THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:47

Tâm sự của người bị "chặt chém" nhiều như cơm bữa khi du lịch ở Việt Nam

Tôi nghĩ, chúng ta đã mất bao nhiêu khách du lịch, bao nhiêu người không còn muốn quay trở lại khu du lịch đó nữa bởi không muốn biến mình thành một con “gà” cho những kẻ khác vặt lông...

Tôi là một thanh niên hướng ngoại, ngày trước, tôi thích đi du lịch nên hầu hết những địa danh nổi tiếng ở Việt Nam tôi đều muốn đặt chân đến.

Phải nói, ở Việt Nam phong cảnh đẹp đến tuyệt vời. Tuy nhiên, điều tôi sợ nhất ấy là nạn chèo kéo chặt chém vì trải qua bao nhiêu thời gian đi du lịch, nạn chặt chém đã từng đến với tôi như cơm bữa.

Biển Đà Nẵng. Ảnh Internet

Tất nhiên, không có một địa phương nào nạn chặt chém là đặc trưng, nó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng một vài con sâu ấy thôi cũng đủ khiến cho những vị khách như tôi gặp phải không muốn quay lại lần thứ hai.

Tôi nhớ, cách đây khoảng 4 năm tôi đến thăm Hà Nội. Đó là chuyến thăm Hà Nội dài ngày đầu tiên của tôi. Khỏi phải nói, những người đã từng đến thăm Hà Nội đều hiểu, Hà Nội đẹp và cuốn hút đến thế nào. Vì thế, tôi cứ lang thang hết góc phố này đến góc phố khác, hết địa danh này đến địa danh khác. Nhưng rồi, lang thang đến ngày thứ ba thì mọi thứ tốt đẹp về Hà Nội trong tôi như vụn vỡ. Tôi không còn dám tin vào mắt mình, không còn muốn nhận những con người trong cảnh tượng xấu xí kia là người Việt Nam.

Ấy là hôm, tôi đang đi lang thang chụp ảnh thì gặp đôi bạn người Anh. Họ sang Việt Nam du lịch theo dạng tự túc khám phá, vì thế, họ không thuê hướng dẫn viên mà tự mày mò. Lúc đó, tôi đang ngồi uống trà bên cạnh nhà thờ lớn thì thấy họ đi qua. Đang đi thì họ dừng lại trước gánh hàng rong của một chị. Rồi không biết họ đã nói gì nhưng chị bán hàng tươi cười đứng dậy đặt lên vai cô bạn người Anh đôi quang gánh và chiếc nón lá. Trên đôi quang gánh có vài nải chuối và mấy quả dứa rất đẹp. Tôi nhìn mà cứ thấy ấm áp trong lòng vì nghĩ, đến cả những người bán hàng rong ở Hà Nội cũng thật thân thiện và hiếu khách. Nhưng, niềm tự hào của tôi chưa được bao lâu thì cãi vã xảy ra. Người bán hàng rong nằng nặc đòi hai cô bạn người Anh phải trả 500 nghìn cho 2 phút mượn quang gánh để chụp ảnh.

Vị khách kêu đắt thì chị ta sừng cồ lên, thế là, đôi bạn phải móc ví ra. Chưa kịp lấy tiền thì chị hàng rong đã nhanh tay rút tờ 500 nghìn rồi nhanh chóng rời đi chỗ khác.

Nạn chặt chém khách Tây một thời đã khiến nhiều người bức xúc. Ảnh minh họa

Hôm sau tôi quyết định rời Hà Nội sớm hơn dự định vì cảm thấy không ấn tượng nữa. Tôi bắt xe về biển Hải Hậu, Nam Định để hưởng trọn vẹn cái gió của vùng biển hoang sơ.

Lúc tôi xuống xe đã là 1h chiều, vì thế, tôi tìm vội một quán ăn ven đường. Chị chủ quán thấy tôi vào thì tươi cười lắm, giới thiệu cho tôi rất nhiều món ngon ở đây, nhưng tôi từ chối. Tôi chỉ muốn ăn một bát canh chua và một đĩa cơm, thêm vào đó là một đĩa mực tươi xào rau nho nhỏ.

Tuy nhiên, đang định chốt món ăn thì tôi chợt nghĩ ra, có lần, cậu bạn tôi kể, cậu ấy đến vùng biển này, gọi 3 quả dừa, chị bán hàng đòi 50 nghìn/quả nhưng anh ta chê đắt và chỉ trả 15 nghìn, chị chủ quán đồng ý nên cả 3 người yên tâm ngồi uống nước. Đến lúc đứng lên, chị chủ quán đòi thanh toán 250 nghìn.

Mức giá chị đưa ra là: 45 nghìn/3 quả dừa, cộng thêm 180 nghìn tiền chỗ ngồi (60 nghìn/người x 3 người). Anh bạn của tôi định không trả nhưng chị chủ quán gọi thêm 3 nhân viên “bặm trợn” ra nên đành phải móc ví trả tiền trong sự ấm ức bực bội.

Vì thế, rút kinh nghiệm từ bạn, trước khi chốt món ăn tôi cẩn thận hỏi giá nhưng chị xua tay bảo tôi không lo, ở đây dân quê chị bán cho người ta sao thì lấy em vậy.

Vì thế, tôi cứ tin, cứ ăn. Đến lúc cái bụng đã no, tôi đứng dậy thì chị chủ quán lại ra tươi cười “xin 280 nghìn”. Trong đó, tiền bát canh chua là 100 nghìn, đĩa mực nhỏ là 150 nghìn, bát cơm 30 nghìn và tiền phục vụ là 25 nghìn .

Tôi ớ người vì thực sự là món ăn chế biến không hề ngon, và đồ ăn thì rất ít. Tuy nhiên, khi tôi thắc mắc thì mặt chị biến sắc ngay, không tươi cười như trước nữa mà tỏ thái độ thách thức. Vì thế, để yên chuyện, tôi lại ngậm ngùi móc ví ra trả tiền và hứa với lòng mình sẽ không bước chân vào quán này lần thứ 2.

Sau đó, tôi còn gặp thêm nhiều vụ "chặt chém" nữa nên đã chia sẻ trên một diễn đàn. Nhưng nhiều người đã vào động viên tôi, bảo tôi nên hạ hỏa. Rồi họ bắt đầu kể và những vụ chặt chém mà họ từng là nạn nhân nhưng vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay” vì có báo chính chuyền thì hoặc là “sự đã rồi” hoặc là “hàm răng cũng chẳng còn”. Vì thế, tôi tự rút ra kết luận cho mình rằng, ở đâu cũng vậy, ở khu du lịch nào cũng vậy, trước khi đi mình phải tìm hiểu những địa chỉ đen để tránh, và luôn phải thỏa thuận kỹ trước khi mua đồ. Tuy nhiên, đôi khi cũng phải dựa cả vào sự may mắn nữa.

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh