THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:56

Tản mạn về cây và hoa Hà Nội

Ở những phố trồng riêng một loại cây trông thật thích mắt. Mỗi đường phố ấy có vẻ đẹp riêng. Hàng cây sao đen thẳng tắp phố Lò Đúc, khiến mỗi lần đi qua, nhìn lên, thấy vòm trời sâu hút giữa hai hàng cây cao vút khiến ta liên tưởng đến nhiều điều cao đẹp, vượt lên cái nhốn nháo, hỗn tạp của phố phường. Thật hiếm thấy loài cây thành phố nào được những đàn cò di thực tránh cái rét phương Bắc về đậu trĩu các ngọn cây...

Hàng cây sấu ở đường Trần Hưng Đạo thì quanh năm xanh, có cảm giác chúng giống những mái tóc xanh đầy sinh lực của các chàng trai trẻ, mặc cho giông bão mùa thu, giá rét đầu đông tranh nhau vặt lá xanh cho rụng xuống đầy đường vẫn không suy suyển gì đến độ dầy rậm, thẫm xanh của chúng.

Đường Phan Đình Phùng mùa sấu thay lá.

Đường Phan Đình Phùng mùa sấu thay lá. 

Một cơn lốc nhỏ khiến đám lá dưới hè đường xoay tròn như bước múa của một diễn viên ba-lê. Khiến có lúc tôi chợt thốt lên câu thơ:

 Lá sấu xoay tròn

Mùa hè nhón những ngón chân vũ nữ           

 Đi dọc đường Lý Thường Kiệt vào một chiều mùa đông, nhìn lên hàng cây sếu trụi hết lá, in những cành trụi vào nền trời nắng hanh hao, cây sếu còn có tên là cây cơm nguội, hoa nhỏ như hạt cát. Quả già vào tháng 6, chim bồ câu rất thích ăn, cứ sà xuống tha thẩn bên gốc cây, trẻ con cũng thích nhặt làm đạn bắn nhau chơi.  

Hàng cây sữa đường Nguyễn Du, đường Bà Triệu đến mùa thu thì như náo nức gọi mời:

Mở cửa đường thơm hoa sữa gọi

Phải bùng ra phố phải đi thôi !          

Có những lúc thiên nhiên lôi cuốn ta như vậy đấy! Cứ đi mà chưa biết đi đâu, miễn là đừng đóng cửa ngồi nhà, phí phạm một vệt  đường thơm, một vòm cây xao xác hơi thu!Đường Yên Phụ mùa cây cơm nguội vàng lá.

Đường Yên Phụ mùa cây cơm nguội vàng lá.

Có dịp qua đường Thụy Khuê, qua hai dẫy bàng mùa hè xanh um lá, có tán lá xòa thấp, che mát một quán nước, khiến ta cứ muốn dừng xe lại, sà xuống ngồi uống một bát nước chè xanh, ăn cái kẹo vừng, nhớ về một “rừng bàng Yên Thái”.

Những cây bàng Hà Nội còn trồng rải rác các khu phố cổ. Một sáng mùa đông, họa sĩ Trần Nguyệt Lâm từ Sài Gòn ra, kéo tôi đi cùng. Cả sáng hôm ấy anh chuyên chụp các cây bàng phố cổ để làm tài liệu vẽ tranh. Là người sinh sống nhiều năm ở khu này, nhưng hôm ấy tôi mới nhận ra một điều:

Những cây bàng phố cổ Hà Nội có một dáng riêng, không thể có ở một vùng trời khác, tôi tạm gọi là dáng bàn tay xòe, các ngón khum ngửa lên trời như hứng bắt vật gì sắp rơi xuống.

 Thì ra, đó là “công trình” của những chú thợ điện, không cho những ngọn cây xuyên thẳng lên trời, vướng vào đường dây của các chú chạy dọc đường phố. Chỉ những nhánh xuyên ngang mới được tự do xòe tán! Chúng phải trườn uốn rồi mới vươn lên được.

Giống như người Hà Nội ở chốn bon chen, không có bản lĩnh sống thì sẽ lẫn ngay vào bụi bặm phố phường...

Đường qua Lăng Bác đã thành đại lộ của những cây chò nâu, lấy giống từ đất tổ các vua Hùng. Cây chậm lớn so với thời ươm thí nghiệm ở vườn rừng Vĩnh Phú, nhưng khi đã lên hết tầm, chúng có thể đụng mây vào những hôm mây nặng một màu xám thẫm của bão giông...

Mùa hoa sưa trên đường Hoàng Hoa Thám.

Mùa hoa sưa trên đường Hoàng Hoa Thám. 

Phố Thợ Nhuộm có thể gọi là phố Bằng lăng nước. Hàng cây ấy đâu chỉ có hoa mới đẹp ! Mùa xuân chúng có những chiếc lá non màu đồng đỏ,  bắt chước màu của những lá bàng già, như thể trẻ con bắt chước bà còng đi chợ đường xa.

Trẻ con là hay nghịch ngợm như thế đấy! Sắc đồng đỏ ấy cứ thay đổi hàng ngày, nhạt dần, nhạt dần rồi chuyển sang màu xanh từ lúc nào.

Đó là cách chuyển sắc lá theo mùa của một loài cây. Còn vòm trời Hà Nội thì chuyển theo mùa với đủ mọi sắc hoa...

Các sắc hoa Hà Nội hình như chuyển dần theo sự nóng lạnh của thời tiết. Này nhé ! Khi lửa hoa gạo nhắc ta những dịp lễ hội thì màu lửa ấy thật tưng bừng. Ở trung tâm Hà Nội thì cây hoa gạo bên cầu Thê Húc, tuổi của cây này có lẽ chỉ chịu thua cây gạo bên sườn núi chùa Hương!

Rồi khi lửa ở cây gạo sắp lụi thì nó lại “bén” sang cây vông bên cạnh. Rồi chả mấy chốc cả bãi vông ở đó bùng lên, hoa đỏ gay đỏ gắt suốt tháng Tư. Có thể màu đỏ ấy làm ta mất ngủ, nhưng lá của nó, như một sự bù trừ, lại là thứ lá thuốc ru ta ngủ.

Đến tháng Năm, thì những cây phượng đón lấy lửa ấy, chạy tiếp cuộc chạy tiếp sức  của các loài hoa trong thành phố, báo hiệu cho học sinh mùa thi đã đến, sẽ có những chú cá vượt vũ môn để trưởng thành, báo hiệu cho người già: Thêm một mùa thu, tuổi trẻ lại xa thêm... một mùa và mãi mãi...

Nắng trời vừa bắt đầu gay gắt thì sắc hoa trên vòm trời Hà Nội như muốn giảm đi sự chói chang: Hoa phượng màu hồng pha da cam chứ không đỏ gay gắt như hoa vông, hoa gạo. Đến cái anh bằng lăng nước ra hoa thì đã vừa hồng vừa tím, sang đến hoa muồng thì  ngả hẳn sang sắc vàng chanh...Tản mạn về cây và hoa Hà Nội

Hoa cũng như người, có người tính tình cứ phô hết ra ngoài, nhưng có người bản tính khiêm nhường như hoa sấu – hình hoa đã nhỏ, sắc hoa lại chỉ hoe hoe, chìm lẫn vào màu lá non, chìm lẫn vào màu nắng dịu.

Hoa như cố tình giấu mình đi, cực chẳng đã, đến lúc rụng, chỉ lấm tấm trên mái tóc người đẹp mà nàng không hay! Cô gái về nhà chải tóc mới biết hoa sấu đã làm đẹp cho mình! Khi đã thành quả, có thứ quả nào giầu và giấu cá tính như sấu? Chua ra chua! Nhưng khi sấu chín đã pha vị ngọt thì ngọt một cách e dè...

Có lẽ tôi đã lạc đề! Xin trở lại chuyện hoa của Thủ đô Hà Nội! Tôi mong làm sao mỗi đường phố Hà Nội sẽ chỉ trồng riêng một loài cây, để mỗi đường phố có riêng một loài hoa...

Nhà thơ Vân Long_ Ảnh: Tiến Luyến

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh