THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:51

Tâm lý sinh viên ổn định sau dập “dịch” kiến ba khoang

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis 

Theo  bà Phùng Thị Hương Lan - P.GĐ Ký túc xá Đại Học Quốc Gia cho biết, do cơ thể của kiến ba khoang có chất độc và vi khuẩn cộng sinh, vì vậy khi tiếp xúc với loài này dễ dẫn đến viêm da, thối thịt giống như bị tạt axít. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên hoang mang, lo lắng do ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe và thẩm mỹ.

Bà Phùng Thị Hương Lan - P.GĐ Ký túc xá Đại Học Quốc Gia thông báo về tình hình "dịch" kiến ba khoang.

Cũng theo bà Lan, việc kiến ba khoang hoành hành đã được lãnh đạo Ký túc xá báo cáo trực tiếp cho Ban giám đốc Đại Học Quốc gia TP.HCM.

Cuối tuần qua, lãnh đạo Đại học Quốc gia đã phối hợp với Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Y tế Dự phòng Quận Thủ Đức  và các cơ quan chức năng đến  Ký túc xá khảo sát và tìm hiểu nguyên nhân. Sắp tới, Ban giám đốc ĐHQG sẽ chỉ đạo các trường, khoa xem xét nghiên cứu, xây dựng đề tài khoa học nhằm hạn chế tối đa tác động của kiến ba khoang đối với sinh viên cũng như CBCNV trong khu vực.

Được biết, tối 3/10, Ký túc xá đã phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng Quận Thủ Đức phun thuốc trên diện rộng, vì vậy tình hình kiến ba khoang tạm thời không còn xuất hiện ở các phòng. Tuy nhiên, do diện tích của Ký túc xá quá rộng, lại nhiều cây cối nên việc tận diệt là điều chưa thể khẳng định.

Nhân viên y tế tổ chức phun thuốc dập "dịch" kiến ba khoang tại Ký túc xá.

Bác sĩ  Nguyễn Thị Trọng - Trưởng Trạm Y tế của Ký túc xá thông báo: “ Tính đến thời điểm sáng nay, chưa có ca mới nhập viện do liên quan đến kiếng ba khoang. Riêng các trường hợp nhiễm cũ vẫn được phát thuốc điều trị và đang có dấu hiệu phục hồi”.

Bác sĩ  Nguyễn Thị Trọng - Trưởng Trạm Y tế của Ký túc xá trao đổi với phóng viên Baodansinh.vn

Trao đổi về tình trạng viêm da, sinh viên Nguyễn Thị Thanh Hiền (Phòng AG4 910) chia sẻ: “ Cách đây hơn 1 tuần em bị viêm da do tiếp xúc với kiếng ba khoang trong phòng. Lúc đầu có cảm giác bỏng rát, sau đó xuất hiện những vệt đỏ như bị cào cấu trên tay, qua ngày sau thì xuất hiện những vết mưng mủ rồi chảy nước vàng. Sau khi bôi thuốc do trạm y tế cung cấp, vết thương giảm dần và có dấu hiệu kéo da non. Từ đêm phun thuốc đến sáng nay, ở dãy phòng em chưa thấy xuất hiện ca viêm da nào mới”.

Sau một tuần tiếp xúc với kiến ba khoang, vết viêm da trên tay của SV Nguyễn Thị Thanh Hiền vẫn còn rõ nét.

“Hiện nay tình hình thời tiết vẫn đang xu hướng tiếp tục mưa nhiều, vì vậy lãnh đạo Ký túc xá vẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua việc phát tờ rơi, loa truyền thanh, video clip…giúp nâng cao ý thức cho các em sinh viên trong việc phòng chống kiến ba khoang ”, P.GĐ Ký túc xá - Bà Phùng Thị Hương Lan cho biết.

Theo các chuyên gia, kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis với 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh, cơ thể đôi khi màu cam tối màu hoặc sậm màu, phần đầu màu đen, đính kèm đôi cánh cứng. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa Pederin, có độc tính gấp 12 - 15 lần nọc rắn hổ mang. Tuy nhiên, với lượng tiếp xúc nhỏ và ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn mà gây lở loét viêm da.

Ông Hoàng Thế Hùng - Phó Khoa kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Dự phòng Quận Thủ Đức khuyến cáo: “ Để kiểm soát tốt tác hại của kiến ba khoang, trước hết mọi người phải nhận diện được chúng. Nếu lỡ bị kiến bám trên cơ thể, không nên giết bởi chất dịch trong cơ thể kiến khi tiếp xúc với da sẽ gây sưng rộp. Bênh cạnh đó, nên thắp sáng đèn ngoài trời, để hạn chế kiến bay vào nhà. Ngoài ra, phải phát quang bụi rậm hạn chế tối đa quá trình sinh trưởng và làm tổ của kiến…”

Như báo Baodansinh.vn đã đưa tin trước đó, hiện tượng kiến ba khoang tấn công 1000 phòng ở của Ký túc xá Đại học Quốc Gia TP.HCM khiến cho 1000 em sinh viên phải nhập viện điều trị, gây tâm lý hoang mang trong toàn khu vực.

Đào Hùng/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh