CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:23

Tan hoang "thủ phủ" gà công nghiệp

 

Gà rớt giá, người dân trắng tay

Ngụp trong thua lỗ, xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) được xem là một trong những nơi nuôi nhiều gà công nghiệp lông trắng ở Hà Nội. Khi chúng tôi đến, câu chuyện thịt gà ngoại giá rẻ, trong đó có gà Mỹ giá chỉ 20.000 đồng/kg, còn râm ran từ đầu làng đến cuối xóm, như một nỗi ám ảnh của người nuôi gà nơi đây. 

Thực tế, từ đầu năm đến nay, bà con chăn nuôi liên tục bị thua lỗ nặng. Vì thế, không ít gia đình trở nên trắng tay, phải bỏ hoang chuồng trại. Chị Trần Thị Triển, thôn Thanh Nê (thôn nuôi gà công nghiệp lớn nhất xã Thanh Bình) nuôi gà hơn chục năm nay. 

Những năm đầu, lứa gà (45 ngày) nào cũng cho từ 50-70 triệu đồng lãi. Tuy nhiên, từ năm 2011, bắt đầu có dấu hiệu thua lỗ, cao điểm nhất là đầu năm 2015. Chỉ tính riêng 2 lứa gà đầu năm nay, chị Triển bị lỗ vài trăm triệu đồng. 

Theo chị Triển, đầu năm nay, trại gà nhà chị có 8.000 con. Giá gà giống lúc vào đàn mua tới 19.000 đồng một con, nhưng khi xuất chuồng chỉ bán với giá chưa đầy 20.000 đồng/kg. Bị thua lỗ, gia đình chị lâm cảnh nợ nần, không có vốn để tiếp tục vào đàn. Từ tháng 4/2015 đến nay, trại gà nhà chị Triển bỏ hoang. Hai vợ chồng phải trở lại làm ruộng và tranh thủ nghề đan lát để kiếm sống. 

Tương tự, trại gà của ông Trần Văn Dân trước đây cũng là một trong những trại chăn nuôi lớn của thôn Thanh Nê. Tuy nhiên, sau nhiều năm thua lỗ, chuồng trại bỏ hoang, gia đình ông phải chuyển sang làm nghề đốt than củi để bán kiếm tiền. Hệ thống chuồng trại lớn của gia đình ông Dân trước đây dùng để chăn nuôi gà nay đã làm kho bãi chứa củi. Dọc con đường làng từ Thanh Nê ra trung tâm xã Thanh Bình, rất nhiều chuồng trại chăn nuôi gà công nghiệp của bà con phải bỏ hoang, vì hầu hết đã mất vốn. Một số hộ gia đình từng nổi tiếng về chăn nuôi nhưng nay chuồng trại của họ bỏ hoang, như: hộ ông Thành, ông Dũng Thêu, ông Hoàn, ông Kiên… 

Những hộ trên rất muốn trở lại nghề và chuyển đổi sang loại hình chăn nuôi khác. Nhưng do mất vốn, muốn vay tiền ngân hàng không biết lấy gì để thế chấp, sổ đỏ của gia đình họ đã cắm để vay trước đây chưa trả hết nợ, nên không thể tiếp tục chăn nuôi. 

Mỗi kg gà, người dân đang chịu lỗ 5.000-6.000 đồng



Nỗi niềm “trùm” nuôi gà 

Chẳng ai ngờ, “thủ phủ” gà công nghiệp Thanh Bình một thời chăn nuôi thịnh vượng như thế mà nay bà con lại phải bỏ nghề. 

Ông Trần Cao Liễu (một trong những người nuôi gà công nghiệp nhiều nhất thôn Thanh Nê một thời) cho biết, từ năm 2003, gia đình ông bắt đầu nghề chăn nuôi gà trắng. Lúc đầu, ông bỏ ra hơn 600 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại 2 sàn, với sức chứa hơn 8.000 con gà mỗi lứa. Mấy năm đầu nuôi gà cho lãi cao, nhưng gần đây liên tục bị thua lỗ, do giá cả trên thị trường tụt dốc. 

Anh Trần Cao Phong, con trai ông Liễu cho hay, năm 2010, gia đình anh thua lỗ hơn 200 triệu đồng; năm 2011 thua lỗ gần 1 tỷ đồng. Do chăn nuôi lỗ liên tục 3-4 năm nên bị mất vốn. Xót xa cảnh chuồng trại của bố mình bỏ hoang, anh Phong cùng vợ xoay xở vay mượn, xin mua chịu con giống để chuyển sang chăn nuôi giống gà lông màu. 

Anh Phong tâm sự, trước đây khi nuôi loại gà trắng, mỗi năm gia đình xuất chuồng ít nhất từ 4 đến 5 lứa, nay chuyển sang nuôi gà màu, mỗi năm chỉ xuất chuồng được 2 lứa. Hiện, gia đình anh liên tục duy trì hơn 3.000 con gà màu.

“Không thua lỗ như nuôi gà công nghiệp trước đây, nhưng mỗi đợt xuất chuồng cũng chỉ lấy công làm lãi. Nhưng thế vẫn còn hơn để chuồng trại bỏ hoang”, anh Phong nói. Thất bại với nghề chăn nuôi gà công nghiệp, gia đình ông Nguyễn Văn Nên chuyển trại gà thành trại nuôi lợn gia công cho Công ty CP Việt Nam. 

Theo ông Nên, từ năm 2003, vợ chồng ông nuôi gà công nghiệp, mỗi năm xuất chuồng 6 lứa gà, và mỗi lứa trên 6.000 con. Lúc đầu, nuôi gà cho thu nhập ổn định, nhưng vài năm gần đây giá cả biến động, gia đình ông đã bị sạt nghiệp vì gà. Quyết không chịu bỏ nghề, gia đình ông đã vay vốn, đầu tư hơn 600 triệu đồng chuyển sang nuôi lợn thịt. 

Được biết, thôn Thanh Nê (xã Thanh Bình) có gần 60 trại chăn nuôi gà công nghiệp, nhưng nay đã trên 80% trong số đó chuyển sang chăn nuôi giống khác như: Gà màu, lợn thịt, số còn lại bỏ trống trại hoặc cho thuê. Chỉ còn rất ít hộ gia đình vẫn duy trì chăn nuôi gà công nghiệp, ví như hộ anh Trần Cao Dũng. Khi chúng tôi đến, anh Dũng đang xuất lứa gà công nghiệp 6.000 con, với giá 25.000 đồng/kg. Một người trong nhà anh Dũng cho biết, bán với giá đó, bị lỗ khoảng 6.000 đồng/kg. 

Trung bình mỗi con nặng 3 kg, vị chi lỗ 18.000 đồng một con gà xuất chuồng. Tính sơ bộ, cả đàn gà bị thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khác với nhiều hộ chăn nuôi trong vùng, dù bị thua lỗ ròng nhưng gia đình anh Dũng vẫn bám đuổi theo nghề chăn nuôi gà công nghiệp, với hy vọng sau này giá cả sẽ tăng cao trở lại.

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh