THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:06

Người phụ nữ suốt đời làm việc thiện

 

Mê giúp người nghèo hơn mê làm cán bộ

 Hình ảnh bà Lan sớm tối đi giúp người nghèo đã quá quen thuộc với những người dân ở phường Phù Đồng. Quen thuộc như việc thường ngày nó phải diễn ra như vậy. Trần Nam, hàng xóm bà Lan bảo: “Bốn mươi năm rồi, chị ấy chỉ chăm lo mỗi việc làm từ thiện bằng tất cả khả năng của mình có nên ở Pleiku này ai mà chả biết. Người ta vẫn gọi chị ấy bằng cái tên thân mật khác là “chị Lan từ thiện” đấy”. Cứ lặng lẽ miệt mài làm vậy thôi. Căn phòng trọ chị ấy thuê chẳng mấy khi có người ở nhà cả đâu”.

Cơn mưa phố núi đổ xuống bất chợt, lần thứ hai chúng tôi ghé nhà bà nhưng cũng chẳng trò chuyện được lâu. Mái tóc xõa xuống gương mặt nhân hậu. Dáng vẻ của bà gợi tôi nhớ đến những người phụ nữ ở những vùng quê xưa; lam lũ, cam chịu, tần tảo. Nhắc về tuổi thơ, bà kể: “Tôi sinh ra ở thôn Cát Tường (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định). Cái thôn quê đó nghèo đến xơ xác. Tuổi thơ tôi trôi qua cùng với sự đọng lại của nỗi buồn dài dằng dặc về hình ảnh lam lũ của những người nghèo ở quê. Họ thiệt và thiếu đủ điều. Nếu không có khát vọng học thì khó mà chuyển biến được cảnh nghèo”.

Nhà đông anh em, bà Lan nuôi khát vọng vào học trường y. Giấc mơ của bà cuối cùng cũng thành hiện thực. Bà bảo: “nhận giấy báo vào trường y học, điều tôi nghĩ đến đầu tiên là sẽ chữa bệnh được cho nhiều người nghèo. Cũng chả biết tại sao lúc đó lại có ý nghĩ đó”.

Học xong bà Lan nhận quyết định về công tác ở Bệnh viên Đa khoa tỉnh Gia Lai. Thân gái dặm trường, bôn ba nơi đất khách, bà Lan thuê một gác trọ nhỏ, tất cả tiền lương tiết kiệm được bà đều mang đến cho người nghèo. Dần dần sở thích làm việc thiện như ngấm vào máu thịt của bà lúc nào không hay, tới nỗi quên cả hạnh phúc riêng tư.

Ông Trần Văn Sỹ, một đồng nghiệp cũ của bà Lan cho biết: “Hồi đó bà Lan rất xinh đẹp và thông minh nhưng cứ xong việc ở bệnh viện là Lan lại về với người nghèo và trẻ mồ côi. Có nhiều người theo đuổi mãi, thấy nản rồi cũng bỏ cuộc. Tuy nhiên trong bệnh viên ai cũng quý Lan vì đức tính này”.

Chuyên môn vững vàng, không ít lần bà Lan được bệnh viện tạo điều kiện đi học nâng cao để về làm cán bộ quản lý nhưng bà cũng chẳng tha thiết. “Không phải bây giờ đi qua nửa đời người tôi mới thấy những sự ganh đua chẳng nghĩa lý gì mà ngay từ ngày đó tôi cũng thấy làm nhân viên bình thường, giúp được nhiều người có ích hơn. Hạnh phúc mênh mông lắm, với tôi cái giản dị đó lại là hạnh phúc đấy”. Năm 1990 và 1995 lại có hai cơ hội tiếp tục đến với bà Lan nhưng bà đều từ chối nhận vì nếu nhận bà sẽ không còn thời gian để đi làm từ thiện nữa.

 

 

Tìm mọi cách kiếm tiền nuôi... người dưng 

 Mải miết làm việc thiện, bước qua tuổi 30, bà Lan vẫn đơn chiếc một mình và ở trong gác trọ nhỏ. Bà Nguyễn Thị Thà, một người dân ở tổ 17 băn khoăn: “Có nhiều người lắm, bác sỹ có, kỹ sư có, đến chinh phục chị Lan nhưng dường như chị ấy không tiếp nhận ai cả. Với lại cũng không mấy khi có nhà, có người đến nhiều lần mất công rồi thôi không đến nữa. Sang tuổi 30, ai cũng ái ngại và khuyên chị lấy chồng nhưng chị vẫn dửng dưng như không có chuyện gì. Có người còn nhiệt tình giúp chị, mai mối cho chị nhưng chị đều chối từ vì sợ người ta không hợp với mình”.

Không phải bà Lan một mực chối từ hạnh phúc riêng tư với tất cả, cũng đã không ít lần bà nghĩ đến một gia đình êm ấm. Nhưng lịch trình của bà; ngày đến bệnh viện, tối đi làm từ thiện đến khuya. Thứ 7, chủ nhật lại thường xuyên đến các trại trẻ mồ côi, trung tâm dưỡng lão để bầu bạn, chăm sóc họ nên những người đàn ông đến với bà đều lần lượt rút lui. Cũng có lúc bà nghĩ đến chuyện cần phải thay đổi nhưng dự định cũng chỉ là dự định. Bà tâm sự rằng: “Cũng dễ hiểu khi nhiều người không cảm thông được với tôi. Nếu tôi là đàn ông thì tôi cũng là như họ. Nhưng mà, thấy người khác quá khốn khó mà mình không giúp được gì, áy náy lắm”.

Thời gian trôi nhanh như nước chảy, chẳng mấy chốc bà Lan bước qua tuổi 40, bà quyết ở vậy để làm việc thiện. Lúc này cái khát vọng giúp người dưng trong bà lại trỗi dậy mạnh hơn. Ngoài làm ở bệnh viện bà còn làm thêm ở ngoài để kiếm tiền. “Thôi thì xem những người mình giúp đỡ đó là hạnh phúc là người thân của mình vậy”. Cứ nghe tin có bệnh nhân là người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhập viện ở bệnh viện đa khoa Gia Lai bà Lan lại tức tốc đi mua quà, mua cháo đến cùng gia đình chăm sóc bệnh nhân. Suốt hơn 30 năm, không nhớ bà đã tận tay đút cháo cho bao nhiêu bệnh nhân nghèo khi vào điều trị trong bệnh viện. Khi ra viện, không ít thì nhiều, bà cũng gửi tặng cho bệnh nhân chút ít đường, sữa. Bà YB’Han - người từng được bà Lan chăn sóc tận tình và cho đường, sữa, thuốc bổ xúc động kể rằng: “chẳng ruột già gì mà chị ấy giúp đỡ tận tình quá. Không có thì không biết đến bao giờ mới khỏe lại được. Xuất viện rồi mà thỉnh thoảng chị ấy còn ghé thăm nữa đấy”.

          Khi chuẩn bị nghị hưu, bàn chân cũng đã thấm mỏi, bà Lan không còn đi làm thêm xa được nữa mà vào chùa Bảo Sơn làm công quả tại đó. Đồng thời chăm sóc cho các sư rồi tiếp tục xin các nhà hảo tâm quyên góp thêm tiền để bà có thể lo cơm, cháo cho hàng trăm bệnh nhận nghèo trong bệnh viện Gia Lai. Có lần bà đi vận động khắp nơi khi nghe tin bệnh viện Gia Lai tiếp nhận mấy bệnh nhân có hoàn cảnh bi đát. Có những trường hợp người nhà ở xa không đến chăm sóc được, bà Lan túc trực suốt đêm trong bệnh viện để chăm sóc người dưng. Cuộc đời ở trọ mãi cũng nhiêu khê và muốn được về ở gần chùa cho tiện công việc nấu cháo cho bệnh nhân nên năm 2011 sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, được sự đồng ý của chùa Bảo Sơn, bà Lan dựng một gian nhỏ ngay trong khuôn viên chùa. 

 

           Phương pháp trị bệnh đặc biệt 

 

 

Gần 30 năm trong ngành y, bà Lan rút ra kinh nghiệm trị bệnh hữu hiệu nhất là kết hợp giữa thuốc thang và tâm lý. Có đợt cao điểm như cuối năm 2010, dịch cúm bùng phát, có lúc 30 người nghèo nhập viện, bà Lan hì hục suốt đêm lo mua gạo và thức ăn nấu cơm, cháo cho bệnh nhân. Chị Lương Thị Lệ quê ở Quảng Ngãi nhưng lên Pleiku mưu sinh, là người thường xuyên được bà Lan đến chăm sóc những lúc ốm đau. Lệ xúc động cho biết: “Mình chỉ biết nói cảm ơn cô Lan thôi, sống xa nhà nên những lúc ốm đau không có tiền mua thuốc, khi biết chuyện, cô đến tận nhà truyền nước, rồi mua thuốc nhưng không lấy một đồng. Càng thấy cảm phục hơn khi có tuổi mà vẫn một mình miệt mài làm từ thiện”. Có tháng lương, vừa nhận xong, bà Lan tặng cả cho trẻ em bị chất độc da cam.

Ngày nào cũng vậy, ngày thì làm việc công quả và vận động từ thiện, đêm thì hì hục nấu đồ ăn, sáng sớm ngày mai thì tay xách nách mang mang lỉnh kỉnh các cặp lồng cháo dinh dưỡng vào viện cho các bệnh nhân nghèo ăn miễn phí. 28 năm liên tiếp bà Nguyễn Thị Ngọc Lan là cán bộ y tế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều năm liền, bà  được tỉnh Gia Lai, bệnh viện tỉnh tuyên dương về những việc làm  ý nghĩa và nhân văn của mình. Nhưng bà vẫn bảo: “việc tôi làm thì có thấm tháp vào đâu, còn sức thì còn cố gắng vậy thôi”. Ông Trần Đức Hưng, cán bộ phường cũng một lòng thán phục bà Lan và cho biết: “Bà ấy mới phải đi mổ tim vài năm nay đấy. Dẫu đau bệnh nhưng vẫn cứ hiến tặng tiền lương cho người nghèo. Thật đáng quý”. 

HÀ ĐẠO-PHẠM NHÀI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh