THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:07

Một tấm lòng nặng sâu với biển đảo và người lính

 

Ở tập thơ này, hình ảnh những anh nuôi, chiến sỹ Trường Sa, chiến sỹ đặc công... hiện lên với nhiều cung bậc. Có những câu thơ không dễ thuộc nhưng tự nhiên ghim sâu vào trí nghĩ bởi sự mộc mạc, mênh mang mà thẳm sâu. Từng câu chữ đã lột tả được nỗi gian truân, vất vả, tự hào của những người lính với tuổi thanh xuân vạm vỡ biểu hiện tình yêu Tổ quốc, biển đảo và biên giới bằng những hành động, việc làm cụ thể.

“Con đường không số hiệu/ Được định danh bằng những tên người/ Có ai đó chỉ còn tập hồ sơ giấy ở lại/ Thay cho da thịt đã hòa tan”... (Thư Phan Vinh). Dẫu một con đường hay nhiều hơn những con đường không đánh số nhưng lắng sâu những xúc cảm trong tâm tưởng của người đọc là sự hằn in bao mất mát, hy sinh và dâng hiến của những người lính. Bởi, “Không thể nào, không khi nào đánh số/ Ở khắp nơi tình yêu biển/Những tình yêu như thư ngày thường/Vẫn viết lên bầu trời không ngưng nghỉ.... (Thư Phan Vinh).

 

        Tập thơ “Cột mốc trong người” của Nguyễn Quang Hưng bên hình ảnh Đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa 

 

Trách nhiệm công dân, trách nhiệm với đất nước luôn đặt ở vị trí cao nhất, thiêng liêng nhất để người lính luôn nhắn nhủ đến người thân những lời như rút từ đáy sâu gan ruột của mình. Nhà thơ như đã nói hộ được tâm tình người lính, khi “Con không về vá lại mái nhà/ Con ở lại vòm xanh hóa mưa gọi cây mọc/ Con trong cát đội bờ trên vai đá/ Bơi cùng biển xanh đang gầm lên tiếng ca/ Con lặn vào ánh mắt những người ra khơi xa/ Lưng dựa lưng bấm chân trên đảo thép/ Mẹ nhớ con hãy ôm những bờ vai gân guốc/ Để thấy con trong sóng mắt mở không ngừng” - Mắt sóng Trường Sa.

Niềm tự hào như quấn quyện cùng khát vọng giữ đảo, dẫu phải hy sinh. Vậy nên, đảo cũng có linh hồn, linh hồn trong tâm tưởng, trong trái tim mỗi người. Đó là những linh hồn quả cảm, anh dũng ngã xuống vì Tốc quốc. “Linh hồn hòa đảo lớn/ Hiện vào mây khổng lồ... Người sau ai qua đó/ Nhớ gửi hoa nguyện cầu/ Như bàn tay xoa nhẹ/ Dịu dàng trên mái đầu...” (Đảo có linh hồn). Cùng với những người canh đảo, giữ đảo những chiến sĩ lái tàu như một sợi dây liên kết nối đất liền với đảo, mỗi chuyến tàu là “Chở yêu thương nối những đầu điểm tựa/Tàu nhấp nhô nhấp nhô thời gian/ Người lái tàu mang giấc mơ/ Đi qua những vùng trời biết hát.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng

 

Cuộn sâu vào khát vọng bảo vệ biên cương, biển đảo của những người lính còn là hình ảnh những người anh, người em, hình ảnh quê hương với những xóm nhỏ. Bao điều thân thuộc chất chứa yêu thương, gần gũi và tự hào ấy như tiếp thêm sức mạnh, sưởi ấm lòng chiến sỹ trong những đêm đứng gác. “Trong anh, tôi có người anh tôi/ Trong anh, tôi có người em tôi/ Trong anh, tôi gặp hàng cây những làng xa/ Trong anh, tôi thấy ngôi nhà mình/ Thấp thoáng xanh lửa đèn xóm nhỏ...” - Vọng gác. Niềm tự hào, tình yêu Tổ quốc như chảy trong mạch đập của huyết quản từ thế hệ này đến thế hệ khác để trên những con đường hành quân có khi cùng hằn lưu dấu chân của cả con và cha. Thế hệ trước chính là điểm tự cho thế hệ sau. “Những đường hành quân từ sớm qua chiều/ Từ buổi tóc xanh sang thời trai trẻ/ Từng khẩu đội đi thành lữ đoàn/ Những đường chung cả cha và con/ Cả nhà mình đang nhìn ra khơi/ Trên đất nâng cánh đảo xanh ngời”- Điểm tựa.

Đi vào mỗi trận tuyến, thực thi mỗi nhiệm vụ, những người lính còn sáng tạo nên những thế trận dũng mãnh, uyển chuyển biểu thị cho trí tuệ và lòng kiên cường của quân đội nhân dân Việt Nam. Những kiên cường ấy còn hiện diện trong nhịp sống đời thường. “Tôi gọi anh bằng những hôm qua/ Xuôi sông nước xiết đánh tàu/ Luồn sóng ngầm phá hạm/ Gọi anh bằng hàm răng cá sấu/ Bằng đỉa, kiến, vắt, muỗi/ Lót đường anh bùng cháy kho xăng/ Gọi anh bằng góc đường phố đông/ Bằng nước da nhợt tái những chân cầu/ Bộc phá chưa nổ người như phát nổ...” - Đặc công 2.

Dòng chảy của tình yêu Tốc quốc, niềm tự hào dân tộc luôn hiện hữu trong mỗi công dân. Chính vậy nên: “Đường chủ quyền đâu chỉ dọc biên giới/ Mỗi chúng ta mang cột mốc trong người” - Nhận tin bão xa. Viết về người lính, về biển đảo với Nguyễn Quang Hưng không chỉ là xúc cảm thẩm mỹ, xúc cảm tự hào, xúc cảm nhân văn mà đó còn là trách nhiệm công dân. Trước tập thơ “Cột mốc trong người”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đã xuất bản nhiều tác phẩm ấn tượng như; Vườn ánh sáng (NXB Hội Nhà văn); Mùa vu lan (NXB Hội Nhà văn); Nước non mặt biển (NXB Lao động); Năm tháng mặt người (NXB Phụ nữ)... Hiện nhà thơ Nguyễn Quang Hưng là Phó Ban Thời nay (Ấn phẩm của báo Nhân Dân). 

HÀ VĂN ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh