Tài xế Việt khỏi lo bật pha-cos, đèn thông minh làm tất
- Công nghệ mới
- 14:51 - 27/05/2019
Đèn ô tô, từ sơ khai cho đến những tiêu chuẩn mới
Đèn ô tô có lịch sử ra đời thậm chí còn trước cả ô tô (chiếc ô tô đầu tiên do Karl Benz, kỹ sư người Đức chế tạo năm 1885) bởi trước đó con người đã biết đến dùng đèn khí acetylene hoặc dầu hỏa để thắp sáng khi di chuyển trên những cỗ xe ngựa.
Đèn khí Acetylen dùng trên ô tô, xe ngựa ngày xưa
Phải hơn 1 thập niên sau khi chiếc ô tô của Karl Benz được ghi nhận, vào năm 1898, người Mỹ cho ra đời loại đèn pha chạy bằng điện gắn trên xe. Đến năm 1912, hãng Cadillac nâng cấp đèn pha hiện đại hơn và tạo nên cách mạng vào năm 1917 khi có thể điều khiển pha (chiếu xa) và cos (chiếu gần) bằng một cần gạt mà không cần phải dừng xe lại và chui ra ngoài như các sản phẩm xuất hiện trước.
Đèn pha chạy điện trên mẫu Cadillac Model 30 Touring 1912
Đèn pha tiêu chuẩn hình tròn hàn kín (sealed beam) với đường kính 7 inch (178mm) được đưa ra vào năm 1940 và có mặt trong tất cả các phương tiện ở Mỹ nhưng cũng chưa hẳn được cả thế giới ưa chuộng. Phải đến năm 1962, loại đèn halogen xuất hiện ở Châu Âu đã tạo được đột phá. Khí halogen bên trong giúp đèn sợi đốt hoạt động hiệu quả hơn nhiều, hơn nữa chi phí của loại đèn này rẻ nên ngày nay vẫn là lựa chọn hàng đầu cho các dòng xe phổ thông.
Cấu tạo của đèn Halogen
Càng về sau, công nghệ chế tạo ô tô tinh vi hơn nên nhu cầu đèn chiếu sáng cũng phải nâng cấp dần. Hệ thống phát sáng cường độ cao (High Intensity Discharge – HID, hay còn được gọi là đèn Xenon) lần đầu đưa ra trên loại xe BMW 7 series đời 1991, sau đó rất được ưa chuộng ở Châu Âu và Nhật với gần 50% thị phần toàn cầu.
Cấu tạo đèn xe-non (HID)
Mặc dù đèn LED (hay còn gọi là điốt phát quang) ra đời từ năm 1962 và xuất hiện dần phổ biến, nhất là trong ngành biển quảng cáo, nhưng phải đến năm 2014, hãng Audi đánh dấu cột mốc mới về công nghệ chiếu sang trên xe hơi khi trang bị công nghệ đèn pha LED trên mẫu xe Audi A8L. Rất nhanh, các đối thủ BMW, Mercedes-Benz và các hãng xe sang nhảy vào cuộc và tạo nên thời đại mới cho đèn pha: thời đại đèn thông minh.
Đèn pha thông minh lên ngôi
Nếu như trên các dòng xe phổ thông, trải qua hơn 100 năm phát triển hệ thống đèn pha ô tô thì việc tăng hiệu suất ánh sáng và mức độ thẩm mỹ mới là ưu tiên, như chuyển từ Halogen sang Bi Xe-non hay LED, khung đèn ngày một nhỏ hơn… Còn đối với dòng xe cao cấp, đèn pha đang dần vượt khỏi ý nghĩa soi đường, mà chuyển hóa thành một chuẩn mực giao tiếp văn minh và an toàn.
Đi đầu về công nghệ đèn thông minh, phải kể đến “bộ tam” Audi, BMW và Mercedes-Benz. Mercedes-Benz với hệ thống Multibeam LED, BMW có công nghệ Adaptive LED Headlight và Audi là Matrix LED. Các hệ thống đèn thông minh này đều được ứng dụng từ năm 2014 trên một số mẫu xe riêng biệt.
Xem Clip so sánh công nghệ đèn pha thông minh của 3 hãng xe sang Audi, BMW và Mercedes-Benz. Mercedes-Benz:
Multibeam LED được Mercedes-Benz giới thiệu vào đầu năm 2014, áp dụng đầu tiên trên chiếc CLS 500 4MATIC. Đây được xem như bước đi quan trọng để đáp trả công nghệ đèn pha ma trận của Audi hay công nghệ đèn Laser của BMW. Tại Việt Nam tính đến năm 2019, đèn Multibeam LED có sẵn trên cả 3 mẫu sedan là C-Class, E-Class và S-Class.
Đèn Multibeam LED trên mẫu Mercedes-Benz C300 AMG giá gần 1,9 tỷ đồng
Đèn xe Adaptive LED Headlight (hay còn gọi là đèn tự động thích ứng) hiện nay đang được trang bị tiêu chuẩn cho BMW 7 Series và là Option (chọn thêm) cho các dòng xe còn lại của BMW.
Cụm đèn Adaptive LED Headlight trên BMW Series 5
Với Audi, công nghệ đèn Matrix LED bắt đầu ứng dụng vào mẫu Audi A8 từ cuối năm 2013. Về sau có thêm nhiều mẫu xe ứng dụng công nghệ đèn thông minh này như A4, TT, Q7, R8.
Đèn Matrix LED trên Audi A8
Cả ba công nghệ đèn thông minh trên dù khác nhau về tên gọi và cấu tạo nhưng đều có chung chức năng tự động điều chỉnh góc chiếu đèn pha, tự động điều khiển dải sáng, cũng như hệ thống mở rộng góc chiếu sáng khi vào cua.
Chính vì hoàn toàn tự động, nên có thể hiểu rằng tài xế gần như sẽ chẳng phải lưu tâm đến việc chuyển “pha, cốt” dù môi trường giao thông ở đô thị hay ngoại thành. Khi rảnh tay hơn, khả năng phản xạ của tài xế cũng tăng thêm nhờ ánh sáng chiếu rõ, đọc thông tin biển báo, chướng ngại vật từ xa.
Tuy nhiên, để an toàn và văn minh hơn khi đi trên đường qua việc bật pha, cốt đúng lúc, đúng chỗ, nếu chỉ dựa vào công nghệ đèn tự động thì sẽ còn một khoảng cách rất lớn bởi hiện nay chỉ những mẫu xe đắt tiền mới ứng dụng. Điển hình như trên mẫu C-Class của Mercedes-Benz thì chỉ từ phiên bản C200 Exclusive giá 1,7 tỷ mới có ứng dụng đèn Multibeam LED, trên BMW chỉ từ mẫu Series 3 giá trên 2 tỷ mới có option Adaptive LED Headlight và Audi cũng phải từ mẫu A4 giá trên 1,7 tỷ đồng có option đèn ma trận.