THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:13

Bất ngờ lùi thời hạn thu hồi mỹ phẩm chứa chất cấm

Băn khoăn việc lùi thời hạn thu hồi

Ngày 13/4/2015, Cục Quản lý Dược ban hành Công văn số 6577/ QLD - MP về việc cập nhật các quy định về các chất dùng trong mỹ phẩm thường được các nhà sản xuất sử dụng sản xuất dầu gội, sữa tắm, xà phòng, khăn ướt trẻ em... Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016. Tuy nhiên, khi chỉ còn 1 ngày nữa sẽ hết hạn thu hồi những sản phẩm trên thì ngày 29/4, Cục Quản lý Dược lại ban hành Công văn số 6959/QLD-MP về việc quy định các chất dùng trong mỹ phẩm, gia hạn thu hồi sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa MIT và hỗn hợp MCT + MIT, hiện đang lưu thông trên thị trường đáp ứng quy định cũ mà chưa đáp ứng quy định mới, được phép tiếp tục lưu hành trên thị trường đến hết 30/11.

Lý giải về việc gia hạn lộ trình áp dụng, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, xuất phát trên cơ sở đánh giá nguy cơ (đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chỉ ra việc sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm có các hoạt chất với tỷ lệ quy định cũ là không an toàn), nên các nước có quy định kéo dài thêm lộ trình áp dụng với các quy định cũ. Cụ thể: Thái Lan, Myanma, Campuchia và Lào kéo dài đến hết tháng 11, của Indonesia là hết tháng 12. Do vậy, Việt Nam cũng quyết định kéo dài lộ trình đến 30/11.

Dầu gội chứa chất cấm vẫn được bán trên thị trường.

Hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm của các hãng có tiếng trên thị trường Việt Nam đều chứa thành phần chất bảo quản trên. Điều đáng nói, trên bao bì sản phẩm chỉ ghi tên hóa chất mà không ghi tỷ lệ thành phần, khiến người tiêu dùng băn khoăn “làm sao để biết sản phẩm có chứa chất bảo quản này thuộc danh mục cấm hay không”. Tại các cửa hàng đại lý, các siêu thị lớn những sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước có thương hiệu như: Sunsilk, Clear, Hazeline, Rejoice… chứa chất cấm vẫn được bày bán bình thường và doanh nghiệp chưa có động thái nào để thu hồi sản phẩm theo quy định. Không chỉ sản phẩm sản xuất trong nước, một số sản phẩm mỹ phẩm được nhập khẩu, phân phối tại Việt Nam như: Ohui, Double Rich, Shower mate, Enchenteur… cũng chứa chất cấm trên.

Người tiêu dùng hoang mang

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, việc dời lộ trình lưu thông sản phẩm từ 30/4 sang 30/11  nên hiện tại các doanh nghiệp hoàn toàn tuân thủ theo các quy định của Bộ Y tế về thời hạn. Việc Cục Quản lý dược ban hành văn bản 6959/QLD-MP trước thời hạn phải thu hồi các dòng sản phẩm có chứa chất Methylisothiazolinone và hỗn hợp Methylchlorothiazolinone với Methylisothiazolinone  đúng 1 ngày khiến dư luận rất băn khoăn.

Chị Hoàng Thị Nhung (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: “Nếu Cục Quản lý Dược khẳng định chất đó vẫn an toàn cho người sử dụng thì tại sao lại phải ban hành văn bản thu hồi sản phẩm. Còn những chất này có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng thì tại sao không thu hồi sản phẩm ngay và luôn. Việc lùi lại thời hạn thu hồi sản phẩm 7 tháng  phải chăng là động thái của cơ quan quản lý “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp tiếp tục được tiêu thụ những sản phẩm mà lẽ ra phải thu hồi từ 30/4. Những chất cấm này ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nên không thể vì lợi ích của doanh nghiệp mà bỏ rơi người tiêu dùng”.

Chị Nguyễn Minh Anh (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị thường lựa chọn những sản phẩm rất quen thuộc như Pantene, Enchanter... Bởi theo chị đây là những sản phẩm đó có chất lượng tương đối đảm bảo, lại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, khi được hỏi về thông tin các sản phẩm này đều có chứa chất bảo quản nằm trong danh mục cấm nguy hiểm, chị Minh Anh cho biết chưa hề nghe về thông tin này. Khi biết, những sản phẩm dầu gội hàng ngày gia đình mình vẫn dùng chứa chất cấm, chị Minh Anh không khỏi băn khoăn: “Tại sao những sản phẩm chứa chất cấm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng lại được phép lưu hành, thậm chí còn lùi thời hạn thu hồi? Người dân chúng tôi rất hoang mang khi những sản phẩm của thương hiệu lớn cũng chứa chất cấm”.

Không chỉ người tiêu dùng không biết về thông tin mỹ phẩm chứa chất cấm mà ngay cả các đại lý, cửa hàng bán hóa mỹ phẩm cũng không hay biết. Các sản phẩm dầu gội nằm trong danh mục cấm lưu hành này hiện đang chiếm thị phần rất lớn tại Việt Nam. Do đó, người tiêu dùng rất cần một hướng giải quyết thỏa đáng từ phía các nhà sản xuất cũng như các cơ quan quản lý.

ĐỨC THỌ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh