Tạm giam cựu giám đốc Ban quản lý dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội
- Tây Y
- 13:21 - 09/05/2015
Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh – Cục trưởng C46, Bộ Công an xác nhận với phóng viên, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Thế Trung, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội và Trần Cao Bằng, cựu Giám đốc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex.
Tướng Thịnh cho hay, các bị can bị cơ quan điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hai bị can này liên quan trực tiếp đến vụ án làm vỡ đường ống nước sông Đà – Hà Nội, gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua.
Sau khi xảy ra vỡ đường ống lần thứ 9, cơ quan cảnh sát điều tra đã vào cuộc và khởi tố vụ án hình sự về hành vi Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, điều tra các sai phạm. Sau một thời gian, đến nay đã có kết quả giám định, xác định được nguyên nhân vỡ đường ống và những người trực tiếp liên quan.
Chiều 8/5, cơ quan công an đã tống đạt lệnh khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà , Hà Nội thuộc Công ty xây dựng Vinaconex về hành vi vi phạm về quy định gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 229, Bộ Luật Hình sự. Lệnh bắt tạm giam đối với ông Hoàng Thế Trung đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, với vai trò là giám đốc Ban Quản lý dự án thay mặt chủ đầu tư giám sát điều hành thi công và nghiệm thu dự án cấp nước sông Đà Hà Nội nhưng ông Hoàng Thế Trung đã không thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư, xây dựng công trình; không tiến hành kiểm tra, kiểm soát, điều kiện năng lực, chất lượng vật liệu đưa vào lắp đặt cho dự án của nhà thầu dẫn đến công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuyến đường ống nước sông Đà do Tổng công ty Cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng, được đưa vào hoạt động từ năm 2008 với công suất 300.000 m3 nước mỗi ngày đêm. Trong 6 năm hoạt động, đường ống nước đã 10 lần vỡ hoặc gặp sự cố, ảnh hưởng đến 70.000 hộ dân ở Hà Nội.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân gây ra hàng loạt sự cố là chất lượng đường ống không đồng đều, độ bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt; ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt, gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu tấm bêtông dàn tải tại hầm chui dân sinh... Ngoài ra, tuyến ống còn bị ảnh hưởng bởi việc vận hành, khai thác đại lộ Thăng Long; ống làm bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể bị suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian.
Để ổn định cuộc sống người dân, tháng 7/2014, Hà Nội thống nhất với đề nghị của Bộ Xây dựng cho Vinaconex thi công đường ống truyền dẫn số 2 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại.