đ.A.T (25 tuổi, ở TPHCM) cũng phải đeo khẩu trang đến gặp bác sĩ da liễu vì mặt chi chít mẩn đỏ và mụn, bong vảy sau khi dùng kem không rõ nguồn gốc. Chị T cho biết, trước đó, chỉ vì một mẩn đỏ xuất hiện trên da mặt, vì ngại đi khám nên đã tự hỏi “bác sĩ Google”. Chị vào trang chuyên bán mỹ phẩm online và được giới thiệu một loại kem với quảng cáo là bôi vào sẽ hết nổi mẩn đỏ, hết ngứa và có tác dụng dưỡng da, trắng mịn da. Người bán hàng giới thiệu đây là kem gia truyền nên không nhãn mác, bán với giá 900 ngàn đồng/hộp: “Trang đưa ra khá nhiều hình ảnh thể hiện hiệu quả phản hồi từ khách hàng sử dụng sản phẩm. Tôi tin là thật nên đặt hàng ngay. Nhưng không như quảng cáo, sau khi bôi liên tục trong 1 tuần, tôi không những không hết bệnh mà tình trạng càng nặng nề hơn, không nhận ra chính mình vì mụn chi chít”.
Bà N.M.P (45 tuổi, quê ở Cà Mau) cũng phải khăn gói lên Sài Gòn đi điều trị da sau khi sử dụng sản phẩm được quảng cáo như một “siêu kem” chống lão hóa. Bà P cho biết, gần đây bà không tự tin vì cảm giác da mặt bị lão hóa nên muốn dùng một số loại mỹ phẩm làm đẹp nhằm mục đích dưỡng da, làm trắng da. Bà đã tự ý đi mua mỹ phẩm làm đẹp ở tiệm thuốc tây. Người bán đã giới thiệu cho bà một loại kem bôi có tác dụng dưỡng, làm trắng mịn da, chống lão hóa. Bà mua 1 hộp kem với giá 55 ngàn, dùng trong vòng 1 tháng. Những ngày đầu, da bà căng mịn và nhận được lời khen từ nhiều người. Tuy nhiên, sau khoảng 3 tuần, da mặt bà lúc nào cũng ửng đỏ, cảm giác ngứa, châm chích khắp mặt và bị mỏng dần đi. Đi khám, bác sĩ đã tư vấn cho bà ngưng sử dụng kem vì có thành phần corticoide, nếu bôi nhiều sẽ để lại nhiều tai biến cho da.
Kem dưỡng da Chanel giá… 40 ngàn đồng
Có thể nói, nhu cầu làm đẹp là một nhu cầu chính đáng của phụ nữ. Dựa vào nhu cầu này mà thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam rất đa dạng và sôi động, từ các nhãn hàng cao cấp của các thương hiệu nổi tiếng có giá hàng triệu đồng một sản phẩm đến các mặt hàng bình dân giá chỉ vài chục ngàn. Bên cạnh đó là các mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần cũng như là các loại kem trộn với những lời quảng cáo cuốn hút người tiêu dùng.
Theo khảo sát của phóng viên, tại chợ đêm Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), một hộp phấn thương hiệu Ponds, Maybeline chỉ có giá 25.000 đồng và được bày bán sỉ theo món. Người mua hàng có thể lựa bất kỳ 2 món mỹ phẩm từ kem dưỡng, son môi, phấn đến kem chống nắng… chỉ phải trả 50.000 đồng. Tại khu vực Chợ Tân Định (Quận 1, TP.HCM), người ta có thể tìm mua bất kì một loại mỹ phẩm nào từ dưỡng trắng, trị mụn, trị thâm với đủ giá cả, thể loại. Nhiều loại kem được quảng cáo là hàng xách tay Hàn Quốc nhưng trên bao bì không có mã vạch lẫn hướng dẫn sử dụng. Thậm chí, đây là nơi bán công thức lẫn nguyên liệu làm kem trộn trắng da siêu tốc.
Theo hướng dẫn của một người bán hàng tại chợ này, kem trộn bao gồm hàng chục loại nguyên liệu mỹ phẩm với giá mỗi loại chỉ mười mấy ngàn đồng, có loại chỉ 5.000 đồng/2 hộp. Đáng chú ý, công thức kem trộn mà chủ cửa hàng này đưa ra có chứa cả Fluocinonide xuất xứ từ Trung Quốc - đây thực chất là corticoide có hoạt lực mạnh. Bên cạnh chất này là kem tẩy trắng da cấp tốc (còn gọi là kem chua) có tác dụng tẩy da.
Còn tại chợ đêm Làng Đại học (Quận Thủ đức, TP.HCM) – hàng loạt mỹ phẩm làm nhái thương hiệu cao cấp như Chanel, MAC chỉ có giá 40.000-80.000 đồng. Một số mặt hàng khác thì giá dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng phù hợp với túi tiền của sinh viên. Bên cạnh các cửa hàng mỹ phẩm, chợ thì các trang mạng xã hội cũng nở rộ hình thức bán mỹ phẩm qua mạng với các quảng cáo bắt mắt, sinh động. Người tiêu dùng cả tin, nếu không tìm hiểu kỹ có thể mua phải và sử dụng các loại mỹ phẩm kém chất lượng, không những không đẹp mà còn “rước vạ vào thân”.
Cẩn trọng với mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
BS. Trần Thiên Tài, phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tùy vào từng loại sản phẩm, mục đích sử dụng, hãng sản xuất mà có những thành phần riêng. Nhìn chung, một số thành phần có thể gây kích ứng da, dị ứng da thường hiện diện trong các loại mỹ phẩm như chất bảo quản (paraben, formaldehyde…), chất tạo màu, chất tạo mùi, retinol… Riêng những loại mỹ phẩm “dỏm” không xuất xứ, không nhãn mác thì có thể có trộn thêm những thành phần rất độc hại cho da nếu sử dụng không đúng cách và trong thời gian dài (corticoide). Khi mới sử dụng, corticoide làm làn da trở nên mọng và trắng do tác dụng giữ nước. Tuy nhiên, về lâu dài, corticoide sẽ làm tổn thương cấu trúc da, có thể gây mỏng da, teo da, giãn mạch, gây nên mụn trứng cá, sần đỏ, phồng rộp…
Các dấu hiệu thường thấy khi da bị kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm là sau khi sử dụng vài phút hoặc nhiều giờ, người bệnh bắt đầu có các biểu hiện như ngứa, nổi mẩn đỏ, cảm giác châm chích, bỏng rát, sưng phù, nổi mụn, bóng nước, bong vảy da… Theo BS Tài, ngay khi có một trong các triệu chứng kể trên thì phải ngưng sử dụng ngay lập tức, rửa sạch vùng da dùng mỹ phẩm nhằm hạn chế tác động, không sử dụng các loại mỹ phẩm khác, không sờ nặn, hạn chế tiếp xúc ánh nắng... Nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nặng, người bệnh cần đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa dị ứng – Miễn dịch lâm sàng hoặc Da liễu để điều trị.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh