THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:45

Tâm sự của em gái: "Anh trai và chị dâu không xứng làm con bố mẹ" gây bão

Đoạn chia sẻ trên trang NEU Confessions gây chú ý. (Ảnh chụp màn hình)

Đoạn tâm thư được chia sẻ trên trang fanpage NEU Confessions (trang tâm sự của sinh viên trường Kinh tế Quốc dân) và nhanh chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng. Chưa đầy một ngày sau khi được đăng lên, bài viết đã có gần 3500 lượt chia sẻ. Ba thành viên trong gia đình anh trai, chị dâu và em gái đều từng là sinh viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Chuyện trong nhà đem ra ngoài để kể, hơn 5 năm chúng sống là bấy nhiêu lời ra tiếng vào về thái độ của chị dâu. Ban đầu, em gái cũng chỉ nghĩ chị cho qua, nhưng dần dà, mọi chuyện trở thành "tức nước vỡ bờ":

"Anh à, anh không xứng làm con bố mẹ và vợ anh càng không xứng làm con dâu bố mẹ.

Em biết anh và vợ anh rất hay theo dõi confession trường mình, nên em muốn nói vài lời với anh. Đúng vậy, em gọi là vợ anh, chứ không phải là chị dâu, vì em xin nói thẳng chị ta không xứng là chị dâu em và anh có vẻ như không xứng với những nhọc nhằn mấy chục năm qua của bố mẹ.

Ngày anh đưa chị ấy về ra mắt gia đình, bố mẹ đã rất vui vì cuối cùng chàng trai - niềm tự hào của bố mẹ đã tìm được người đồng hành của cuộc đời. Lúc ấy, rất nhiều người thân, cô chú trách anh rằng sao lại lấy Vợ sớm thế, rằng chưa làm gì được cho bố mẹ., rằng nhà mình còn dột, em gái còn ăn học, còn chưa có cái tủ lạnh, bếp ga nên hồn. Nhưng bố mẹ hết lời bênh anh rằng an cư mới lạc nghiệp, rằng không cần gì từ anh, chỉ cần anh có công việc ổn định, sống hạnh phúc là bố mẹ vui. Và rồi em thấy mắt bố mẹ ánh lên niềm hạnh phúc trong đám cưới anh dù phải vay mượn để anh có đám cưới bằng bạn bằng bè, để có quà cưới cho anh chị như bao gia đình khác. Anh K48, Chị K49 vội vã kết hôn khi chị mới ra trường. Một năm sau khi anh chị cưới em cũng trở thành K54 NEU như bố đã kì vọng, và anh chị đã “nỗ lực” tranh giành với bố mẹ cái quyền được nuôi em ăn học. Lúc ấy, em cũng chẳng suy nghĩ nhiều đâu, em chỉ cảm thấy nếu như vậy chắc hẳn bố mẹ sẽ đỡ cực nhọc. Hơn 5 năm anh lấy chị, làm dâu nhà ta, 4 năm em đi học, người thân trong gia đình nói nhiều về thái độ của chị, chính em vài lần cũng chứng kiến. Nhưng cứ có ai phàn nàn với mẹ như vậy mẹ liền gạt đi, bênh chị ngay. Mẹ từng nói với em rằng, con gái đi lấy chồng, xa bố mẹ ruột, rất khổ cực nên phải đối xử tốt, và từ lúc lấy anh, chị là người thân của cả gia đình mình. Em luôn ghi nhớ câu nói của mẹ, và xem những câu nói, những thái độ của chị với gia đình chỉ là sự vô tâm. Nhưng anh à, chị ơi, tức nước thì vỡ bờ, con giun xéo mãi cũng quằn. Nếu như xảy ra chuyện mấy ngày trước mà em không nói gì thì em không phải con người."

Dù đã nhẫn nhịn rất nhiều nhưng em gái vẫn không thể chịu đựng được thái độ sống của anh trai, chị đâu và buộc phải lên tiếng. (Ảnh minh họa)

Người chị dâu trong câu chuyện của cô em gái không biết là vô tư, hay "khinh thường dân nhà quê" mà đôi lúc có thái độ không đúng với cả bố mẹ chồng. 

"Chị có thể vô tư trước mắt mẹ rằng “ Mẹ thì biết gì, Mẹ cổ hủ quá, Sao mẹ vụng về thế…” và hằng loạt các câu nói ngu xuẩn khác, mẹ nhắm mắt như không thấy, em có thể bỏ qua. Về nhà thăm quê, chị ngủ 9h mới dậy, mẹ chuẩn bị bữa sáng cho chị, chị chê ỏng chê eo rằng bánh mì khô, sữa có đường bằng thái độ khinh thường dân nhà quê, em nhịn. Em bị đau tay, không thể rửa bát, chị ngồi vắt chân chữ ngũ để mẹ rửa, mẹ giặt quần áo cho chị, em nhịn. Anh chị về quê chưa bao giờ mua nổi cho bố mẹ một món quà nhỏ, em không có quyền đòi hỏi. Bố đi chùa, lấy cho chị cái bùa bình an, bố vừa quay đi chị nhét sọt rác, em giả như không thấy. Chị với anh nói chuyện, chị nói về bố mẹ một cách láo xược, vô văn hóa, anh cười miễn cưỡng, em xem như không nghe thấy. Lễ tết về quê gặp người lớn, câu chào chị cũng quên cũng miễn cưỡng, dọn nhà, chợ búa, bếp núc một tay em và mẹ làm. Chị vẫn cứ vắt chân lên xem truyền hình, vì anh, em nhịn. Chị sinh cu Tun, mẹ lên chăm, chị nhiều lần gắt gỏng mẹ thế này thế nọ, mẹ khóc với em bao nhiêu lần, mà cứ nhắc em không được nói với anh, em vẫn nhịn. Anh chị mua chung cư, về nói bố mẹ bán nửa mảnh đất tổ tiên để mua căn hộ to hơn, em không có quyền can thiệp. Anh chị cho em 1 tháng 1 triệu dù cho lương tháng của anh trai em mấy nghìn đô, dù cho chị mua những đôi giày, cái váy vài triệu, em vẫn nói với mẹ là anh chị cho con nhiều lắm, không thiếu thốn gì… Và hàng loạt các chuyện vui đến nực cười."

"Anh trai không xứng làm con bố mẹ, vợ anh không xứng làm con dâu bố mẹ" là tâm sự đau lòng của người em gái. (Ảnh minh họa)

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, rồi một ngày mọi chuyện cũng đi đến giới hạn khiến cô em gái không thể nhẫn nhịn thêm:

"Nhưng rồi chuyện hôm trước xảy ra, em không nhịn được nữa. Anh chị to tiếng một chút khi về quê, bố mẹ can ngăn, chị nhảy lên đẩy mẹ, chửi bố mẹ bằng những từ tục tĩu nhất, những từ ngữ lăng nhục mà em cả đời cũng không thể quên. Tại sao một người có ăn có học đàng hoàng như chị lại phát ngôn ra những câu ấy. Chị chửi bố mẹ, chửi gia đình mình, nói rằng bố mẹ và em không có quyền lên tiếng vì anh chị nuôi em ăn học hết bao nhiêu tiền, rằng gia đình em khi cưới không mua nhà mua xe như bao gia đình khác cho anh chị. Vậy chị biết không, cái căn nhà gần 2 tỷ của anh chị bây giờ có gần 1 nửa là tiền bố mẹ bán đất ông nội để lại, và rồi lương tháng của chị có đủ cho 1 đôi giày của chị không? Nếu chị muốn nhà cao cửa đẹp, nhà giàu sang sao chị lại lấy anh em. Vì yêu ư, làm sao em tin hả chị? Em cũng yêu rồi, nhưng yêu anh ấy em còn học cách yêu cả gia đình, quý trọng những gì anh ấy quý trọng chứ không như chị. Em đã chuyển hơn 70 triệu, số tiền mà anh chị cho em 4 năm qua vào tài khoản chung của anh chị, và chi tiết những lần anh chị chuyển tiền cho em, có cả ngày tháng rất cụ thể. Nực cười làm sao, sao chị có thể nghĩ rằng với hơn 70 triệu ấy, có thể học 4 năm đại học. Xin nói rõ với các người rằng, từ kì 2 năm nhất tôi đã không thèm tiêu 1 xu, 1 hào nào của anh chị. Dù cho có phải đi làm nhiều việc, dạy thêm cả tuần tôi cũng không cần mấy hào lẻ ấy. Chị à, chị kiểm tra tài khoản đi, chắc chị vui lắm nhỉ, vì có tiền mà, con người chị, sống với tiền chắc là vui lắm. Còn về phần bố mẹ, tôi sẽ hỏi “tất cả những lần” anh chị gửi quà cho bố mẹ và hạch toán với chị sớm nhất. Còn chị, một lần nữa tôi muốn nói, chị không phải chị dâu tôi và không phải con dâu của bố mẹ tôi."

Anh chị ở nhà cao cửa rộng, còn bố mẹ vẫn ở nhà dột. (Ảnh minh họa)

Chị dâu đã vậy, người khiến cô gái phải thất vọng hơn cả chính là anh trai ruột của mình.

"Còn anh trai à, tôi thật sự không biết nói gì với anh nữa.

Anh biết không, từ bé anh luôn là cái bóng của tôi, dù có nỗ lực bao nhiêu tôi vẫn không là gì với anh trước mặt bố mẹ. Trừ thành tích học tập, tôi không thể so sánh với anh bất cứ một điều gì. Bố mẹ tự hào về anh, chiều anh như chiều vong. Nuôi anh học ĐH, bố mẹ nhọc nhằn như thế nào, chắc anh không biết đâu. Rằng những lần anh nộp học phí cho cái chương trình học đắt đỏ mà anh chọn, những lần anh học các khóa IELTS là những lần nhà mình quặn quẹo vay mượn.. Người bố gần 60 vẫn đi phụ hồ cả tháng bất kể nắng mưa, mẹ đi giúp việc ban ngày, rồi buổi tối bố mẹ lại đeo đèn cặm cụi phun thuốc sâu thuê cho người ta. Ấy vậy mà vẫn không đủ cho cái chương trình học đắt đỏ quái quỷ của anh, không đủ cho cái chi phí ăn tiêu vô bờ bến của chàng quý tử đã có ny. Bố mẹ mệt cũng không dám nghỉ, cơm ba bữa của nhà ta chỉ có rau và nước mắm anh biết không? Anh sẽ không bao giờ biết, vì cái loại như anh chỉ biết học, chỉ biết yêu và tiêu tiền. Bây giờ đây,tóc bố mẹ đã bạc như thế nào, nhà mình vẫn dột, vẫn mặc áo mưa trong nhà, anh làm sao biết được chứ. Anh chỉ biết nghe lời vợ, anh chỉ biết cắm đầu vào công việc. Mẹ buồn về con dâu hỗn láo, anh vờ như không biết. Bố mẹ gặt mùa, đau ốm lúc nào anh không biết. Bố mẹ vẫn làm thuê như thời anh học đại học , cố gắng dành dụm lúc về già để không phải nhờ anh, anh càng không biết. Ha ha. Anh trai à, anh sống trên đời để làm gì vậy. Tôi xin phép anh là việc phụng dưỡng bố mẹ sau này để tôi được nhận. Dù có không lấy chồng, dù có phải vất vả như thế nào tôi cũng sẽ không để bố mẹ vất vả và rơi thêm giọt nước mắt nào nữa. Kể từ giây phút này, anh không phải anh trai tôi, dù bố mẹ có tha thứ cho anh chị nhưng tôi, không bao giờ.

Tôi nhìn anh và vợ anh 5 năm rồi, tôi đã từng nghĩ thôi thì cứ im lặng rồi êm ấm, nhưng vợ anh quá quá đáng, còn anh đồ ích kỉ . Anh không xứng làm con bố mẹ đâu, tôi nói thật đấy. Anh không xứng với những yêu thương mà bố mẹ cho anh, càng không xứng làm anh trai tôi. Hai anh chị yêu nhau, lấy nhau là quá hợp rồi, nồi nào vung nấy, ngưu tầm ngưu mà mã tầm mã. Ngu xuẩn và xấu xa như nhau."

Kết lại bức tâm thư gửi anh trai, chị dâu "ngu xuẩn và xấu xa", cô gái nhắn gửi: "Còn các bạn con trai à, xin các bạn trước khi lấy vợ, làm ơn mở mắt to ra, nhìn rõ ràng vào nhé. Đừng làm gia đình các bạn tan nát, đến nhìn nhau cũng khó chỉ vì một người không đáng. Đừng làm cho bố mẹ bạn, những người yêu bạn nhất cả cuộc đời này rơi thêm bất kì giọt nước mắt nào, đau khổ nữa. Các bạn đã hưởng bao nhiêu yêu thương từ bố mẹ, các bạn biết không?"

Dưới bài viết tâm sự này là vô vàn những ý kiến trao đổi, tranh luận khác nhau. Phần lớn mọi người đều chỉ trích thái độ hỗn láo của cô chị dâu và cách ứng xử không có hiếu của người anh trai. Hiện câu chuyện vẫn được cộng đồng mạng xôn xao bàn tán và chia sẻ dù danh tính của nhân vật trong chuyện vẫn chưa lộ diện. Thực hư câu chuyện trên NEU Confessions đến đâu thì chưa ai biết nhưng đó cũng là một lời nhắc nhở dành cho nhiều người về thái độ ứng xử và chữ hiếu của con cái trong gia đình.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh