THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:19

Tấm lòng cao cả của một gia đình nghèo

 

Làm thuê nuôi người dưng

Theo con đường nhỏ hẹp, gồ ghề đá sỏi, chúng tôi tìm đến gia đình vợ chồng anh Hà Tư Phước. Đập vào mắt chúng tôi là căn nhà nhỏ cũ kỹ, ọp hẹp nằm khuất  trong vườn cà phê, nhìn vào trong không có gì đáng giá ngoài chiếc bàn uống nước, chiếc giường để ngủ, vài cái nồi cỡ to. Dẫu điều kiện kinh tế còn eo hẹp nhưng hơn chục năm nay, vợ chồng anh chị Phước lại “bồng bế” thêm hơn 70 người mắc chứng bệnh tâm thần, bị chất độc da cam. Trong khi,  thu nhập  của cả gia đình chỉ chông chờ vào 5 sào cà phê và số tiền ít ỏi anh Phước đi chở  hàng thuê.

 

        Chị Hạc chăm sóc người điên

 

Theo lời kể của anh Phước công việc nuôi người điên, người cơ nhỡ bắt đầu từ 14 (năm 2003) năm về trước khi anh thấy không thể ngủ được ngon giấc trước cảnh một ông già cứ quằn quại bên lề đường.  Và từ đó cái nghiệp với người điên được gắn liền với vợ chồng anh chị cho tới nay. Mỗi lần đi chở hàng thuê, thấy ai lang thang ngoài đường anh Phước lại “nhặt” về cưu mang. Điều kì lạ, từ những kẻ với cặp mắt ngờ nghệch, lúc khóc, lúc cười, khi la hét, thậm chí còn dùng vũ khí tấn công bất kỳ ai đến gần, giờ đây, những con người như thú hoang ấy đã trở nên hiền lành như bao người bình thường. Họ biết tắm, giặt, biết đánh đàn ca hát.

Nhớ lại những buổi đầu đưa người điên về nhà sống, anh Phước tâm sự: “Nhìn những khuôn mặt ngờ nghệch lang thang ngoài đường, thấy mà tội, không đành lòng để họ bơ vơ. Có khoai ăn khoai, có sắn ăn sắn, không biết sống được bao lâu nhưng được giúp họ đến đâu thì cố gắng giúp đến đó vậy”.

Bằng tình thương mà vợ chồng anh đã tình nguyện nuôi dưỡng biết bao người bị tâm thần, giúp cho không ít người được hòa nhập với cộng đồng. Câu chuyện vợ chồng anh Phước nuôi người bị bệnh tâm thần và da cam đã trở thành một câu chuyện cổ tích thời hiện đại được lan ra khắp vùng. Biết tin, nhiều gia đình người mắc bệnh tâm thần còn tìm đến và nhờ vợ chồng anh nuôi dưỡng. Số lượng người điên được vợ chồng anh Phước “gom góp” về cũng vì thế mà mỗi lúc một tăng.

Những số phận được anh Phước cưu mang đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số, lang thang không nơi nương tựa, có số ít được người thân mang đến nhờ anh nuôi dưỡng nhưng không một lần quay lại. Vì thế, bánh xe lăn của anh Phước dường như dầy đặc hơn chở hàng thuê kiếm tiền lo từng bữa ăn cho từng đó con người. Nhìn chồng ngày nào cũng sáng đi, đêm về, chị Hạc cũng mủi lòng thương cảm. Chỉ bảo: "Chẳng biết làm gì để giúp chồng, tôi chỉ ngày bữa lo cơm nước cho họ. Nhiều lúc nói đến lại lo, trước đây chỉ có mười mấy người,  chúng tôi còn đang phải chật vật. Giờ, không biết rồi chồng tôi sẽ xoay sở như thế nào”. Theo như chị Hạc cho biết  để cho hơn 70 người điên và nhiễm chất độc da cam ăn thì mỗi ngày mất 30 kg/gạo, 59 gói mì tôm, tiền mua thức ăn 500 nghìn/ngày. Chính vì vậy, vấn đề cơm áo, gạo tiền lại đè lên đôi vai gầy của cặp vợ chồng nghèo này ngày một nặng hơn nhưng họ tuyệt nhiên không một lời than thở.

Chia sẻ, cưu mang là hạnh phúc

 

                 Những số phận bất hạnh tìm được sự ấm áp

 

Cuối hè, cơn bất đổ ập, dai dẳng mãi không thôi, phóng cái nhìn ra phố thị, ông Phước trầm tư: “Mình còn sức khỏe thì quyết cưu mang những người bất hạnh này đến cùng. Cũng phận người cả mà. Nhất là những người đồng bào dân tộc thiểu số”. Dù khó khăn, nhưng vợ chồng anh vẫn vay mượn, mua chịu vật liệu để xây dựng 2 ngôi nhà trên 200m2 ở vườn cà phê. Dù không đầy đủ giường chiếu cho tất cả hơn 70 người nhưng từng viên gạch chứa đựng biết bao tình cảm anh chị dành cho họ. Có lẽ thế, ai đến đây cũng thấy không khí thật ấm áp.

Đáng mừng nhất là 18 người ban đầu đã cơ bản khỏi bệnh, được gia đình đón về.  Những mảnh đời bất hạnh ở gia đình anh Phước, có số ít người nhớ mình tên gì, quê quán ở đâu, còn đa phần không nhớ mình là ai, từ đâu đến. Nhưng tất cả đều xem đây là nhà chung, xem vợ chồng anh Phước như cha mẹ.

Trường hợp của Nguyễn Quang Vinh (sinh năm 1987), ở Ấp Nhất, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là một lát cắt kỳ diệu. Vinh mắc bệnh lúc 19 tuổi, có lần lên cơn cậu bỏ nhà đi lang thang dài ngày, nhiều lần quậy phá khiến gia đình hoảng sợ và được đưa đến bệnh viện tâm thần. Đến năm 2009, cậu được gia đình đón về, nhưng bệnh lại tái phát trở lại. Năm 2011 nghe tin ở Gia Lai có người nhận nuôi người điên nên gia đình Vinh đưa cậu đến điều trị. Sau gần hai năm điều trị bệnh Vinh đã thuyên giảm nhiều và có thể tự tắm rửa, làm một số việc vặt.  Đặc biệt hơn nữa là trường hợp của Đinh Re, người Jrai ở làng KBe, xã Hơ Moong (Sa Thầy, Kon Tum). Năm 2009, được gia đình đem đến nhờ anh Phước nuôi giúp. Theo như anh Phước cho biết; Do nhậu say, đua xe nên hậu quả cậu bị chấn thương não dẫn đến tâm thần và không nhớ được gì. Sau 3 năm được vợ chồng anh chị chăm sóc và nuôi dưỡng, hình ảnh người vợ và con chập chờn xuất hiện trong trí nhớ của Re. Từ đó anh dần dần bình phục.

Theo UBND xã Chư Prông, chính quyền địa phương rất khâm phục trước tấm lòng và tình yêu thương dành cho người bị tâm thần của vợ chồng ông Phước. Hiện tại, hoàn cảnh gia đình anh Phước cũng có nhiều khó khăn, xã cũng đang có những chính sách đề nghị lên cấp trên để hỗ trợ phần nào cho gia đình anh”. 

HƯNG-NHÀI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh