Tâm thư của giáo sư và quy trình cao su bổ nhiệm cán bộ
- Văn hóa - Giải trí
- 16:25 - 16/08/2016
Một phần bức tâm thư của GS Trịnh Hồng Sơn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế
Tâm thư ấy càng thêm hầm hập, bởi trùng thời điểm công luận xã hội sôi sùng sục với việc bổ nhiệm, luân chuyển quan chức diễn ra ở Bộ Công Thương. Và không khó để người bình thường nhận ra sự khác biệt trong việc bổ nhiệm cán bộ của các cơ quan công quyền hiện nay.
Ngẫm về sự thăng tiến trên con đường “đi xe biển xanh” của ông Trịnh Xuân Thanh, ngắm nghía “một bước lên quan” của ông Vũ Quang Hải, hay sững sờ trước “đại lộ” công danh rải đầy hoa... lá của ông Vũ Đình Duy, mới thấy hoạn lộ gập ghềnh, hơi hơi bất công đối với giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn.
Trong quá trình thực hiện quy trình bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Bộ Y tế tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ chủ chốt Bệnh viện Việt - Đức đối với hai ông Trịnh Hồng Sơn và Trần Bình Giang. Kết quả ông Sơn được 5/9 phiếu tín nhiệm, còn ông Giang được 4/9 phiếu. Mặc dù được quá bán, nhưng ông Sơn vẫn không được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, thay vào đó, cấp trên gợi ý ông đến giữ chức Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị.
Nhiều người cho rằng, ngoài tình cảm với nơi đã tạo bệ phóng cho ông thành công trong chuyên môn và sự nghiệp; Bệnh viện Việt - Đức còn là nơi ông phát huy tối đa khả năng chuyên môn, đặc biệt là ngoại khoa và ghép tạng, việc giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn từ chối chức Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, còn do việc bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Việt -Đức có cái gì đó lấn cấn, khó hiểu. Làm cho ông Sơn, người được cấp trên quy hoạch vào chức vụ ấy, đồng thời có số phiếu quá bán trong cuộc bỏ phiếu của cán bộ chủ chốt bệnh viện không “tâm phục, khẩu phục”!.Vẫn biết bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Việt- Đức, ngoài việc lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ chủ chốt bệnh viện, còn phải thực hiện nhiều cuộc lấy phiếu tín nhiệm và các thủ tục khác.
Lý do tại sao không bổ nhiệm ông Sơn giữ chức Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức chỉ có Lãnh đạo Bộ Y tế và những người có liên quan biết. Chắc Bộ Y tế cũng cân nhắc kỹ càng và có cái lý riêng khi không bổ nhiệm giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn giữ chức Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, mà điều động ông làm Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị. Nhưng nhiều người vẫn cứ ước, giá như ông Sơn được nâng đỡ, cất nhắc như ông Thanh, ông Hải, hay ông Duy bên Bộ Công Thương, thì cái chức Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức chuyện ...quá nhỏ. Không chỉ căn cứ vào học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ,hơn chục năm làm Phó giám đốc Bệnh viện Việt -Đức, mà chỉ xét về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ông được cả ngành Y nước ta thừa nhận, khâm phục và kính nể.
Nói thật dễ mất lòng. Suy diễn như thế có thể vô tình xúc phạm giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn. Nhưng trước vụ việc trên, dư luận có quyền nêu quan điểm, lý lẽ của mình. Như việc ông Sơn có quyền từ chối những chức vụ, công việc không phù hợp, để tập trung làm tốt chuyên môn theo đúng sở trường, sở đoạn.
Phải viết tâm thư từ chối chức vụ, nhiệm vụ cấp trên có thể giao cho mình, một việc những nhà khoa học, như giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn không bao giờ muốn, nhưng cực chẳng đã họ phải lên tiếng. Với nhiều người đó là sự phản kháng, còn với giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn, đó là tiếng lòng sâu thẳm của nhà khoa học chân chính, một thầy thuốc mong muốn làm được nhiều việc tốt cho Nhân dân.
Dẫu sao, chuyện trên vẫn vương vấn bao nỗi xuyến xao. Cùng chung một vòm trời, nơi có người quản lý doanh nghiệp lỗ cả ngàn tỷ đồng, kẻ còn “trẻ người non dạ” cứ thăng tiến vù vù; nơi những người tài đức lại lận đận, trật trầy.